Không bảo vệ môi trường, khu du lịch quốc gia sẽ bị 'xóa sổ'

Sáng 28/7, tại Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình, dưới sự chỉ đạo của Bộ VHTT&DL, Tạp chí Du lịch tổ chức Hội thảo Bảo vệ môi trường tại các khu du lịch quốc gia.

Phát triển nóng gây tác hại đến môi trường

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, TS Từ Mạnh Lương – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ VHTT&DL) cho biết: Quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030, đã xác định, Việt Nam có 47 khu du lịch quốc gia, trải dài khắp mọi miền đất nước. Đây là những điểm đến hấp dẫn với nguồn tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng.

Hình ảnh tại Hội thảo Bảo vệ môi trường tại các khu du lịch quốc gia. Ảnh: Hồng Hạnh.

Trên thực tế, các khu du lịch quốc gia trong những năm qua đã thu hút phần lớn lượng du khách trong nước và quốc tế, góp phần phát triển ngành du lịch Việt Nam và kinh tế tại các địa phương. Tuy nhiên, một thách thức không nhỏ đối với các khu du lịch quốc gia tại Việt Nam là việc phát triển du lịch quá nóng đã ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường du lịch trong những năm qua.

Cùng với đó, nhiều bất cập, khó khăn còn tồn tại, cụ thể là: Tại nhiều khu, điểm còn xuất hiện các chất thải rắn, rác thải, nước thải chưa thu hồi, xử lý triệt để nên nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm cục bộ và tái ô nhiễm sau xử lý vẫn xảy ra một vài khu vực, đặc biệt là các khu, điểm du lịch nằm tại hạ lưu các lưu vực sông, suối, ao hồ, các bãi biển, đảo… Nhà vệ sinh tại các khu, điểm du lịch còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Nhiều khu, điểm du lịch nhà vệ sinh xuống cấp, trang thiết bị phục vụ không đảm bảo chất lượng và an toàn cho du khách sử dụng.

Du lịch là một ngành kinh tế có định hướng tài nguyên một cách rõ rệt, hay nói một cách khác du lịch chỉ có thể phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên du lịch. Như vậy, để hướng tới sự phát triển bền vững trong du lịch, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các khu du lịch quốc gia cần phải thực hiện là việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học.

Theo PGS. TS Phạm Trung Lương - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường biển Việt Nam: “Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhiều khu du lịch ven biển đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí sắp bị “xóa sổ” như khu du lịch Ana Madara (Thuận An, Thừa Thiên - Huế), khu du lịch Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam), khu du lịch Khai Long (Cà Mau)… Đây được xem như những cảnh báo nghiêm túc đối với tác động của biến đổi khí hậu đối với phát triển du lịch ở Việt Nam”.

TS Trương Sỹ Vinh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, bên cạnh những tác động tích cực, hoạt động du lịch đã gây ra những hệ lụy nhất định đến môi trường. Cùng với sự gia tăng về lượng khách thì các chất thải từ hoạt động du lịch ngày một tăng nhanh trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là ở các trọng điểm phát triển du lịch. Sự phát triển du lịch cũng làm gia tăng mức độ tắc nghẽn giao thông, gia tăng ô nhiễm không khí, nước, tiếng ồn, thay đổi cảnh quan thiên nhiên và sự thay đổi sự quân bình môi sinh đối với môi trường sống của sinh vật. Các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc vốn rất nhạy cảm của cộng đồng các dân tộc thiểu số đã có những biến đổi nhất định do tiếp xúc thường xuyên với khách du lịch.

Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

TS Trương Sỹ Vinh “mổ xẻ”: Nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng nêu trên là công tác bảo vệ môi trường ở các khu, điểm du lịch nói chung và ở các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nói riêng chưa được quan tâm thỏa đáng. Bản thân các cơ sở kinh doanh du lịch cũng chưa nhận thức được một cách đúng đắn và đầy đủ về mối quan hệ giữa hoạt động kinh doanh sản xuất của mình với vấn đề môi trường. Bên cạnh đó, dưới góc độ quản lý nhà nước, ngành Du lịch vẫn chưa xây dựng, ban hành các hướng dẫn đầy đủ về tiêu chí, điều kiện, đánh giá tác động môi trường và hệ thống kiểm soát, quản lý các vấn đề về môi trường liên quan đến các hoạt động du lịch, đặc biệt đối với các cơ sở kinh doanh du lịch.

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế đó, năm 2016, Bộ VHTT&DL đã giao Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thực hiện nhiệm vụ môi trường “Xây dựng tiêu chí và quy trình đánh giá đạt chuẩn về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở du lịch và dịch vụ tại các khu, điểm du lịch”.

Sau hơn 1 năm nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đề xuất Bộ tiêu chí về bảo vệ môi trường đối với 3 loại cơ sở du lịch và dịch vụ (bao gồm cơ sở ăn uống; cơ sở vui chơi giải trí và cơ sở bán hàng lưu niệm). Mỗi loại tiêu chí có 2 nhóm: Nhóm tiêu chí bắt buộc gồm các tiêu chí là cụ thể hóa những quy định của pháp luật trong vấn đề bảo vệ môi trường tại các cơ sở du lịch và dịch vụ trong khu, điểm du lịch; và nhóm tiêu chí khuyến khích bao gồm những tiêu chí “mềm” khuyến khích các cơ sở du lịch và dịch vụ trong khu, điểm du lịch thực hiện nếu có đủ điều kiện nhằm gia tăng chất lượng dịch vụ của cơ sở.

Sau khi dự thảo của bộ tiêu chí được thông qua, bộ tiêu chí đã được phổ biến và xin ý kiến trực tiếp tại Khu du lịch Tràng An, Khu du lịch Tuần Châu, Điểm du lịch làng nghề Bát Tràng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn nhiều khó khăn khi thực hiện bộ tiêu chí. TS Trương Sỹ Vinh dẫn chứng: Đối với cả 3 loại hình cơ sở dịch vụ, tiêu chí về Công trình vệ sinh quy định phải có nhà vệ sinh cho người khuyết tật nhưng hầu như các cơ sở quy mô nhỏ và vừa chưa xây dựng, chỉ có Khu vui chơi giải trí Tuần Châu thực hiện tốt. Hay tiêu chí về Phòng, chống tác hại của thuốc lá mới chỉ được thực hiện ở một số cơ sở du lịch và dịch vụ cao cấp, còn lại do chiều lòng khách du lịch nên chưa có biện pháp nhắc nhở hoặc quy định khu vực không được hút thuốc lá…

Do đó, các đại biểu đều cho rằng, để đảm bảo phát triển du lịch bền vững tại các khu du lịch quốc gia, ngành du lịch cần thực hiện đồng bộ giải pháp như: Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, chú trọng công tác quy hoạch phát triển các khu du lịch đảm bảo tính khoa học; tăng cường năng lực quản lý môi trường trong các khu du lịch, khu bảo tồn, phân công đầu mối quản lý các khu bảo tồn, vườn quốc gia; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về môi trường; phát triển sinh kế cho người dân góp phần bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên và môi trường; tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển du lịch bền vững…

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/khong-bao-ve-moi-truong-khu-du-lich-quoc-gia-se-bi-xoa-so-294084.html