'Không để ai bị bỏ lại phía sau'

ĐBP - Thời gian qua, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, một số địa bàn, khu vực phải phong tỏa, hàng nghìn người phải cách ly y tế tập trung... Không ít doanh nghiệp dịch vụ, du lịch, vận tải phải thu hẹp, thậm chí tạm dừng hoạt động, nhiều lao động bị mất việc làm, cuộc sống hết sức khó khăn. Chung tay sẻ chia, 'không để ai bị bỏ lại phía sau' trong 'cơn bão' Covid-19, Điện Biên đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực từ người dân khắp mọi miền Tổ quốc để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Đến thời điểm này, Điện Biên là một trong số ít tỉnh, thành không phát hiện ca nhiễm Covid-19 mới. Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh và các hoạt động xã hội khác đang dần trở lại trạng thái bình thường mới, thực hiện mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế - xã hội vừa đảm bảo phòng chống dịch. Với mục tiêu bảo đảm sức khỏe người dân, ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh tới cơ sở đã triển khai quyết liệt các chủ trương, chỉ đạo từ Trung ương; thực hiện kịp thời các biện pháp khoanh vùng, dập dịch, truy vết người tiếp xúc với nguồn bệnh, kiểm soát chặt chẽ trong khu vực phong tỏa, cách ly; yêu cầu mọi người thực hiện khuyến cáo 5K...

Thời điểm xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ trở thành tâm dịch Covid-19 khi liên tiếp phát hiện các ca nhiễm mới, chính quyền đã phải phong tỏa toàn xã, nhiều gia đình khăn gói tới các khu cách ly tập trung, trong đó không ít trường hợp là trẻ em. Lần đầu tiên xã biên giới nghèo khó đối mặt với dịch bệnh phải phong tỏa, điều kiện ăn ở tại các khu cách ly còn hạn chế, nhiều em nhỏ ngơ ngác khi xa bố mẹ, chưa biết tự chăm sóc bản thân… Trong khó khăn, tình người càng lan tỏa với nhiều hoạt động góp nhu yếu phẩm, tham gia nấu ăn hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân trong khu cách ly. Người góp quả bí, người mang bó rau, người đưa tới bao gạo phục vụ nấu các suất ăn miễn phí, hỗ trợ người dân vùng dịch chống “giặc Covid-19”. Từ bộ đội, giáo viên, cán bộ văn phòng, đoàn viên thanh niên đến người dân các xã lân cận trong huyện đã nhiệt tình tham gia công tác phục vụ, hỗ trợ phòng dịch. Ngay sau thời điểm khó khăn ban đầu, các nguồn lực ủng hộ cả nhu yếu phẩm thiết yếu cho tới đồ dùng, thiết bị y tế, trang phục bảo hộ… được các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm quyên góp gửi tới tâm dịch Si Pa Phìn. Rất nhiều chuyến hàng đã được kết nối, vận chuyển tới tận địa phương với mong muốn chia sẻ khó khăn, giúp người dân vượt qua dịch Covid-19. Bằng sự hỗ trợ nghĩa tình, thiết thực cùng tinh thần trách nhiệm, tận tâm của lực lượng tuyến đầu và sự hợp tác, chấp hành các quy định phòng dịch của người dân, Si Pa Phìn đã vượt qua dịch Covid-19. Đó là kết quả của sự chung sức đồng lòng, sự sẻ chia kịp thời của cộng đồng với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến với “giặc Covid-19”.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau” còn là tinh thần, phương châm hành động trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” không phải là lời hô hào suông mà là sự đồng cảm, tình thương yêu đùm bọc và mệnh lệnh trong trái tim mỗi người dân khi đã huy động được sự tham gia sâu rộng, sôi nổi và trách nhiệm cao của các tổ chức, cá nhân vào hoạt động vì cộng đồng, chung tay giúp đỡ người nghèo bằng cả tấm lòng với các hình thức khác nhau, các sáng kiến thiết thực, hiệu quả. Nhiều chương trình, dự án ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư để giảm nghèo bền vững đã được Đảng, Nhà nước quan tâm. Nhờ vậy, giai đoạn 2016 - 2020 cả nước đã giảm 7,13% hộ nghèo với hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo và thu nhập bình quân của người nghèo trong giai đoạn này cũng tăng 2,3 lần. Với Điện Biên, thực hiện phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã thực hiện những hoạt động, việc làm có ý nghĩa, góp phần quan trọng trong việc giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo. Nhiều chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi ngành nghề được triển khai trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả thiết thực. Người dân được hỗ trợ cây, con giống; được hướng dẫn kỹ thuật, phương thức sản xuất khoa học; xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị… đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần xóa đói giảm nghèo tại các địa phương. Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 30,67%; bình quân mỗi năm giảm 3,49% hộ nghèo, vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, đến thời điểm này, Chính phủ đã ban hành 2 gói an sinh xã hội với nguồn kinh phí 88.000 tỷ đồng nhằm giúp người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống trong trạng thái bình thường mới. Với mong muốn người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sớm nhận được hỗ trợ, ngoài việc ban hành kịp thời các gói an sinh xã hội, Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành triển khai quyết liệt, cắt giảm thủ tục, hướng dẫn người dân hoàn thiện thủ tục nhận hỗ trợ.

Với tinh thần, quyết tâm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và cuộc chiến với “giặc Covid-19” thì ngoài việc hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, rất cần sự chung tay giúp sức, sẻ chia của cộng đồng và ý chí tự lực vươn lên của mỗi người dân.

Hà Anh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/chinh-tri/188427/%E2%80%9Ckhong-de-ai-bi-bo-lai-phia-sau%E2%80%9D