Không chủ quan với bệnh viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma ở trẻ

Thời gian qua, một số bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhi mắc viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma. Bệnh do vi khuẩn Mycoplasma nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh và có thể lây lan rộng ra cộng đồng.

Viêm phổi do Mycoplasma dễ nhầm với những tác nhân viêm phổi khác

Tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian qua, Trung tâm tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện do viêm phổi. Trong đó, có nhiều trẻ bị viêm phổi do Mycoplasma với các triệu chứng không điển hình, dễ nhầm lẫn với cảm cúm thông thường.

Được biết, mỗi ngày, đơn vị tiếp nhận từ 150-160 bệnh nhân điều trị nội trú, trong đó các ca nhiễm Mycoplasma Pneumoniae chiếm khoảng 30%. Nghĩa là hàng ngày có khoảng 30-40 bệnh nhân nằm điều trị.

Mới đây nhất là bệnh nhi B.N. (8 tuổi, Lào Cai). Trước đó, trẻ sốt cao liên tục, húng hắng ho, gia đình cho trẻ đi khám tại bệnh viện gần nhà, được chẩn đoán sốt virus. Trẻ được theo dõi tại nhà thêm 3 ngày nhưng tình trạng sốt không hết.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương thăm khám cho bệnh nhi.

Trẻ vào Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương diễn biến bệnh ngày thứ 5, với biểu hiện sốt cao liên tục từng cơn, ho khan, phát ban toàn thân, chụp X-quang phổi có hình ảnh viêm phổi thùy. Được các bác sĩ chỉ định xét nghiệm chuyên sâu định danh chính xác tên loại vi khuẩn gây ra tình trạng trên.

Kết quả, xét nghiệm Mycoplasma Pneumoniae Real-time PCR dương tính. Sau 5 ngày điều trị với kháng sinh đặc hiệu, hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, hết sốt, không khó thở, phổi cải thiện rõ rệt.

PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh – Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, viêm phổi có nhiều căn nguyên, trong đó, Mycoplasma Pneumoniae (vi khuẩn không điển hình) là tác nhân quan trọng gây viêm phổi ở cộng đồng ở trẻ em. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên hay gặp ở nhóm trẻ lớn.

Khi vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae xâm nhập vào cơ thể, thời gian ủ bệnh khoảng từ 2 đến 3 tuần. Sau thời gian này, bệnh sẽ khởi phát và trải qua những triệu chứng sau: Ban đầu trẻ có những biểu hiện viêm long đường hô hấp như hắt hơi, sổ mũi, sốt.

Trẻ em bị viêm phổi có thể bị sốt cao, sốt liên tục từ 39 đến 40 độ C. Ngoài ra, trẻ còn ho nhiều, ho rũ rượi từng cơn, ho đi kèm khó thở, thở nhanh gấp gáp. Những trẻ lớn có thể có cảm giác đau ngực, đau đầu, đau cơ, cứng cơ…

Đặc biệt, trẻ bị viêm phổi do Mycoplasma có thể có biểu hiện những biến chứng ngoài phổi khác như có thể bị viêm kết mạc, nổi mày đay trên da, biến chứng tim mạch, biến chứng đường tiêu hóa, tiết niệu…

PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh lưu ý, triệu chứng viêm phổi do Mycoplasma ở trẻ rất dễ nhầm với những tác nhân viêm phổi khác như viêm phổi do virus, viêm phổi do vi khuẩn khác vì có biểu hiện như: Sốt, ho, khó thở hoặc chụp phim X-quang phổi có các tổn thương trên phim. Để chẩn đoán xác định tác nhân viêm phổi do Mycoplasma Pneumoniae cần phải làm xét nghiệm đặc hiệu.

Tương tự, thời gian gần đây, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cũng liên tục tiếp nhận các bệnh nhi mắc viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae. Một số ca biến chứng viêm phổi nặng phải thở oxy và một số ca bị viêm phổi thùy kháng thuốc.

Biến chứng khó lường

Bác sĩ Đỗ Hoàng Hải - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Mycoplasma pneumoniae (M.pneumoniae) có thể có biểu hiện nhẹ và có triệu chứng không đặc hiệu nhưng có thể chiếm tới 20% các ca mắc viêm phổi cộng đồng, đặc biệt là ở trẻ em. M.pneumoniae cũng là một trong những yếu tố khởi phát khò khè hoặc cơn hen ở trẻ, cũng như ảnh hưởng đến một số cơ quan khác ngoài phổi bao gồm: Da, niêm mạc, cơ, khớp, tim và hệ thần kinh trung ương.

Nhiễm trùng Mycoplasma pneumoniae phổ biến nhất ở trẻ em thanh thiếu niên trong độ tuổi đi học, nhưng cũng có thể gặp ở mọi lứa tuổi. Những trẻ sống và học tập trong môi trường đông đúc có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Viêm phổi do Mycoplasma gây ra bởi vi khuẩn Mycoplasma pneumonia.

Vi khuẩn lây truyền từ người này sang người khác qua các giọt nhỏ trong không khí, điều này chỉ xảy ra khi tiếp xúc gần. Vì vậy, để phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất là nên đeo khẩu trang.

Bác sĩ Đỗ Hoàng Hải khuyến cáo, khi có dấu hiệu nghi ngờ viêm phổi không điển hình nên cho trẻ đi khám chuyên khoa Nhi để được chẩn đoán chính xác và được điều trị thích hợp.

Các biến chứng nghiêm trọng thường không phổ biến, nhưng có thể dẫn đến trẻ phải nhập viện và đôi khi tử vong. Các biến chứng bao gồm: Viêm phổi nặng, khởi phát đợt cấp của hen phế quản, viêm não, thiếu máu tan máu, suy thận, hội chứng Stevens-Johnson…

Bệnh do vi khuẩn Mycoplasma nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người bệnh và có thể lây lan rộng ra cộng đồng. Vì vậy, người dân nên đi khám bệnh ngay khi có những triệu chứng bất thường.

Đồng quan điểm, PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh cho hay, viêm phổi do vi khuẩn hay virus nói chung và viêm phổi do Mycoplasma Pneumoniae nói riêng con đường lây truyền tiếp xúc qua đường giọt bắn, cho đến nay chưa có vaccine phòng Mycoplasma.

Để đảm bảo dự phòng cho trẻ cha mẹ cần đảm bảo một số nguyên tắc: Rửa tay bằng xà phòng. Đảm bảo cho trẻ sống trong môi trường sạch sẽ, thoáng mát. Không tiếp xúc với những trẻ có những biểu hiện ho, sốt.

Ngoài ra, cho trẻ có những chế độ dinh dưỡng phù hợp, giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Ăn đủ ô vuông thức ăn có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, đảm bảo đầy đủ vitamin và khoáng chất.

Đặc biệt, cha mẹ nên cho trẻ tiêm phòng theo đúng lịch, bởi vì nhiễm Mycoplasma Pneumoniae có thể đồng nhiễm thêm những vi khuẩn khác như phế cầu, Hip….

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nếu thấy trẻ có những biểu hiện như: viêm long đường hô hấp, sốt cao, ho khó thở. Đặc biệt là xảy ra ở những trẻ lớn từ 4-10 tuổi nên đưa trẻ đến những cơ sở y tế chuyên khoa. Để được khám và làm xét nghiệm chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời.

Theo một nghiên cứu của Mỹ, trẻ từ 5-10 tuổi, tỉ lệ mắc viêm phổi do Mycoplasma Pneumoniae là 16%, trong khi đó nhóm trẻ 10-17 tuổi, tỉ lệ này lên đến 23%.

Thanh Bình

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/khong-chu-quan-voi-benh-viem-phoi-do-vi-khuan-mycoplasma-o-tre.html