Khống chế, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt bệnh lao

Lao là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, dễ lây lan ra cộng đồng nếu không được phát hiện, điều trị đúng và kịp thời. Thời gian qua, ngành y tế tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống và điều trị bệnh lao, tuy nhiên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Đầu tháng 3, trên trang facebook của anh Tẩn Tường Nhân, xã Trịnh Tường (Bát Xát) đau buồn khi thông báo cháu V.M.L. 5 tuổi, ở thôn Sín Chải, xã Y Tý đã mất vì bệnh lao hạch. Cháu L. được đưa đi chữa trị nhưng không qua khỏi. Theo chia sẻ của anh Tường Nhân - một nhân vật kết nối giữa gia đình và các nhà hảo tâm - bệnh lao của L. được phát hiện quá muộn, gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, lại chậm trễ trong việc đưa cháu đi điều trị.

Các lực lượng diễu hành tuyên truyền hưởng ứng ngày Thế giới phòng, chống lao.

Ảnh: Hồng Loan (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

Những câu chuyện buồn như vậy không chỉ xảy ra với cháu L.. Ở Lào Cai, hầu hết những người nhập viện điều trị bệnh lao thường trong tình trạng nhiễm lao nặng với biến chứng như ho ra máu, tràn khí màng phổi… Nguyên nhân là do phát hiện bệnh quá muộn, đến khi cấp cứu tại bệnh viện, các bệnh nhân mới biết mình bị bệnh lao. Ngoài ra, những người mắc bệnh lao đa phần là bà con ở vùng cao, điều kiện khám - chữa bệnh còn gặp khó khăn.

Theo ước tính của Chương trình phòng, chống lao quốc gia, tỷ lệ mắc lao của tỉnh Lào Cai vào khoảng 116 ca/100.000 dân, tương đương khoảng 900 người mắc mỗi năm. Trung bình mỗi năm, toàn tỉnh phát hiện mới và điều trị khoảng 300 bệnh nhân lao các thể (đạt khoảng 30%), tỷ lệ điều trị thành công là 91,46%. Nguyên nhân là do sự thiếu hiểu biết của người dân về bệnh lao, bởi đa số người bệnh lao thường là người nghèo, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông, chưa có ý thức phòng, chống lây lan cho cộng đồng.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên 2 năm trở lại đây, Khoa Lao không tiếp nhận bệnh nhân lao nằm điều trị nội trú. Bệnh nhân sau khi được khám và phát hiện bệnh lao, nếu cần điều trị nội trú sẽ chuyển về cơ sở điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Lào Cai. Năm 2021, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã khám cho 1.460 bệnh nhân, phát hiện 58 bệnh nhân lao phổi dương tính. Để tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, hiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn thiếu y - bác sỹ có chuyên môn về chuyên ngành lao, dẫn đến khó khăn trong việc phòng và điều trị bệnh lao.

Bác sỹ Chuyên khoa I Triệu Văn Thành, Phó Trưởng Khoa Lao, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Hiện nay, các y - bác sỹ tại Khoa Lao đang dồn nhân lực phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, nên Khoa Lao tạm thời không hoạt động. Tuy nhiên, các bệnh nhân vẫn được khám, chẩn đoán bệnh và điều trị tại các bệnh viện cơ sở. Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ thành lập Trung tâm hô hấp, chuyên điều trị các bệnh về phổi, trong đó có quản lý bệnh nhân lao. Đây là tín hiệu mừng cho những bệnh nhân lao khi có điều kiện điều trị và chăm sóc tốt hơn.

Bác sỹ Triệu Văn Thành chia sẻ thêm: Sự lây truyền bệnh lao nguy hiểm không kém Covid-19 vì trực khuẩn lao có thể lây truyền theo đường không khí và tồn tại trong môi trường sống với thời gian dài. Vi khuẩn lao tồn tại dưới các hạt mịn có kích thước rất nhỏ, lơ lửng trong không khí vài giờ từ giọt bắn của người bệnh lao phổi ho, hắt hơi, la hét hoặc hát. Người bệnh lao cũng được khuyến cáo tiêm vắc-xin phòng Covid-19; duy trì các thuốc điều trị đều đặn tại nhà; hạn chế tối đa tiếp xúc với người khác; tuân thủ điều trị, đảm bảo dinh dưỡng và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.

Thời gian qua, cùng với công tác phòng, chống dịch Covid-19, để việc phòng, chống lao ở cơ sở phát huy hiệu quả, ngành y tế đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, nâng cao hiểu biết của người dân về bệnh lao để bản thân họ chủ động hơn trong việc phát hiện, phòng, chống bệnh cho chính mình và cộng đồng. Đây không chỉ là trách nhiệm của cán bộ trực tiếp làm công tác phòng, chống lao, mà cần có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành và mỗi người dân, như vậy mới mong khống chế, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, góp phần nâng cao chất lượng bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, giảm nghèo, tăng trưởng kinh tế địa phương.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/354443-khong-che-day-lui-tien-toi-cham-dut-benh-lao