Khơi thông nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao

Sau một buổi làm việc tích cực, khẩn trương và trách nhiệm cao, Hội thảo Văn hóa năm 2024 với chủ đề 'Chính sách và nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao' đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra. Hội thảo đã nhận được nhiều bài viết, tham luận ý kiến chất lượng của các cơ quan trung ương, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện doanh nghiệp.

Qua đó cung cấp luận cứ khoa học không chỉ phục vụ quá trình xây dựng và giám sát thực hiện pháp luật của Quốc hội mà còn giúp Chính phủ nhìn nhận đánh giá lại thực trạng để khơi thông nguồn lực phát triển, sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh ý nghĩa hết sức quan trọng của hội thảo trong việc giúp Chính phủ đánh giá, xác định các vấn đề cơ chế, chính sách nhằm khơi thông nguồn lực, đưa văn hóa trở thành động lực, kinh tế hóa văn hóa thông qua phát triển các di sản, sản phẩm văn hóa, du lịch. Phó Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục làm rõ nội hàm khái niệm thiết chế văn hóa, thể thao như các cơ sở vật chất, tổ chức, cơ chế chính sách đi kèm thể hiện vai trò của nhà nước. Theo Phó Thủ tướng, thiết chế văn hóa, thể thao phải được coi là một bộ phận hết sức quan trọng của thiết chế liên quan đến hạ tầng xã hội nên cần các bộ tiêu chí đánh giá, xác định để đưa vào quy hoạch ở cấp độ quốc gia, vùng, địa phương, cơ sở. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu mô hình thiết chế văn hóa là các thành phố, đô thị di sản, đơn cử như Hội An. Cùng với đó là những vấn đề đặt ra về vai trò của nhà nước, thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân, xã hội vào xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã khái quát lại những điểm chính, thống nhất các giải pháp nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển thiết chế văn hóa, thể thao, tập trung vào 5 nhóm vấn đề. Trước hết rà soát các văn bản pháp luật, bổ sung, sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan để làm rõ khái niệm và nội hàm “thiết chế văn hóa, thể thao”, “cơ sở văn hóa, thể thao” làm cơ sở để xây dựng và áp dụng các chính sách đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành và thuận tiện trong việc xây dựng, tích hợp quy hoạch mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao trong cả nước. Nghiên cứu hoàn thiện chính sách đầu tư phát triển và vận hành hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, bao gồm chính sách đầu tư công, chính sách đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và chính sách xã hội hóa; chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, nhất là về đất đai, thuế, vốn tín dụng trong việc xây dựng các cơ sở văn hóa, thể dục thể thao để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển. Khắc phục cho được những bất cập về quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao thời gian qua.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nhấn mạnh, cần ưu tiên bố trí kinh phí có trọng tâm, trọng điểm; tăng dần mức chi ngân sách nhà nước cho phát triển văn hóa nói chung, phát triển thiết chế văn hóa, thể thao nói riêng. Coi trọng và thực hiện xã hội hóa với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”; huy động nguồn lực tham gia xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về tiêu chí, điều kiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, bảo đảm tinh gọn, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Nghiên cứu, sửa đổi chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ văn nghệ sĩ, diễn viên tham gia hoạt động các loại hình nghệ thuật truyền thống. Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; khuyến khích đào tạo, phát triển nguồn nhân lực trẻ, chất lượng cao.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Truyền hình Quốc hội Việt Nam

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/khoi-thong-nguon-luc-cho-phat-trien-thiet-che-van-hoa-the-thao-221805.htm