Không để học sinh nghèo bị bỏ lại phía sau

Tại Kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội ngày 6/12 đã thông qua Nghị quyết chế độ hỗ trợ học phí cho trẻ em mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc hộ cận nghèo.

So với Nghị định 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ, không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ 50% học phí mà Hà Nội đã đưa ra quyết sách giảm hoàn toàn học phí. Đây được coi là chính sách nhân văn, tạo cơ hội đến trường cho mọi trẻ em.

Cứ vào dịp đầu năm, Hà Nội lại rộ lên căn bệnh chạy trường, chạy lớp hoặc quá tải học sinh… Nhiều cậu ấm hàng ngày được đón đưa từ trường đến nhà theo kiểu mưa không đến mặt, nắng không đến đầu. Nhưng không phải tất cả học sinh Hà Nội đều có điều kiện sung túc để đến trường với hình ảnh này.

Trên thực tế, hơn 10.000 học sinh Hà Nội sinh sống trong hộ gia đình cận nghèo, nên dù đã giảm 50% học phí theo Nghị định 81 thì học sinh hộ cận nghèo phải đóng thấp nhất 25.000 đồng/học sinh/tháng và cao nhất 150.000 đồng/học sinh/tháng. Mức đóng này vẫn là áp lực với nhiều phụ huynh hàng ngày mưu sinh lo kiếm từng chục nghìn đồng để nuôi sống miệng ăn trong nhà.

Khi Nghị quyết chế độ hỗ trợ học phí cho trẻ em mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc hộ cận nghèo được thông qua tại HĐND TP, với nguồn kinh phí 6,7 tỷ đồng hỗ trợ mỗi năm sẽ có khoảng hơn 10.000 học sinh có thêm cơ hội đến trường, trong đó gần 10.200 em ở trường công lập. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo phân cấp. Để tránh trùng lặp các đối tượng được hỗ trợ, Hà Nội sẽ tiến hành khảo sát, phân tích rõ thêm đặc điểm của nhóm đối tượng là học sinh thuộc hộ cận nghèo học tập tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông dân lập, tư thục của TP Hà Nội và nghiên cứu giải pháp để học sinh thuộc hộ cận nghèo được ưu tiên học tại các trường công lập.

Trên thực tế để giảm bớt khó khăn cho Nhân dân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tất cả các địa phương đã miễn, giảm học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông ở mức 50 - 100%. Với phương châm không để cho bất cứ học sinh nghèo nào bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn, thời gian qua, ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn có thể cắp sách đến trường.

Một trong những giải pháp căn cơ nhất đó là thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho đối tượng là con em gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo. Có thể thấy, nhờ thực hiện tốt các chính sách - trong đó có việc miễn giảm học phí thời gian qua, đã giúp hàng nghìn trẻ em nghèo thoát khỏi nguy cơ bỏ học, được đến trường với bạn bè.

Tuy nhiên, Hà Nội là địa phương đi đầu khi mở rộng đối tượng miễn học phí là học sinh thuộc hộ cận nghèo. Hơn nữa, với chính sách này, Hà Nội cũng đến gần hơn với mục tiêu... Từng bước mở rộng đối tượng học sinh thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 100% học phí, đối tượng học sinh thuộc hộ cận nghèo sẽ được TP hỗ trợ số học phí còn lại phải đóng (hỗ trợ 50% học phí) sau khi đã hưởng chính sách giảm học phí của T.Ư, Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025”.

Đây là chính sách cần thiết, không chỉ thể hiện tinh thần quan tâm đến giáo dục của chính quyền Hà Nội mà còn là việc đầu tư kiến thức, chất lượng nguồn nhân lực cho thế hệ tương lai.

Lan Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-de-hoc-sinh-ngheo-bi-bo-lai-phia-sau.html