Không để lạm quyền

Từ xưa, ông cha ta vừa có 'thi' vừa có 'cử'. Tổ chức thi là để tuyển chọn người ra gánh vác việc nước, song việc 'cử' cũng là một phương thức quan trọng và có hiệu quả.

Còn nhớ, khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa mới được thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Thông lệnh “Tìm người tài đức” đăng trên Báo Cứu Quốc ngày 20-11-1946. Nói như vậy để thấy việc đề đạt, đề cử cán bộ không mới, song ở thời điểm hiện nay thì Quy định 142-QĐ/TW của Bộ Chính trị quy định thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ là khá đột phá.

Khi quy định được ban hành sẽ không tránh khỏi ý kiến băn khoăn về việc trao quyền cho người đứng đầu trong công tác cán bộ liệu có đảm bảo tính minh bạch, tập trung dân chủ, không cục bộ, cảm tính. Tôi cho rằng bất cứ một quy định nào cũng có những mặt được, có thể có các hạn chế và quy định này cũng vậy. Dù Quy định 142-QĐ/TW đã nêu rất rõ thẩm quyền của người đứng đầu trong công tác cán bộ, dù được giao nhiều quyền hơn song không phải quyền tuyệt đối mà có lẽ quyền “đề xuất” lớn hơn, còn các quyền quyết định vẫn phải tuân thủ các khâu, các bước, các quy trình của công tác cán bộ hiện nay.

Quy định 142-QĐ/TW yêu cầu người đứng đầu khi giới thiệu nhân sự hoặc bổ nhiệm nhân sự phải bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực công tác của nhân sự do mình giới thiệu. Thực hiện nghiêm các quy định về công tác cán bộ, quy định về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu trong một số trường hợp cụ thể, đó là những ràng buộc để người đứng đầu không thể lạm quyền trong công tác cán bộ.

Trong quá trình thực hiện, tôi cho rằng tổ chức đảng cấp trên, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền để đảm bảo việc giới thiệu, lựa chọn cán bộ vào bộ máy phải đúng người, đúng việc.

Quy định được thực hiện thí điểm trong 5 năm, mức độ hiệu quả cần có thời gian để đánh giá, song phải khẳng định, quy định này giao thẩm quyền lớn hơn, nhiều hơn, chủ động hơn cho người đứng đầu trong công tác cán bộ. Đồng thời góp phần khắc phục được một số tồn tại, hạn chế, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng hơn trong bổ nhiệm cán bộ.

PGS-TS NGUYỄN QUỐC DŨNG (Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực II)

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/khong-de-lam-quyen-post739553.html