Khơi thông phát triển kết cấu hạ tầng từ quy định về hợp tác công tư

Các dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT (Hợp đồng xây dựng - chuyển giao) thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) nếu được thông qua sẽ giúp Hà Nội huy động được nguồn lực của khu vực tư nhân giúp giảm áp lực về vốn đầu tư công đối với nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng.

Điều 40 Chương IV của Dự thảo quy định, Hợp đồng BT là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án (nếu có) để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nhà đầu tư được thanh toán theo quy định tại khoản 4 Điều này.

Thời gian qua đã xuất hiện mô hình đầu tư theo hình thức “đổi đất lấy hạ tầng”, một dạng đầu tư theo hình thức BT. Mô hình “đổi đất lấy hạ tầng” là hình thức mà doanh nghiệp tự bỏ vốn để đầu tư vào làm hạ tầng cơ sở cho địa phương, bù lại địa phương sẽ “trả” cho doanh nghiệp bằng đất đai để doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Thành phố Hà Nội được thực hiện hình thức hợp đồng BT đối với các dự án đầu tư có quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, thuộc các lĩnh vực giao thông vận tải; thoát nước và xử lý nước thải; xử lý ô nhiễm môi trường; hạ tầng kỹ thuật trong lĩnh vực thủy lợi.

Theo đó, thành phố Hà Nội được quyết định thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng BT thanh toán bằng vốn đầu tư công hoặc tài sản công, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế - xã hội, chất lượng công trình dự án, không gây thất thoát vốn, tài sản nhà nước.

Dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BT thanh toán bằng vốn đầu tư công chỉ thực hiện trong trường hợp không có cơ quan, tổ chức đủ năng lực để thực hiện dự án theo hình thức đầu tư công hoặc việc thực hiện dự án theo hình thức BT thanh toán bằng vốn đầu tư công có hiệu quả hơn việc thực hiện dự án theo hình thức đầu tư công.

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BT được thực hiện như đối với dự án PPP theo pháp luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Việc lựa chọn nhà đầu tư dự án BT được thực hiện sau khi thiết kế cơ sở được phê duyệt;

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý dự án, chi phí đầu tư, chất lượng xây dựng công trình, dự án theo hợp đồng BT được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và xây dựng.

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định sử dụng quỹ đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội để thanh toán cho nhà đầu tư dự án xây dựng công trình.

Dự án chỉ được quyết định chủ trương đầu tư khi xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. (Ảnh minh họa)

Quỹ đất, nhà và tài sản khác gắn liền với đất, chỉ thực hiện với điều kiện tài sản công đó sẽ được đấu giá theo quy định của pháp luật quản lý, sử dụng tài sản công. Trường hợp nhà đầu tư không trúng đấu giá thì sẽ được thanh toán bằng tiền thu được từ đấu giá tài sản công đó; trường hợp nhà đầu tư trúng đấu giá thì nhà đầu tư sẽ được thanh toán bằng tài sản công đó, đồng thời nhà đầu tư có nghĩa vụ trả phần chênh lệch (nếu có) giữa giá trị hợp đồng BT và giá trúng đấu giá.

Trường hợp việc đấu giá không thành theo pháp luật đấu giá thì nhà đầu tư sẽ được thanh toán bằng tài sản công đó. Việc thanh toán thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, giá trị dự án BT tương đương với giá trị tài sản thanh toán và được xác định như sau: giá trị của tài sản công được xác định theo giá thị trường theo quy định của pháp luật tại thời điểm thanh toán; giá trị của dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu.

Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định sử dụng vốn ngân sách Thành phố, bố trí vốn chuẩn bị đầu tư, dự toán ngân sách hằng năm và bố trí vốn đầu tư công trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của Thành phố để thanh toán cho nhà đầu tư sau khi công trình hoặc hạng mục công trình vận hành độc lập được hoàn thành nghiệm thu, kiểm toán căn cứ giá trị, tiến độ quy định trong hợp đồng BT và giám sát việc thực hiện.

Thành phố được đấu giá quyền sử dụng đất, mặt nước, không gian ngầm, khoảng không và các tài sản khác phù hợp với quy định của pháp luật và được sử dụng nguồn lực từ đấu giá để chi trả cho dự án BT.

Đối với hợp đồng BT thanh toán bằng vốn đầu tư công, dự án chỉ được quyết định chủ trương đầu tư khi xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Tổng mức đầu tư của dự án BT được xác định như đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công về xây dựng; chi phí lãi vay sau thời gian xây dựng và lợi nhuận hợp lý được tính vào tổng mức đầu tư dự án.

Việc sử dụng quỹ đất, nhà và tài sản gắn liền với đất để thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT chỉ được thực hiện sau khi đấu giá theo quy định. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội quy định tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, kỹ thuật, tài chính của nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Chính phủ quy định lãi vay, lợi nhuận hợp lý, phương thức thanh toán, thời điểm thanh toán, quyết toán thực hiện dự án áp dụng loại hợp đồng BT.

Hình thức BT sẽ giúp Hà Nội giảm áp lực về vốn đầu tư công đối với nhiều dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. (Ảnh minh họa)

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Luật Thủ đô là đạo luật đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc. Việc sửa đổi Luật phải bám sát các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn về xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, đặc biệt là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và giải quyết được những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong xây dựng, bảo vệ, phát triển Thủ đô…

Về việc thực hiện hình thức hợp đồng theo phương BT, ông Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ làm rõ giải pháp khắc phục các hạn chế, bất cập trong thực tiễn thực hiện hợp đồng BT, đặc biệt là việc áp dụng phương thức thanh toán bằng tiền, tài sản công, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện không để xảy ra sơ hở dẫn đến lợi dụng, gây thất thoát ngân sách nhà nước; làm rõ chủ thể có thẩm quyền xác định việc thực hiện dự án theo hình thức BT thanh toán bằng vốn đầu tư công có hiệu quả hơn việc thực hiện dự án theo hình thức đầu tư công tại khoản 1 và khoản 2 Điều 40 của dự thảo Luật - cụ thể là Hội đồng nhân dân hay Ủy ban nhân dân Thành phố.

Các dự án đầu tư theo hình thức Hợp đồng BT thu hút rất nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư. Khi Luật PPP có hiệu lực, thành phố Hà Nội đã thông báo dừng triển khai 82 dự án đầu tư theo hợp đồng BT. Các dự án này chủ yếu là các dự án xây dựng đường giao thông, hệ thống xử lý rác thải, xử lý và tiêu thoát nước thải, cải tạo sông, rạch…

Nếu các dự án này sớm được thực hiện theo hợp đồng BT thì sẽ có tác động to lớn tới sự phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô; đồng thời, huy động được nguồn lực của khu vực tư nhân giúp giảm áp lực về vốn đầu tư công đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng có yêu cầu triển khai sớm nhưng chưa thu xếp được nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khoi-thong-phat-trien-ket-cau-ha-tang-tu-quy-dinh-ve-hop-tac-cong-tu-163248.html