Không để các cụ nghỉ hưu phải rút tiền nhiều lần

Việc thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho người dân thuộc diện hưởng chính sách, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nêu rõ quan điểm 'Làm sao thì làm phải thuận lợi nhất cho người dân. Song song với đó, cần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt...'

Chiều ngày 9/1, UBND TP Hà Nội tổ chức cuộc họp nghe báo cáo tiến độ triển khai thực hiện thí điểm Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử thành phố và thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho người dân thuộc diện hưởng chính sách thuộc ngành Lao động, Thương binh – Xã hội.

Chủ trì hội nghị có Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh, Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 06, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số TP; đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ;

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn; Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 06 TP, cùng đại diện các sở, ngành liên quan.

Quang cảnh cuộc họp.

30/30 quận, huyện, thị xã đã cập nhật dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội

Báo cáo tại cuộc họp, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử TP Hà Nội được triển khai, cài đặt, vận hành trên hạ tầng kỹ thuật tại Trung tâm Dữ liệu của Tập đoàn Viettel. Đồng thời, Hệ thống đã được cấu hình đảm bảo việc kết nối, liên thống tới mạng truyền số liệu chuyên dùng CPNET do Cục Bưu điện Trung ương – Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý.

Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh phát biểu tại cuộc họp.

Đến nay đã có có 1141 máy tính đáp ứng nhu cầu; 27/30 Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã đề xuất bổ sung tổng số 968 máy tính. UBND TP đã giao cơ chế để các đơn vị chủ động mua sắm, đảm bảo có đầy đủ trang thiết bị trước ngày 20/1/2024. Đồng thời, giao Sở Y tế phối hợp với Cục chứng thư số và bảo mật thông tin- Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức cấp chữ ký số cho 615 đơn vị (gồm Trung tâm Y tế, Trạm y tế, phòng khám đa khoa) và 2.475 cá nhân trực thuộc các đơn vị. Đến nay 100% các cơ quan, đơn vị và cá nhân được cấp chữ ký số theo quy định.

Đã có 291/394 đơn vị đang sử dụng phần mềm quản lý khám, chữa bệnh do các công ty phần mềm trong nước cung cấp như: Viettel, VNPT, FPT và một số doanh nghiệp nhỏ lẻ khác. Hiện còn 103/394 đơn vị chưa có phần mềm phục vụ khám, chữa bệnh; 1 đơn vị (Bệnh viện Việt - Pháp) sử dụng phần mềm do nước ngoài cung cấp. Đồng thời, hoàn thành cấp cho hơn 3.200 tài khoản cho các đơn vị, cá nhân tham gia khai thác, sử dụng hệ thống.

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại cuộc họp.

Cùng với đó, TP đã tổ chức kết nối thí điểm liên thông dữ liệu bảo hiểm y tế (BHYT) của 2 bệnh viện Xanh Pôn, Đức Giang (khoảng 3.895 hồ sơ) theo Quyết định 4026/QĐ-BYT. Dự kiến trong tháng 1-2024 áp dụng thí điểm mở rộng thêm 10 cơ sở khám chữa bệnh tại các địa phương gồm: UBND các quận, huyện (Mỹ Đức, Hoài Đức, Ba Vì, Hà Đông, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh); các bệnh viện thuộc TP gồm: Hòe Nhai, Thanh Nhàn.

Về thực trạng số người đang hưởng ưu đãi an sinh xã hội trên địa bàn, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky cho biết, TP có 291.301 người đang hưởng ưu đãi an sinh xã hội hằng tháng. Trong đó, số người đã có tài khoản (tính đến trước ngày 7/1/2024) là 38.244/291.301 (đạt tỷ lệ 13,13%); số người được chi trả qua tài khoản là 17.718/38.244 (đạt tỷ lệ 46,3% tổng số người đã có tài khoản).

Bên cạnh đó, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cũng nêu những khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện các nội dung trên. Cụ thể, chưa có quy định pháp lý cụ thể liên quan đến việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử TP với Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm do bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam quản lý theo đề nghị Công văn số 4552/BHXH-CNTT ngày 29-12-2023 của BHXH Việt Nam về việc cung cấp dữ liệu hành chính người dân và kết quả khám, chữa bệnh BHYT cho việc triển khai thử nghiệm Hệ thống điện tử trên địa bàn TP Hà Nội để làm giàu dữ liệu...

Đến nay, 30/30 quận, huyện, thị xã đã cập nhật dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội, dữ liệu người có công lên phần mềm của Bộ Lao động –Thương binh, Xã hội. Trong đó, 30/30 quận, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch, văn bản chỉ đạo, rà soát, triển khai thực hiện thí điểm chi trả không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội.

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội trình bày báo cáo.

UBND TP ban hành công văn số 61/UBND-KSTTHC ngày 7/1/2024 về phát động tháng cao điểm trên toàn địa bàn thành phố về việc tập trung tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân thuộc diện được hưởng chính sách an sinh xã hội đăng ký tài khoản để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt, đặc biệt tập trung thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Trong đó, xác định mục tiêu đảm bảo 100% người dân đã có tài khoản và mong muốn chi trả qua tài khoản trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 được thực hiện chi trả qua tài khoản.

Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Đại diện lãnh đạo các đơn vị của Trung ương cũng như TP đã thảo luận tại cuộc họp về kết quả thực hiện thí điểm Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử thành phố và thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho người dân thuộc diện hưởng chính sách. Trong khi đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đường truyền tại một số Trung tâm y tế, cơ sở khám chữa bệnh còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu trong công tác triển khai và khai thác, sử dụng Hệ thống.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà cho biết, Sở đã chủ trì phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã tổng rà soát việc ứng dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh tại các Trung tâm y tế, các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn địa bàn thành phố (không bao gồm các Bệnh viện thuộc tuyến Trung ương quản lý) nhằm phục vụ công tác đồng bộ cơ sở dữ liệu về lịch sử khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn TP Hà Nội lên Hệ thống Hồ sơ sức khỏe điện tử thành phố để phục công tác quản lý, điều hành của ngành y tế TP.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng cho biết, thời gian qua các cơ quan báo chí tổ chức tuyên truyền, thông tin nhiều tin, bài rộng rãi nhằm tạo sự đồng thuận với người dân thuộc diện được hưởng chính sách an sinh xã hội thực hiện mở tài khoản để chi trả không dùng tiền mặt thuận tiện nhất, chi đúng, chi đủ, kịp thời.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nguyễn Việt Hùng thông tin tại cuộc họp.

Đánh giá cao việc TP Hà Nội tiên phong trong thực hiện thí điểm Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử TP; Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, sẽ tập trung tháo gỡ các khó khăn, kiến nghị của TP liên quan đến việc đưa dữ liệu về BHXH Việt Nam, dữ liệu về tiêm chủng… Đồng thời, Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị liên quan phối hợp với TP Hà Nội, đặc biệt là Sở Y tế để đẩy nhanh tiến độ triển khai thí điểm Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử và nếu thuận lợi sẽ triển khai trên toàn quốc...

“Làm đến đâu, được đến đó”

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đối với việc thực hiện chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho người dân thuộc diện hưởng chính sách; Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nêu rõ quan điểm “Làm sao thì làm phải thuận lợi nhất cho người dân. Song song với đó, cần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, không để các cụ nghỉ hưu phải rút tiền nhiều lần”.

Về việc triển khai Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị phải triển khai quyết tâm, quyết liệt, với tinh thần “làm đến đâu, được đến đó”. Và lưu ý việc cấu hình, đồng bộ hóa phần mềm các bệnh viện.

Đối với dữ liệu thuộc các cơ sở y tế, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh lưu ý cần có giải pháp để lưu trữ; các đơn vị cần cố gắng có hướng dẫn, sớm có cơ sở dữ liệu toàn bộ về y tế để giúp người dân quản lý sức khỏe của mình, tiết giảm chi phí khám chữa bệnh.

Phát biểu tại cuộc họp, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an biểu dương những kết quả của UBND TP Hà Nội trong việc triển khai thực hiện Đề án 06, Hồ sơ sức khỏe điện tử, Sổ sức khỏe điện tử, chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Thứ trưởng Bộ Công an cũng đặt câu hỏi với các sở ngành của Hà Nội: “Còn vướng mắc gì không?” và các đơn vị đều cơ bản thống nhất sẽ đảm bảo tiến độ các phần việc đề ra.

Từ đó, Thứ trưởng Bộ Công an cũng gợi mở việc sắp tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hoàn thành dữ liệu về học bạ trong tháng 3 tới. Đồng thời, đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội sớm nghiên cứu, đề xuất phương án để có hệ thống dữ liệu về giáo dục của Thủ đô…

Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an lưu ý các sở, ngành của TP tiếp tục bám sát những nhiệm vụ đã được UBND TP, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ cũng như các bộ, ngành đưa ra trong các cuộc họp, kế hoạch để thực hiện hiệu quả. Đồng thời cũng lưu ý thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán không còn nhiều, nên những phần việc lãnh đạo các sở, ngành cần phải triển khai là rất lớn, gấp gáp và phải phát huy tinh thần trách nhiệm cao để hoàn thành nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra.

Đạt Lê

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tra-an-sinh-xa-hoi-khong-dung-tien-mat-tao-thuan-loi-nhat-cho-nguoi-dan.html