Khốn khổ vì ô nhiễm bủa vây các khu dân cư

Cuộc sống của người dân tại nhiều khu vực trên địa bàn TP.HCM đang phải gánh chịu khói bụi, chất thải ô nhiễm xả ra từ các cơ sở sản xuất. Từ lâu chính quyền thành phố đã có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư, nhưng đến nay một số cơ sở dệt, nhuộm vải gây ô nhiễm vẫn đang hoạt động.

Ô nhiễm bủa vây

Công ty May Phương Đông đang xả khói đen tại Q.12, TP.HCM sau nhiều lần bị xử phạt.

Nhiều năm nay, người dân ở hẻm 226, đường An Dương Vương, P.16, Q.8, phải sống chung với mùi hôi khó chịu từ làn khói trắng xả ra bởi cơ sở sản xuất nhựa gần chung cư Peridot. Bảo vệ chung cư Peridot cho hay: “Mùi nhựa nấu xả ra rất hôi và khó chịu, nhất là vào buổi tối mùi dữ dội hơn... Dân ở đây đã làm đơn lên chính quyền nhiều rồi, song chưa thấy thay đổi gì!”

Từ khi căn nhà số 31 đường số 17 (P.Linh Tây, Q.Thủ Đức) trở thành nhà xưởng Công ty Sợi Định Thành thì cuộc sống của cư dân tổ 63 không lúc nào được “bình yên”. Cùng với việc bị “tra tấn” ngày đêm vì tiếng ồn máy móc, cư dân còn phải hít những hạt bông sợi nhỏ li ti bay trong không khí. Đã có nhiều người, nhất là trẻ em bị bệnh đường hô hấp, viêm mũi dị ứng... Cư dân ở đây cho biết, họ đã liên tục gửi đơn khiếu nại lên chính quyền phường và quận, nhưng khi có đoàn xuống kiểm tra, đo đạc thì doanh nghiệp này lập tức giảm bớt máy móc hoạt động, do đó không lần nào “ô nhiễm vượt ngưỡng”!

Có mặt tại giao lộ Trần Văn Dư - Nguyễn Quang Bích (P.13, Q.Tân Bình) vào chiều 12/6/2016, chúng tôi đã nghe tiếng ồn ào rất lớn phát ra từ Công ty Dệt may 7. Và, mặc dù công ty có hàng rào chắn khá kiên cố, nhưng tiếng rầm rầm của gỗ, sắt, thép vẫn phát ra ầm ĩ. Quan sát xung quanh, chúng tôi thấy cánh cửa của các nhà dân suốt đoạn đường này đều phải đóng kín mít và trên đó (các cánh cửa) bám đầy muội vải vụn nhỏ li ti. Bà T.N than thở: “Nhà máy đã tồn tại từ rất lâu rồi. Nghe nói thành phố có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm khỏi khu dân cư, bà con ở đây ai cũng khấp khởi mừng. Nhưng đến nay, nhà máy vẫn hoạt động; khói, bụi, tiếng ồn vẫn ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và đời sống người dân, nhất là xung quanh còn có trường học, nhà trẻ. Tội các cháu lắm!"...

Đều "đạt" ngưỡng an toàn(!)

Một số nhà máy đang xả khói tại Q.12, TP.HCM.

Về việc Công ty May Phương Đông gây ô nhiễm, theo Phòng Tài nguyên - Môi trường Q.12, các cơ quan chức năng đã kiểm tra và phạt công ty này 60 triệu đồng về hành vi vi phạm xả thải vượt quy chuẩn kỹ thuật. Tuy nhiên, theo ông Lưu Minh Đạt, Phó Chủ tịch UBND P.Tân Thới Nhất (Q.12): “Cho đến nay, mặc dù đã nhiều lần bị xử phạt, nhưng Phương Đông vẫn tiếp tục xả khói đen gây ô nhiễm!”

Việc xử phạt cơ sở Phương Đông có lẽ là hy hữu, bởi khi nói về nhà máy của Công ty Dệt may 7 vẫn tồn tại và hoạt động trong khu dân cư, ông Hoàng Văn Tài, Chủ tịch UBND P.13, Q.Tân Bình cho biết: “Chúng tôi có nhận được phản ánh của người dân sinh sống ở khu vực này về tình trạng ô nhiễm không khí và tiếng ồn. Chúng tôi đã gửi văn bản báo cáo vụ việc với UBND Q.Tân Bình để xin ý kiến. Đây không phải lần đầu cư dân khu vực này phản ánh và làm đơn kiến nghị. Cách nay hơn 1 năm, đoàn kiểm tra gồm đại diện Sở Tài nguyên - Môi trường, Thanh tra Môi trường Quân khu 7 và UBND P.13 đã tiến hành lấy mẫu và đo đạc tiếng ồn, nhưng kết quả đều trong hạn mức cho phép.” (!).

Tương tự, trả lời về việc chưa xử lý “nạn” ô nhiễm do Công ty Sản xuất sợi Định Thành gây ra, UBND Q.Thủ Đức cho rằng: “UBND TP.HCM không có quy hoạch cấm ngành nghề sản xuất sợi hoạt động trong khu dân cư. Công ty đã thực hiện hồ sơ pháp lý môi trường theo quy định. UBND quận đã tổ chức đoàn kiểm tra, đo đạc các thông số ô nhiễm môi trường, tiến hành lấy 3 mẫu xác định nồng độ tổng bụi lơ lửng trong không khí xung quanh khu vực và đã gửi mẫu đến Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3. Kết quả nằm trong tiêu chuẩn cho phép, nên quận không có cơ sở xử lý”!

Còn ông Nguyễn Đình Khánh, Phó Chủ tịch UBND P.9, Q.11, khi nói về phản ảnh của người dân khu phố 3 (P.9, Q.11) nhiều lần lên tiếng vì cơ sở sản xuất gia công bao bì Khang Thành gây tiếng ồn quá lớn và mùi hóa chất nồng nặc (đến mức vào giờ cơ sở này hoạt động, nhiều người dân phải đi “lánh nạn") cũng cho hay: “Chúng tôi đã kiến nghị UBND quận tổ chức kiểm tra, đo đạc tiếng ồn, bụi, khói... Kết quả cho thấy các tiêu chuẩn đều đạt, chỉ có tiếng ồn đo được tại cổng vượt mức cho phép. Từ đó, chúng tôi đề xuất phạt vi phạm hành chính 3 triệu đồng."...

Vậy, với những kết quả kiểm tra hầu như đều “đẹp” (đạt ngưỡng cho phép) như thế, người dân sẽ còn phải hứng chịu tiếng ồn, bụi bặm đến bao giờ?

UBND TP.HCM đã đưa ra kế hoạch thí điểm xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn Q.12 và việc xử lý các cơ sở này phải hoàn thành trong năm 2016. Theo đó, trong 21 cơ sở cần “xử lý”, có 16 cơ sở phải di dời đến khu công nghiệp tại huyện Bình Chánh, 2 cơ sở sẽ chuyển đổi sang ngành nghề không ô nhiễm...

Cao Tuấn

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/khon-kho-vi-o-nhiem-bua-vay-cac-khu-dan-cu-d43352.html