Không để tăng giá sữa bất hợp lý

Từ đầu năm đến nay, thị trường sữa trong nước đã tăng giá ba lần liên tiếp, trung bình mỗi lần tăng từ 5 đến 10%. Một số công ty sữa đã tăng giá vào thời điểm tháng một, tháng hai (giá chênh lệch giữa mỗi lần tăng từ 7 đến 10%, có loại tăng 15%), tới tháng ba lại tiếp tục tăng giá. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, giá bán lẻ sữa ở Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới.

Các hãng sữa lý giải nguyên nhân chính của việc tăng giá sản phẩm là do thời gian qua chi phí đầu vào tăng, cho nên doanh nghiệp tăng giá bán. Trên thực tế, những tháng vừa qua, giá thu mua sữa tươi trên thị trường vẫn ổn định, giá sữa thế giới có tăng, nhưng không tăng tương xứng với giá tăng của các hãng sữa trong nước. Dù các chi phí khác trong sản xuất, kinh doanh có tăng chăng nữa, việc giá sữa tăng ba lần liên tiếp, mỗi lần trung bình gần 10% là điều bất thường, khó có thể chấp nhận.

Để hợp lý hóa việc tăng giá, các hãng sữa đã sử dụng nhiều cách tinh vi để lách luật. Bằng việc đăng ký lại sản phẩm sữa công thức khi hết thời hạn đăng ký theo quy định với những tên gọi mới như "sản phẩm dinh dưỡng", "thức ăn công thức dinh dưỡng", "sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt", "thực phẩm bổ sung", các hãng sữa đã lách được việc kê khai và đăng ký giá khi điều chỉnh.

Bên cạnh đó, do quy định các hãng sữa có quyền chủ động đưa ra giá bán và chịu trách nhiệm với giá, miễn là mức tăng mỗi lần không quá 20% trong vòng 15 ngày liên tục, cho nên các hãng sữa đã dễ dàng điều chỉnh tăng giá bán, lách quy định bằng cách mỗi lần tăng đều thấp hơn mức 20%. Một cách thức phổ biến khác đang được một số công ty sữa áp dụng để giải thích việc tăng giá là đầu tư lớn cho nghiên cứu, phát triển dòng sản phẩm mới. Khi các yếu tố cấu thành giá sữa như chiết khấu, tiếp thị, quảng cáo, bí mật công thức sản phẩm... cao bất thường, xuất hiện dấu hiệu chuyển giá trong lĩnh vực này. Trên thị trường hiện nay có biểu hiện các liên doanh, hãng sữa ngoại "bắt tay" với nhau để đồng loạt tăng giá, dẫn tới việc các hãng sữa nội cũng tăng theo.

Theo các chuyên gia, có nhiều kẽ hở để các hãng sữa lách luật tăng giá bán liên tục. Một là, quy định chỉ có sữa dành cho trẻ em dưới sáu tuổi mới phải kê khai đăng ký giá, những loại sữa khác không phải đăng ký. Hai là, chỉ những sản phẩm sữa bột có hàm lượng đạm đạt hơn 34% mới được coi là sữa, trong khi phần lớn sữa bột lưu hành trên thị trường chỉ có độ đạm từ 18% trở xuống. Ba là, sự buông lỏng và phối hợp chưa đồng bộ trong việc quản lý giá sữa của các cơ quan chức năng. Luật Giá có hiệu lực từ ngày 1-1-2013, nhưng đến nay vẫn chưa có nghị định cũng như thông tư hướng dẫn.

Để nhanh chóng ổn định giá mặt hàng sữa, chống lách luật tăng giá liên tục bất thường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần sớm chuẩn hóa tên gọi của những mặt hàng sữa bột cho trẻ em dưới sáu tuổi để tạo điều kiện thực hiện các khâu quản lý tiếp sau, nhất là công tác quản lý giá. Đồng thời, nghiên cứu chỉnh sửa quy định tỷ lệ đạm trong sữa bột cho trẻ từ 34% xuống còn từ 11 đến 18% như khuyến cáo của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế. Sở Tài chính các địa phương phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng liên quan trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân kinh doanh sữa, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật về niêm yết giá.

MINH LINH

(Hà Nội)

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/bandoc/duong-day-nong/item/20122802-.html