Khơi thông nguồn lực tài chính xanh để phát triển kinh tế tuần hoàn

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 687 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam nhằm góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về '0' vào năm 2050.

Đây có lẽ là một vấn đề cũng không mới khi đã có một số doanh nghiệp Việt Nam đã phát minh ra nhiều sáng chế mới, giúp quá trình sản xuất của doanh nghiệp đạt được hiệu quả cao hơn mà không ảnh hưởng tới môi trường. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều cần thiết nhất hiện nay đó là phải khơi thông được nguồn lực tài chính để thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn mạnh mẽ hơn nữa.

Doanh nghiệp này đã phát minh ra một công nghệ biến các chất thải rắn sau quá trình sản xuất công nghiệp nặng thành một sản phẩm tái chế gọi là cát nhân tạo, bằng phương pháp nghiền viên các tro than, bùn thải. Sau khi được tái chế, cát nhân tạo được thử nghiệm làm vật liệu xây dựng đường giao thông đã cho kết quả tích cực và thân thiện với môi trường.

Ông TRẦN TRUNG NGHĨA, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH sản xuất Trung Hậu: “Chúng tôi test được nó có thể đạt được CBR là 130. Trong khi tiêu chuẩn làm đường Việt Nam chỉ cần đến 8 là đã có thể làm đường cao tốc được rồi. Có nghĩa là gấp mấy chục lần nên nó rất dễ dàng có thể đạt được các tiêu chí để làm đường. Nó là điều rất bất ngờ mà không có bất cứ tài liệu khoa học nào đề cập tới.”

Theo các chuyên gia, đây cũng là một trong những mô hình kinh tế tuần hoàn tiêu biểu bởi nó đã giải quyết được những vấn đề tồn đọng hậu quá trình sản xuất, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống, cải thiện năng suất lao động và thúc đẩy tăng trưởng xanh gắn với cơ cấu lại nền kinh tế.

TS. HÀ MINH HIỆP, Phó Tổng Cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường chất lượng:“Năm 2021 chúng tôi đã cùng với tổ chức năng suất châu Á khảo sát 124 doanh nghiệp Việt Nam về hoạt động năng suất xanh cũng như hiểu biết của doanh nghiệp về kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững. Chúng tôi thấy rằng trong 124 doanh nghiệp được khảo sát thì doanh nghiệp của chúng ta rất quan tâm đến hệ thống công vụ về năng suất và gắn với bảo vệ môi trường.”

PGS.TS. PHAN CHÍ ANH, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc Gia Hà Nội: “Đến bây giờ mọi người đều hiểu năng suất xanh nó không phải là sự lựa chọn, mà đã năng suất là phải xanh, hay nói cách khác năng suất xanh là xu thế tất yếu, đấy là con đường phát triển của doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế xã hội Việt Nam nói chung, tức là phát triển kinh tế phải đi đôi với câu chuyện bảo vệ môi trường.”

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, với tầm nhìn đến năm 2050, nền kinh tế Việt Nam vẫn còn phải giải quyết nhiều vấn đề để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn mạnh mẽ hơn nữa. Ví dụ như thúc đẩy nguồn lực tài chính, thay đổi nhận thức từ doanh nghiệp và áp dụng các điều kiện tiên quyết trong sản xuất đối với doanh nghiệp.

Ông HÀ ĐĂNG SƠN, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh: “Điều này đòi hỏi trong giai đoạn tới với cam kết của Chính phủ Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng 0 Net Zero thì quá trình xây dựng các cơ chế, các sản phẩm về tài chính xanh thì cần phải sớm được ban hành.”

Cũng theo các chuyên gia, một trong các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của Đề án cần phải được thực hiện ngay đó chính là phát triển nguồn nhân lực, tìm kiếm cơ hội tiếp cận tri thức, kỹ năng phát triển kinh tế tuần hoàn. Song song với đó là trao đổi với các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Thực hiện : Tuấn Anh Ninh Tùng Thế Anh Anh Tuấn Ngọc Tuấn

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/khoi-thong-nguon-luc-tai-chinh-xanh-de-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan