Không để nông dân, HTX phải 'bơ vơ' trong tìm đầu ra cho nông sản

Để tìm đầu ra cho nông sản, đặc biệt là xuất khẩu trong khi sắp tới là thời điểm thu hoạch rộ của nhiều loại nông sản cần có chiến lược rõ ràng từ HTX, doanh nghiệp đến cơ quan quản lý.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng mua những sản phẩm thiết yếu hơn là hưởng thụ.

1 tạ vải chỉ được tính... 80kg!

Điều này dẫn đến tình trạng không chỉ những mặt hàng xa xỉ mà hàng hóa có chất lượng cao như hữu cơ, organic… cũng kén khách mua so với trước.

Bên cạnh đó, tình trạng mặt bằng bỏ trống tuy diễn ra khá nhiều nhưng có nghịch lý là giá thuê, mua không giảm, tạo áp lực cho mạng lưới bán lẻ, trong đó có hệ thống bán lẻ của các Liên hiệp HTX, HTX.

Sắp tới là thời điểm thu hoạch của rất nhiều loại nông sản, trong đó có rất nhiều loại cây ăn trái, đặc biệt là những nông sản ở vùng miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Hiện, có nhiều nông sản được mở rộng diện tích cây trồng. Như ở Tây Nguyên đã trồng vải, dự kiến sản lượng sẽ đạt khoảng 900.000 tấn trong vụ mùa năm nay và trùng với mùa thu hoạch vải ở Bắc Giang. Trong khi giá vải năm nay tại các vùng trồng lại giảm 40% so với năm ngoái (năm ngoái có thời điểm bán 130.000 đồng/kg).

Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc HTX Sản xuất và tiêu thụ Mỳ Chũ Nam Thể (Bắc Giang), cho biết sản phẩm đặc trưng của HTX là mì chũ Bắc Giang đang làm thủ tục bảo hộ độc quyền ở một số nước nhưng mới đáp ứng được 30% nhu cầu thu mua của các doanh nghiệp, xuất khẩu chỉ khoảng 20-30%. Trong khi người dân sản xuất thủ công, phụ thuộc vào thời tiết, chỉ nắng mới đẩy mạnh sản xuất, còn sản xuất công nghiệp thì không không mang lại nét đặc trưng cho đặc sản này.

Mùa vải Bắc Giang sắp vào vụ thu hoạch rộ cũng tạo áp lực không nhỏ cho người dân, HTX.

Còn sản phẩm vải thiều khi vào vụ thu hoạch rộ chỉ trong vòng một tháng. Điều này không tránh khỏi tình trạng bị trượt giá. Ngoài ra, vào vụ thu hoạch, 1 tạ vải chỉ được tính khoảng 80 kg vì đơn vị thu mua trừ cân (đầu chùm, vải rụng). Một số địa phương khác có thể mở rộng thêm diện tích trồng vải nhưng diện tích hiện còn ít hơn Bắc Giang nên khó trượt giá, hoặc không bị trừ cân nhiều.

Theo các chuyên gia, hiện nay, nhiều vùng miền, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, sản lượng xuất khẩu khoảng 40%, bán trong nước khoảng 25%. Như vậy, vẫn còn một lượng nông sản nữa chưa đến được tay người tiêu dùng.

Nguyên nhân là vì khâu vận chuyển khó khăn, sản phẩm chưa chế biến sâu nhiều. Ở nhiều địa phương có các nông đặc sản nhưng số lượng ít, nhãn mác, thương hiệu còn hạn chế. Các HTX, người dân đã sử dụng nền tảng thương mại để tiêu thụ, kết nối trong bán hàng nhưng còn hạn chế.

Điều này dẫn đến tình trạng Việt Nam và Thái Lan cùng xuất khẩu hàng hóa, nông sản sang Trung Quốc. Tuy Việt Nam có lượng hàng xuất khẩu cao hơn 1,8 lần nhưng lại thua về giá trị so với Thái Lan.

Đặc biệt, mới chỉ có một số nông sản làm tốt vấn đề xây dựng thương hiệu trên thị trường như vải thiều, mì Chũ ở Bắc Giang…, do sản xuất còn manh mún nên nông sản khó đồng đều, chưa đáp ứng được các yêu cầu của các thị trường khó tính.

Phát triển HTX tiêu dùng

Để mở đầu ra cho nông sản, các chuyên gia cho rằng nông sản muốn xuất khẩu thì phải vượt qua được sức ép về các quy chuẩn. HTX, người dân địa phương phải thay đổi và thích ứng với các quy chuẩn thị trường vì nông sản, nhất là nhiều loại đặc sản phải được sản xuất ở một vùng cụ thể mới cho chất lượng đặc trưng, thu hút người tiêu dùng và đối tác.

Nhưng điều quan trọng hơn, theo ông Hoàng Trọng Thủy, chuyên gia nông nghiệp, khi chia sẻ tại tọa đàm “Phát triển sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu Vùng đồng bào dân tộc miền núi”, đó là phải quan tâm phát triển giao thông từ vùng sản xuất đến các trung tâm lớn. Hiện, người dân và các HTX thu hoạch, vận chuyển nông sản vẫn thủ công, không bảo đảm chất lượng nên dễ bị giảm giá.

“Và khi không giải quyết được điều này, rất khó tiêu thụ trong nước chứ chưa nói gì đến xuất khẩu. Phải xem đường đi của nông sản đến đâu để xây dựng các chuỗi nông sản và phát triển giao thông đến đó. Nếu không, người nông dân, HTX sẽ mãi bơ vơ trong sản xuất và tìm đầu ra cho nông sản”, chuyên gia này nhấn mạnh.

Một trong những giải pháp để mở rộng đầu ra cho nông sản đó chính là "làm sao có thể bán sản phẩm mùa hè vào mùa đông và bán sản phẩm mùa đông vào mùa hè”. Như vậy, phải làm tốt khâu bảo quản.

Ngay như quả sầu riêng. Việt Nam không chỉ phát triển nóng về diện tích, mã vùng ít, chỉ khoảng 10-15% mà giá bán cũng chỉ bằng 1/3 giá sầu riêng Thái Lan xuất khẩu sang Trung Quốc vì thiếu bảo quản, cấp đông.

Theo các chuyên gia, thay vì các công nghệ cấp đông, sấy dẻo, sấy nhiệt đơn thuần thì phải quan tâm nhiều hơn đến các công nghệ bảo quản hiện đại để tăng giá trị và đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu.

Nhận thấy rõ lợi ích của việc đưa công nghệ vào bảo quản nông sản, ông Nguyễn Văn Nam cho rằng ngay như Bắc Giang, cần quan tâm quy hoạch đất rộng để đầu tư nhà lạnh, bảo quản tại vùng sản xuất vải để bán tươi dần mới cho hiệu quả cao. Còn sấy vải hiệu quả thực sự không cao bằng bán tươi, thị trường không ưa chuộng.

Ông Nam dẫn chứng ngay như Thái Lan, Trung Quốc không mạnh về sản xuất vải nhưng các siêu thị của họ lại có vải lạnh bán vào thời điểm giáp Tết với giá 300.000 đồng/kg. Trong khi vải này chính là nhập ở Việt Nam nhưng họ đầu tư bảo quản tốt hơn Việt Nam nhiều lần.

Một điểm cần lưu ý là hiện nay, Việt Nam có rất ít mô hình HTX tiêu dùng nên thiếu đi nhà phân phối, thiếu kênh tiêu thụ cho người dân và không giữ giá cho nông sản. Trong khi, các nước trên thế giới như Nhật Bản phát triển rất mạnh mô hình HTX tiêu dùng nên hỗ trợ đầu vào và tiêu thụ nông sản cho người dân rất tốt. Đây là điều Việt Nam cần quan tâm để thúc đẩy các chuỗi giá trị nông sản.

Huyền Trang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//hop-tac-xa/khong-de-nong-dan-htx-phai-bo-vo-trong-tim-dau-ra-cho-nong-san-1092827.html