Không bố trí cán bộ thiếu năng lực vào vị trí chủ chốt

Bộ Công thương vừa đề xuất phương án cơ cấu tổ chức bộ máy nhiệm kỳ 2016-2022. Trên tinh thần tinh giản bộ máy, giảm các vụ, cục quản lý, số đơn vị trực thuộc bộ sẽ giảm từ 35 đơn vị hiện nay xuống còn 28 đơn vị (giảm 7 đơn vị so với cơ cấu cũ). Động thái rất quyết liệt này của Bộ Công thương nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, cải cách hành chính, tiết giảm chi phí, đi cùng với tinh giản bộ máy là nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ của công chức, viên chức.

Đột phá về tinh giản bộ máy

Dư luận đặc biệt quan tâm về động thái sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của Bộ Công thương khi trước đó, trong giai đoạn ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương đã để xảy ra hàng loạt việc bổ nhiệm sai quy định, gây bức xúc dư luận. Trong giai đoạn ông Vũ Huy Hoàng làm Bộ trưởng Bộ Công thương (từ 2007-2015), bộ này đã phình bộ máy thêm một số cục, vụ để sắp xếp cho một số vị trí trưởng. Nhiều cục, vụ có chức năng chồng chéo, khó đánh giá được hiệu quả hoạt động do nhiều vụ cùng quản lý doanh nghiệp, đến khi có “vấn đề” xảy ra cũng không biết quy trách nhiệm cho ai.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ngay khi tiếp nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Công thương đã có động thái quyết liệt sắp xếp lại cơ cấu bộ máy của bộ. Việc sắp xếp được đưa ra lấy ý kiến tập thể Ban cán sự bộ, nhất trí thông qua phương án kiện toàn và tái cấu trúc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã có cuộc làm việc với Bộ Công thương về công tác tổ chức cán bộ.

Theo đề án tái cơ cấu bộ máy thì Bộ Công thương đã mạnh dạn tinh giản bộ máy từ 35 đầu mối hiện nay xuống còn 28 đầu mối. Trong đó, bộ sáp nhập Vụ Thi đua khen thưởng vào Văn phòng bộ, hợp nhất các vụ: Kế hoạch - Tài chính, Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Phát triển nguồn nhân lực; hợp nhất vụ Thị trường Châu Á với vụ Thị trường Châu Phi; Vụ thị trường Châu Âu với thị trường Châu Mỹ; xóa Tổng cục Năng lượng, tách tổng cục này thành một cục và 2 vụ; Vụ Thị trường thương mại miền núi nhập vào Vụ Thị trường trong nước…

Đồng thời, bộ cũng đề xuất thành lập mới Cục Phòng vệ thương mại để giải quyết các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại trong bối cảnh doanh nghiệp VN thường xuyên cọ xát với các vụ kiện quốc tế; đổi tên Cục Công nghiệp địa phương thành Cục Khuyến công; Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thành Cục Thương mại điện tử và kinh tế số; hợp nhất Cục Hóa chất với Vụ Công nghiệp nhẹ và Vụ Công nghiệp nặng thành Cục Công nghiệp; nâng cấp Cục Quản lý thị trường thành Tổng cục Quản lý thị trường.

Không bố trí người không đủ năng lực

Theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Trần Quang Huy, việc đầu mối của bộ sẽ giảm đi 7 đơn vị, sẽ dôi dư 7 vị trí cấp trưởng. Tuy nhiên, các vị trí lãnh đạo cấp trưởng này có thể được xem xét, điều động giữ chức vụ cấp trưởng của đơn vị khác để thay thế cho lãnh đạo cấp trưởng nghỉ hưu (nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện) hoặc bố trí công tác tại các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc bộ. Các vị trí lãnh đạo dôi dư sau khi sáp nhập sẽ được: Bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc bộ (hiện tại, một số đơn vị sự nghiệp còn thiếu lãnh đạo cấp phó so với quy định, hoặc có lãnh đạo cấp trưởng chuẩn bị nghỉ hưu); là nguồn bổ sung, thay thế những công chức lãnh đạo chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc cử làm tham tán tại các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài; bổ nhiệm, cử giữ các chức vụ lãnh đạo, người đại diện tại các tập đoàn, tổng công ty, công ty đối với lãnh đạo có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác đáp ứng được yêu cầu điều hành doanh nghiệp. Phương án cuối cùng là giải quyết tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP đối với cán bộ, công chức có năng lực, trình độ yếu kém, sức khỏe không đảm bảo buộc phải đưa ra khỏi bộ máy. “Bộ sẽ kiên quyết không bố trí cán bộ không đủ năng lực vào các vị trí chủ chốt như trưởng các đơn vị”- ông Huy nói. Theo lộ trình về tinh giản biên chế đến năm 2021, số lượng biên chế Bộ Công thương phải tinh giản là 10% (trung bình mỗi năm tinh giản 1,5%). Ông Huy cũng cho biết, Bộ Nội vụ cũng đã giao chỉ tiêu biên chế năm 2017 của Bộ Công thương, theo đó số lượng biên chế năm 2017 giảm so với năm 2016 (khoảng 1,5% như lộ trình).

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, với đề xuất cơ cấu lại các vụ, cục của Bộ Công thương, không phải không có ý kiến quan ngại. Trong đó, việc xóa Tổng cục Năng lượng tuy là một đề xuất táo bạo, song không khéo sẽ khiến việc quản lý về năng lượng bị chia cắt, không thống nhất một đầu mối, nhất là giai đoạn tới, với tốc độ phát triển cầu về năng lượng, cần có một cơ quan chuyên trách từ khâu đầu đến khâu cuối để giải quyết các vấn đề liên quan đến cân bằng năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Hay như việc thành lập Tổng cục Quản lý thị trường thay cho Cục Quản lý thị trường hiện nay liệu có làm bộ máy tổng cục phình to. Trước đó, khi Bộ Công thương đề xuất việc tăng biên chế cán bộ của Cục Quản lý thị trường đã có nhiều ý kiến quan ngại. Vì thế, với đề xuất cơ cấu lại bộ máy Bộ Công thương, cần có sự đồng thuận nhiều chiều và lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự kiến vào cuối năm nay.

Hồng Quân

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/thoi-su-xa-hoi/khong-bo-tri-can-bo-thieu-nang-luc-vao-vi-tri-chu-chot-614753.bld