Khống chế tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng không đủ ngăn tái diễn vụ việc như SCB

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đoàn Thị Lê An cho rằng, khống chế tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng không đủ ngăn tái diễn vụ việc tương tự như Ngân hàng SCB, bởi sở hữu chéo hay thao túng ngân hàng bản chất rất phức tạp. Do đó, cần xem xét quy định thật chặt chẽ về điều kiện, thủ tục cấp tín dụng cho khách hàng, thiết lập hệ thống giám sát chéo, khung pháp lý cụ thể trong lĩnh vực tài chính...

Chiều 15/1, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đề cập tình trạng sở hữu chéo, ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) dẫn Điều 63 về tỷ lệ sở hữu cổ phần, cho biết dự thảo luật giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của cổ đông là tổ chức và người có liên quan của cổ đông đó không vượt quá 15% và 20%, giảm xuống còn 10% và 15%. Mục đích của việc giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần này nhằm hướng tới việc loại bỏ tình trạng sở hữu chéo, sử dụng tỷ lệ sở hữu cổ phần để thao túng, chi phối hoạt động của các tổ chức tín dụng từ một số cổ đông, nhóm cổ đông lớn.

ĐBQH Đoàn Thị Lê An.

Tuy nhiên, theo bà, vấn đề điều chỉnh tỷ lệ sở hữu này không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo mà chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ. Việc khống chế tỷ lệ không quan trọng bằng việc giám sát thực thi quy định, chưa nói đến việc có thể tạo ra rào cản ngăn cản dòng vốn ngoại tệ chảy vào hệ thống ngân hàng khi những người chủ ngân hàng nắm giữ 15 – 20% vốn ngân hàng không thể lũng đoạn các hoạt động cho vay của chính tổ chức đó. Trên thực tế, những trường hợp sai phạm vừa qua cho thấy tỷ lệ sở hữu thực sự của những chủ thể này cao hơn rất nhiều so với quy định thông qua các công ty con, công ty liên kết hoặc các cá nhân đứng tên đó.

"Việc sửa đổi pháp luật để phù hợp thực tiễn rất cần thiết. Tuy nhiên, khống chế tỷ lệ sở hữu tại ngân hàng không đủ ngăn tái diễn vụ việc tương tự như Ngân hàng SCB, bởi sở hữu chéo hay thao túng ngân hàng bản chất rất phức tạp. Nếu nhìn trên giấy tờ, nhiều cổ đông sở hữu thấp hơn tỷ lệ cho phép nhưng vẫn nắm quyền chi phối. Do đó, bên cạnh việc siết tỷ lệ sở hữu với hiệu quả còn khá mơ hồ, cần xem xét quy định thật chặt chẽ về điều kiện, thủ tục cấp tín dụng cho khách hàng liên quan" - ĐBQH tỉnh Cao Bằng nêu giải pháp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Bà cũng đề nghị cổ đông có hệ thống giám sát chéo, thiết lập một khung pháp lý cụ thể trong lĩnh vực tài chính để làm rõ cơ cấu sở hữu, chủ sở hữu thực và trách nhiệm giải trình, xử lý nghiêm minh với những trường hợp cố ý làm trái.

ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng, những sự cố nghiêm trọng như vụ việc Ngân hàng SCB đáng lẽ rất khó xảy ra, xảy ra không tiêu cực như vậy, thiệt hại không lớn như vậy. "Đáng ra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với tư cách là Ngân hàng Trung ương của Việt Nam nên được trao quyền nhiều hơn, mạnh hơn để có thể phản ứng, xử lý nhanh nhạy, hiệu quả trước sự cố ngân hàng, giảm thiểu thiệt hại và ngăn chặn nguy cơ mất an toàn hệ thống", ông nêu quan điểm.

Giải trình thêm tại phiên thảo luận về vấn đề sở hữu chéo, thao túng, chi phối các tổ chức tín dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, đây là vấn đề rất quan trọng, song nếu chỉ dựa vào một biện pháp thôi thì không đủ, mà phải có sự thống nhất xuyên suốt và được tiến hành đồng bộ.

ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy.

"Quy định mở rộng đối tượng liên quan có xử lý được hết tình trạng sở hữu chéo không? Như vụ SCB vừa qua, dù sở hữu cá nhân chỉ 5% nhưng người ta lại nhờ người này, mượn danh người kia đứng tên" - ông nói và cho biết, việc mở rộng đối tượng liên quan tới 5 hệ, từ ông, bà nội, cô, dì, chú bác, đến thế hệ các cháu, cũng là biện pháp cần thiết để kiểm soát trường hợp này.

Trong khi đó, ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) cho rằng, dự thảo chưa quy định về một số chủ thể có tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt nhưng không phải là tổ chức tín dụng. Tính đến ngày 26/6/2023, NHNN Việt Nam đã cấp giấy phép cho 50 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán nhưng không phải là ngân hàng. Các chủ thể này có thể chia làm 2 nhóm: nhóm dịch vụ cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử và nhóm dịch vụ hỗ trợ dịch vụ thanh toán; các nhóm này có vị trí, vai trò, mục tiêu khác nhau và thời gian qua rất phát triển tại Việt Nam, như VNPAY, NAPAS...

"Tôi cho rằng, chỉ khi luật quy định rõ vị trí pháp lý, quyền và nghĩa vụ của mỗi chủ thể thì mới xác định được chủ thể bị tác động bởi các rủi ro pháp lý, mới phân định được yếu tố lỗi và trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi khách hàng bồi thường dịch vụ", đại biểu góp ý.

ĐBQH Dương Khắc Mai.

ĐBQH Hoàng Thị Thanh Thúy cũng bày tỏ thống nhất với chủ trương luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu quy định tại Nghị quyết số 42, theo đó, việc xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng có nhiều tiến triển tích cực, đảm bảo phần nào quyền lợi các bên, thúc đẩy sự chủ động thanh toán của khách hàng, giảm thiểu tình trạng cố tình chây ì, không hợp tác của khách hàng, đồng thời là nền tảng quan trọng xử lý hiệu quả các khoản nợ xấu, tạo nên thị trường mua bán nợ đúng nghĩa. Tuy nhiên, nữ đại biểu đề nghị quan tâm nghiên cứu, chỉnh sửa quy định pháp luật về tố tụng theo hướng rút gọn hơn thời gian xử lý; về khoản nợ đủ điều kiện thu giữ...

Cũng liên quan vấn đề xử lý nợ xấu, ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho biết, dự thảo luật đã bỏ quy định về thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm. Trong khi đó, trên thực tế, việc thu giữ tài sản và bàn giao tài sản cho bên mua sau khi bán thành công gặp rất nhiều khó khăn, kéo dài nhiều năm và có nhiều trường hợp không thực hiện được do bên bảo đảm, bên giữ tài sản không hợp tác, có hành vi chống đối và làm đơn, thư khiếu kiện. Các tổ chức tín dụng rất khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ tài sản sau khi thu giữ. Để đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan cũng như việc thượng tôn pháp luật của các chủ thể, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu lại cho phù hợp...

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/khong-che-ty-le-so-huu-tai-ngan-hang-khong-du-ngan-tai-dien-vu-viec-nhu-scb-i720241/