Khơi thông điểm nghẽn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước

Nhằm phổ biến, quán triệt và cập nhật chế độ, chính sách trong lĩnh vực quản lý tài chính đầu tư công, ngày 21/7, tại TP. Cần Thơ, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị: 'Tọa đàm về cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước hàng năm'. Hơn 300 đại biểu đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan, các ban quản lý dự án, các đơn vị nghiệp vụ liên quan đầu tư công tại 20 tỉnh, thành phía Nam tham dự.

Phát biểu khai mạc, ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, sau khi tổ chức thành công tại TP. Hải Phòng dành cho khu vực phía Bắc (16/5), TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa dành cho khu vực miền Trung (21/7), hội nghị tổ chức tại TP. Cần Thơ là cuộc thứ 3 dành cho các tỉnh phía Nam.

Hội nghị cũng là dịp để các bộ, ngành, địa phương trao đổi, chia sẻ, giúp Bộ Tài chính kịp thời giải đáp, ghi nhận, tổng hợp vướng mắc về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công năm 2023 và những năm tiếp theo.

Ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư Bộ Tài chính phát biểu khai mạc. Ảnh: TL

Chậm cập nhật chính sách dẫn đến giải ngân chậm

Nhấn mạnh tầm quan trọng trước áp lực giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành và các địa phương trong năm 2023, ông Dương Bá Đức khẳng định, đầu tư công có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, ông Đức cũng cho biết, theo báo cáo của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và kết quả làm việc của các đoàn kiểm tra đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, tỷ lệ giải ngân 6 tháng kế hoạch vốn năm 2023 còn thấp do một số số vấn đề tồn tại, khó khăn vướng mắc.

Thứ nhất, một số dự án có nhu cầu thực hiện chuẩn bị đầu tư trong năm 2023 nhưng không được bố trí vốn, vì trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 được phê duyệt không tách riêng vốn chuẩn bị đầu tư và vốn thực hiện dự án.

Diễn giả, báo cáo viên của Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính tại hội nghị. Ảnh: Sơn Nam

Thứ hai, một số nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư còn chậm do vướng mắc về thủ tục đất đai, điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu đất xây dựng; công tác giải phóng mặt bằng chưa được chủ đầu tư chú trọng triển khai ngay từ khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ ba, là những vướng mắc do phải thực hiện các thủ tục chuyên ngành cần phải xin ý kiến các cơ quan chuyên ngành; do giá vật liệu xây dựng tăng...

Theo đại diện Bộ Tài chính, năm 2023 là năm thứ 3 triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, là năm bản lề quan trọng, do vậy, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân đến nay vẫn còn thấp do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân liên quan đến cơ chế, chính sách mới chưa được cập nhật, tập huấn nên nhiều cơ quan, đơn vị có cách hiểu chưa thống nhất đã ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thiện thủ tục hồ sơ thanh, quyết toán.

Giải tỏa áp lực

Tại hội nghị, lãnh đạo Vụ Đầu tư, lãnh đạo Kho bạc Nhà nước (KBNN), Bộ Tài chính cho rằng, để giải tỏa áp lực, khơi thông điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023, các đơn vị, địa phương có dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) cần bám sát chỉ đạo điều hành của Chính phủ và chương trình, kế hoạch được giao.

Cụ thể, về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, cần bám sát và thực hiện có hiệu quả Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ, Thông tư số 96/2021/TT-BTC ngày 11/11/2021 của Bộ Tài chính quy định về hệ thống mẫu biểu sử dụng trong công tác quyết toán có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022.

Theo ông Dương Bá Đức, các văn bản này được ban hành và có hiệu lực trong thời gian nước ta đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, do vậy công tác tuyên truyền, phổ biến, cập nhật chế độ, chính sách mới về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công cho các đối tượng áp dụng thực hiện còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Thậm chí, sau hơn 1 năm chính sách đi vào cuộc sống, vẫn còn nhiều cơ quan, đơn vị chưa áp dụng thực hiện những quy định, chính sách mới này.

Ông Đức nhấn mạnh, tại Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ: “Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 trên 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao”.

Vấn đề thách thức cho công tác giải ngân năm 2023 là tổng vốn đầu tư công rất lớn (726.684 tỷ đồng), tăng 23% so với năm 2022 (giai đoạn 2016 - 2020 vốn đầu tư công trung bình mỗi năm chỉ khoảng trên 400 ngàn tỷ đồng). Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 30/6/2023 là 215.578,9 tỷ đồng, đạt 28,63% kế hoạch (đạt 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).

Lãnh đạo Vụ Đầu tư và Kho bạc nhà nước (KBNN) cho rằng, đây thực sự là áp lực đặt ra rất lớn phải thực hiện trong thời gian từ nay đến cuối năm 2023. Do vậy các bộ, ngành, địa phương cần nắm rõ và thực hiện kịp thời công tác kiểm tra phân bổ theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ để nhập hoặc phê duyệt dự toán trên Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS) để KBNN kiểm soát, thanh toán vốn kịp thời cho các dự án phân bổ đúng quy định.

Đối với những đơn vị phân bổ không đúng quy định, Bộ Tài chính có văn bản gửi từng bộ, cơ quan trung ương đề nghị điều chỉnh lại kế hoạch phân bổ chi tiết, sau đó cơ bản các bộ, cơ quan trung ương đã có báo cáo bổ sung hoặc điều chỉnh lại phương án phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN theo đúng quy định.

Về phía Bộ Tài chính, kịp thời ban hành các văn bản gửi các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề ra các nhiệm vụ, giải pháp đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ, nhập dự toán và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công nguồn NSNN năm 2023; đồng thời đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ đạo các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để làm thủ tục thanh toán tại KBNN để đảm bảo thanh toán kịp thời ngay sau khi có khối lượng hoàn thành.

Theo đó, hiện nay, KBNN đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 11 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN, đồng thời đã tích hợp 11 thủ tục hành chính lên cổng thông tin Dịch vụ công quốc gia, trong đó có thủ tục giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước. Hệ thống KBNN đẩy mạnh việc triển khai thực hiện giao nhận hồ sơ kiểm soát chi điện tử qua Cổng thông tin điện tử của KBNN, tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án trong công tác kiểm soát chi NSNN qua hệ thống KBNN.

Tại hội nghị, các báo cáo viên của Vụ Đầu tư, Kho bạc Nhà nước đã trình bày, hướng dẫn về quản lý, thanh toán dự án sử dụng vốn đầu tư công; quyết toán vốn đầu tư công dự án hoàn thành. Các đại biểu tham dự đã thảo luận đề xuất nhiều ý kiến cần tháo gỡ những khó khăn, ách tắc trong triển khai thực hiện giải ngân vốn đầu tư công với mục tiêu nhanh nhất, kịp tiến độ, hiệu quả cao nhất.

Bộ Tài chính kịp thời tổng hợp tình hình giải ngân của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ phục vụ công tác điều hành, trong đó đã tổng hợp, báo cáo rõ các khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn và đề xuất các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công hằng năm. Đồng thời, Bộ cũng cùng Tổ công tác của Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 14/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khoi-thong-diem-nghen-day-nhanh-giai-ngan-von-dau-tu-cong-nguon-ngan-sach-nha-nuoc-132442.html