Khơi thông nguồn lực con người

Tuần qua - tuần làm việc thứ hai, kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã sôi nổi với không khí thảo luận, hiến kế thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế. Song song với những phân tích chuyên sâu về nhiều vấn đề chuyên môn, kỹ thuật, đông đảo đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã tập trung phân tích yếu tố trung tâm, quyết định việc thực hiện các nhiệm vụ đó - yếu tố con người.

Những chuyển động mạnh mẽ của Chính phủ mới từ đầu năm đến nay, đặc biệt với phương châm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo đã dành được tình cảm, sự ghi nhận của đông đảo ĐBQH. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc (ĐBQH Đoàn Thái Bình) phân tích, 10 tháng qua cả nước có hơn 91.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, tính trung bình chưa đầy 5 phút ở Việt Nam có thêm 1 DN. Với đà này năm 2016 sẽ đi vào lịch sử kinh tế nước nhà như là năm đầu tiên số lượng DN thành lập mới có thể vượt ngưỡng 100.000.

Chất lượng lao động có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Ảnh: Bá Hoạt

Tuy nhiên, nhiều ĐBQH đề nghị Chính phủ hành động quyết liệt hơn nữa, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh. ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn Nghệ An) chia sẻ: “Tôi thấy lãnh đạo cấp trên từ tỉnh đến các thành viên của Chính phủ đã chuyển động mạnh mẽ, quyết liệt, thế nhưng bộ máy thực thi công vụ, kể cả trung ương và địa phương chuyển động chậm chạp”.

ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đoàn Đà Nẵng) nhận định: “Môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản, các thủ tục kiểm tra chuyên ngành vẫn còn rườm rà phức tạp, sức cạnh tranh của DN còn yếu”. Nhiều ĐBQH cho rằng, để khắc phục được những hạn chế, cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, khơi dậy nguồn lực “khổng lồ” trong dân, QH, Chính phủ cần tập trung vào hai yếu tố mấu chốt là con người và thể chế, trong đó con người là yếu tố quyết định.

ĐB Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) chỉ ra rằng, nói đến Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phát triển là nói đến phẩm hạnh, năng lực và vai trò kiến trúc sư của Chính phủ trong tạo lập môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển. Đây là cơ hội để Chính phủ chuyển mình từ phương thức quản lý điều hành sang một Chính phủ tạo môi trường phát triển và lấy tinh thần phục vụ làm trọng. Chính phủ cần tạo môi trường bình đẳng cho mọi cá nhân có cơ hội tham gia trực tiếp vào quá trình quản lý đất nước; cần ban hành bộ tiêu chí đánh giá theo từng hành vi công vụ để trên cơ sở đó loại bỏ những cán bộ không có năng lực, không xứng đáng tiêu chuẩn ra khỏi bộ máy.

Có ĐB đề nghị cần ban hành quy trình xử lý kỷ luật ngắn gọn, thông thoáng, nghiêm minh. Có như thế mới chấm dứt ngay tình trạng cán bộ vi phạm rõ ràng mà cả năm không xử lý được. ĐB Dương Văn Thống (Đoàn Yên Bái) kiến nghị, hằng năm Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác phải báo cáo Quốc hội để sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và số kinh phí đã giảm được trong ngân sách chi thường xuyên.

Các ĐBQH khẳng định, cán bộ, công chức liêm chính thì Chính phủ và bộ máy nhà nước của chúng ta mới liêm chính, từ đó mới tạo lập được môi trường kinh doanh thông thoáng, tin cậy. Một môi trường như vậy mới đủ sức khơi thông được nguồn lực bên trong, nguồn lực bên ngoài, giúp thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận): “Chúng ta luôn cảm nhận được sự sâu sát, quyết liệt trong từng lời nói, từng hành động của một Chính phủ hành động và kiến tạo như Thủ tướng đã lựa chọn. Kết quả kinh tế - xã hội của năm 2016, tính cho đến thời điểm này, đã thể hiện vai trò của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ. Tuy nhiên, nếu không nâng cao được chất lượng quản lý nhà nước, nhất là ở các cấp chính quyền địa phương và không chống được nhũng nhiễu, tiêu cực thì mục tiêu đặt ra khó có thể đạt được, nếu có đạt được thì cũng không bền vững”.

ĐB Nguyễn Thái Học (Đoàn Phú Yên): “Báo cáo Chính phủ nêu, năng lực, phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính còn chưa nghiêm. Tôi thấy hầu như năm nào trong báo cáo của Chính phủ trình bày trước QH đều có hạn chế này. Vì sao tình trạng này lại tồn tại dai dẳng như vậy. Chính phủ cần chỉ đạo thanh tra, kiểm tra xác định bản chất vấn đề và xử lý nghiêm sai phạm để chấn chỉnh, khắc phục”.

ĐB Cao Thị Xuân (Đoàn Thanh Hóa): “Cử tri đồng tình và ủng hộ quan điểm của Thủ tướng trong nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo, Chính phủ hành động phục vụ trong sạch và liêm chính. Đồng thời cử tri cũng kỳ vọng vấn đề này sẽ được cụ thể hóa bằng các giải pháp thiết thực, triển khai mạnh mẽ trong suốt cả nhiệm kỳ và ở tất cả các cấp, chính quyền”.

Võ Lâm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Kinh-te/854274/khoi-thong-nguon-luc-con-nguoi