Không chỉ là chuyện riêng của báo chí

“Mỗi người làm báo cần thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, không “uốn cong ngòi bút” trước những cám dỗ, tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, nỗ lực phấn đấu là người chiến sĩ xung kích, kiên cường trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân”

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị,
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trao giải A cho các tác giả đoạt giải.
(Ảnh: Minh Quyết).

1. Trong lễ trao giải Báo chí Quốc gia năm 2015 mới diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 91 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, loạt 5 bài Tuần tra biển khống, “rút ruột” Nhà nước hàng tỷ đồng của các đồng nghiệp báo Lao Động đã đoạt giải B giải Báo chí Quốc gia. Có lẽ, một trong những lý do để loạt bài ẵm giải chính là đã đi vào một đề tài khó- cái khó ở đây chính là nói đến sai phạm của một bộ phận cán bộ Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị khi có dấu hiệu trục lợi trong tuần tra, kiểm soát hoạt động giám sát nghề cá trên biển. Khó là bởi đối tượng được nhắc đến trong loạt bài khá nhạy cảm. Kể lại quá trình đi tìm kiếm câu trả lời cho một hiện tượng được gọi là tiêu cực và cũng để thực hiện quá trình giám sát việc xử lý về sau, nhà báo Xuân Hải (một trong các tác giả loạt bài) tâm sự, có những lúc anh và các đồng nghiệp tưởng như không thể thực hiện được việc lấy ý kiến, tiếp cận nguồn tài liệu nhưng rồi mọi việc cũng suôn sẻ với họ. Và kết quả là loạt 5 bài ấy đã nói đúng, nói trúng một sự việc, hiện tượng cần được giám sát chặt chẽ trong xã hội dù nó không phải là quá phổ biến.

Cũng ở loạt bài này, các tác giả cũng đã thực hiện được cuộc phỏng vấn Đại tá, Phó Chủ nhiệm chính trị của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng với thông điệp gửi đi từ Đại tá Nguyễn Hòa Văn là sau khi đã quyết định thu hồi số tiền đã lập khống từ các phi vụ bất chính và sẽ xử nghiêm dù cho đã “hạ cánh an toàn” và rằng có thể sẽ rất đau xót. Một thông điệp phát đi rất dứt khoát, mạnh mẽ từ phía cơ quan lãnh đạo cấp trên của biên phòng Quảng Trị đủ cho thấy sức mạnh của lẽ phải, sự thật từ một loạt bài đăng trên báo chí.

Nhưng, vụ việc này may mắn vì nhận được câu trả lời và quan điểm xử lý của cơ quan chức năng; trong khi nhiều vụ việc khác lại không có được may mắn ấy. Cũng mới đây thôi, để có được loạt hai bài mang tên “Ám ảnh Khởi Luông” phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã phải về tận các thôn thuộc xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn để tìm hiểu về thực trạng phát triển kinh tế mà quên đi việc bảo vệ môi trường tại một vùng quê vốn rất yên bình. Đau xót hơn là những hệ lụy sẽ còn bám theo đời sống của những người dân nơi đây không biết bao năm, bao thế hệ khi mà người ta cứ vô tư xả những hóa chất trong quá trình thuộc da xuống khúc sông sát cơ sở sản xuất. Dân khổ sở nhưng chính quyền thì có dấu hiệu làm ngơ khi cứ ậm ừ khi được hỏi. Thậm chí, hơn tuần sau, khi phóng viên quay lại Lạng Sơn đem câu chuyện và loạt bài trên chuyển tới cơ quan chức năng của tỉnh thì lãnh đạo cơ quan này vẫn tỏ ra không hay biết gì về vấn đề của một vùng quê nghèo tại địa phương. Phải chăng vụ việc này đến nay vẫn là quá nhỏ để cơ quan chức năng quan tâm? Hay là sự thờ ơ, thiếu coi trọng thông tin trên báo chí của cơ quan chức năng?

2. Hai câu chuyện, hai vụ việc ở hai địa phương khác nhau, về tính chất cũng khác nhau nhưng mức độ gây hại cũng chưa thể nào đánh giá hết được. Điều đáng nói ở đây là sự vào cuộc của báo chí trong quá trình giám sát-phản biện xã hội là rất rõ ràng. Nó minh chứng một điều, báo chí, bằng chức năng, nhiệm vụ của mình đã hàng ngày, hàng giờ thực hiện công tác giám sát- phản biện xã hội một cách tích cực. Nó cũng cho thấy chủ trương tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội của báo chí là hết sức cần thiết, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi toàn Đảng, toàn dân đang tập trung đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đảng ta cũng đã chỉ rõ báo chí và truyền thông đại chúng là một trong bốn hệ thống giám sát xã hội. Tại Đại hội XI của Đảng, trong Nghị quyết Đại hội đã nêu rõ: “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước...”- đó cũng chính là cách Đảng đặt vào vai báo chí trọng trách nâng cao hơn nữa vai trò giám sát-phản biện xã hội. Nó cũng thể hiện, báo chí đang nỗ lực làm tốt vai trò “định hướng” trong quá trình giám sát-phản biện xã hội.

Mới đây trong đêm trao giải Báo chí Quốc gia năm 2015, đến dự và trao giải, chung vui với ngày hội của các nhà báo trên toàn quốc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã phát biểu, cùng với sự tham gia đóng góp ý kiến đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, báo chí cần làm tốt hơn nữa vai trò định hướng dư luận xã hội, thực sự trở thành cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; đồng thời là diễn đàn rộng rãi để nhân dân tham gia các công việc của đất nước, giám sát, phản biện xã hội, nâng cao trình độ dân trí; động viên, cổ vũ nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng.

Bởi, theo Chủ tịch nước, trong thời gian tới, trên thế giới, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn. Nhưng chiến tranh, xung đột sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, hoạt động khủng bố… vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi với tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm, phức tạp. Ở trong nước sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ đặt ra cho Báo chí Cách mạng Việt Nam rất nặng nề, nhưng rất vẻ vang, trên mặt trận “định hướng dư luận, trở thành cầu nối giữa Đảng với dân”. Chính điều này đòi hỏi, báo chí và nhà báo phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, vươn lên hiện đại về mô hình tổ chức hoạt động, về cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ, đảm bảo an toàn hệ thống và an ninh thông tin; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, sức hấp dẫn quần chúng nhân dân, đáp ứng yêu cầu của của sự nghiệp cách mạng và xu thế hội nhập.

3. Từ hai dẫn chứng vụ việc nêu trên trong vô số các vụ việc được báo chí nêu lên hàng ngày cho thấy, tất cả những vụ việc ấy xét cho cùng không phải đơn thuần là “đánh tiêu cực” như một số người vẫn quan niệm một cách đơn giản. Nó chính là việc phát hiện những khiếm khuyết trong quá trình kiến tạo các chính sách-thể chế. Thực ra, trình độ phát triển của xã hội phát triển đến mức cao thì dân chủ ngày càng mở rộng, quyền lực của nhân dân trong đó có quyền giám sát-phản biện xã hội của người dân cũng được nâng lên rõ rệt. Và chính nhân dân cũng là những người góp phần lớn vào thành công trong thực hiện nhiệm vụ giám sát-phản biện xã hội của báo chí. Trong nhiều trường hợp, chính nhân dân cũng là người phát hiện, cung cấp thông tin trung thực cho báo chí và đồng hành, góp phần cùng báo chí đưa ra những kiến giải đóng góp vào sự phát triển của xã hội; thậm chí trong quá trình “kiểm soát quyền lực”, tạo điều kiện cho cơ quan chức năng vào cuộc như rất nhiều vụ việc đã xảy ra và đã được xử lý trong thực tiễn sống động của cuộc sống.

Về phía báo chí, nhiều nhà nghiên cứu cũng đưa ra những quan điểm để làm sao tăng cường hơn nữa tính phát hiện, chức năng giám sát-phản biện xã hội của báo chí. Nhưng tựu trung lại, báo chí làm sao có thể làm tốt nhiệm vụ nếu chúng ta không thay đổi nhận thức về vai trò, vị trí của giám sát, phản biện xã hội. Là việc hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm đảm bảo cho quá trình giám sát-phản biện xã hội có thể đi đến tận cùng của vấn đề. Muốn thế rất cần sự nâng cao về nhận thức của xã hội đối với giám sát-phản biện xã hội. Và cuối cùng, không thể không nhắc đến đạo của người làm nghề để không chỉ không giám sát-phản biện xã hội “lung tung”; mà để mỗi vụ việc được giám sát-phản biện đều là một sự vun đắp mang tính xây dựng. Đó chính là việc “Mỗi người làm báo cần thường xuyên học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, không “uốn cong ngòi bút” trước những cám dỗ, tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, nỗ lực phấn đấu là người chiến sĩ xung kích, kiên cường trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân” – Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại lễ trao giải Báo chí Quốc gia hôm 21/6.

Mai Loan

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/khong-chi-la-chuyen-rieng-cua-bao-chi/108426