Khởi sắc đời sống đồng bào dân tộc thiểu số huyện Kim Bôi

Cuộc sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình những năm qua ngày càng khởi sắc. Đặc biệt, sự hiện diện của các HTX đang giúp các thành viên, hộ nông dân liên kết thay đổi tư duy, tập quán canh tác, phát triển sản xuất theo hướng bền vững.

Kim Bôi hiện có 4 xã vùng I, 7 xã đặc biệt khó khăn và 21 thôn ở các xã vùng I, II thuộc diện đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 86% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Để nâng cao đời sống cho người dân, huyện đã đẩy mạnh hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa.

Hiệu quả liên kết sản xuất

Với đặc trưng của huyện miền núi, địa bàn rộng, nông - lâm nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ lực ở Kim Bôi. Theo đó, huyện đã chủ trương liên kết người dân thông qua mô hình kinh tế hợp tác, HTX nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho người dân.

Đơn cử, HTX Mường Động, xã Tú Sơn được thành lập năm 2006, đến nay đã trở thành điểm tựa cho hàng chục thành viên, đa phần là người dân tộc Mường, tham gia sản xuất với tổng diện tích 110 ha, trong đó có 85 ha trồng cam đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Trồng cây ăn quả đang là một trong những mô hình hiệu quả ở Kim Bôi (Ảnh: BHB).

Trước đây, vào đầu mỗi vụ thu hoạch, giá cam luôn là nỗi lo trực tiếp đối với bà con trồng cam ở xã Tú Sơn và các địa bàn lân cận. Kể từ khi HTX Mường Động được thành lập, các thành viên dần cân đối được diện tích trồng các loại cây có múi, đa dạng chủng loại giống đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng.

Kết quả, dù sản lượng cam tăng theo cấp số nhân từng năm nhưng do đã đảm bảo đầu ra nên nhiều nhà vườn tại HTX Mường Động vẫn duy trì mức thu nhập vài trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.

Anh Bùi Công Biên, dân tộc Mường, xã Tú Sơn, một trong những thành viên năng nổ của HTX, đang triển khai vườn cam rộng gần 4 ha. Nhờ sản xuất khoa học, tuân thủ quy trình sản xuất VietGAP, năng suất, chất lượng vườn cam liên tục tăng, thị trường tiêu thụ ổn định.

“Nhờ có HTX tìm kiếm thị trường, chúng tôi không còn lo được mùa mất giá. Các đối tác, thương lái xuống tận vườn để đặt hàng trước, vì vậy thu nhập ổn định hơn”, anh Biên cho hay.

Tương tự, HTX Bắc Sơn, xã Bắc Sơn, được thành lập từ năm 2012, là một điển hình trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia tăng thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

Hiện, HTX đang triển khai trồng 4 ha trồng cây thiên ngân, một loại cây lấy gỗ làm nguyên liệu giấy, có giá trị kinh tế cao gấp 10 lần cây keo. Vùng sản xuất dược liệu của HTX cũng đang cho giá trị kinh tế cao. Từ cuối năm 2016, HTX đã liên kết với các hộ dân trong xã trồng 0,5 ha cây thần diêu, một loại dược liệu quý đang được thị trường ưa chuộng.

Giám đốc HTX Bắc Sơn Nguyễn Ngọc Can chia sẻ: “Để đảm bảo hiệu quả, HTX sẽ tiếp tục hỗ trợ các hộ tham gia mô hình về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản, thu hoạch và liên kết với các doanh nghiệp để đảm bảo tiêu thụ sản phẩm ổn định, lâu dài”.

Cú hích đào tạo nghề

Theo thống kê, toàn huyện Kim Bôi hiện có khoảng 40 HTX, trong đó có 25 HTX dịch vụ nông nghiệp và 15 HTX ngành nghề khác. Thời gian qua, các HTX đã tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội, với 5 - 6% GDP toàn ngành nông nghiệp của huyện.

Hoạt động của các HTX cũng là một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào quá trình đào tạo nghề, nâng cao tỷ lệ có việc làm của lao động ở Kim Bôi.

Điển hình, trong thời gian qua, bên cạnh lĩnh vực hoạt động chính là sản xuất tinh dầu sả, HTX dịch vụ nông nghiệp Huy Chỉ, xã Hùng Sơn đã xây dựng thêm xưởng may, có đội ngũ lao động lành nghề để triển khai may gia công cho một doanh nghiệp may mặc xuất khẩu ở Hà Nội.

Thành công trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp là điểm tựa giảm nghèo cho người dân Kim Bôi (Ảnh: BHB).

Xuất phát từ nhu cầu của lao động nông thôn, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kim Bôi đã phối hợp với HTX trong việc hỗ trợ dạy nghề, kết nối việc làm cho người dân.

Sau khi hoàn thành khóa đào tạo nghề may công nghiệp, 28/28 học viên đã được nhận vào làm việc tại xưởng may gia công của HTX. Mức lương tối thiểu của công nhân tại xưởng đạt 6 - 8 triệu đồng/người/ tháng. Riêng tháng cao điểm Tết Nguyên đán, thu nhập của người lao động cao gấp 1,5 lần.

Chị Bạch Thị Như, dân tộc Mường, xã Hùng Sơn, công nhân may của HTX Huy Chỉ cho biết, chị làm công nhân may cho HTX từ 3 năm nay. Hiện, công việc của chị khá ổn định, thu nhập cũng cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp mà không phải ly hương, đi làm lao động trong các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh.

“Cái hay khi tham gia các lớp dạy nghề của HTX Huy Chỉ là được "cầm tay chỉ việc", sau đó là được nhận vào làm luôn. Nhờ có HTX mà hơn 20 lao động, đa phần là nữ người dân tộc Mường, Dao vốn quan năm "chân lấm, tay bùn" nay có việc làm, thu nhập ổn định”, chị Như phấn khởi nói.

Nhờ làm tốt công tác dạy nghề, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trên địa bàn huyện đạt 90%, riêng lĩnh vực nghề nông nghiệp đạt 100%. Lao động sau khi được đào tạo có nghề nghiệp ổn định, tạo thu nhập cho gia đình, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương.

Thời gian tới, huyện Kim Bôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí của đào tạo nghề đối với phát triển kinh tế - xã hội, để lao động nông thôn biết và tích cực tham gia học nghề.

Đòn bẩy từ chính sách

Chính những thành công trong liên kết sản xuất, hiệu quả chương trình đào tạo nghề đang góp phần thay đổi toàn diện diện mạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Kim Bôi.

Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm, 100% xã, thị trấn có trạm y tế, 100% hộ dân được sử dụng điện, 95% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; phổ cập giáo dục tiểu học, THCS được giữ vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 5,06%/năm.

Kết quả trên đánh dấu sự nỗ lực của các cấp, ngành trong việc triển khai thực hiện hiệu quả những chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số. Cụ thể, từ năm 2016 đến nay, huyện đã triển khai một số chương trình, chính sách hỗ trợ như: Chương trình 135, chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất, chính sách đối với người có uy tín, các chính sách giảm nghèo đặc thù theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ...

Qua đó đã góp phần làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số. Trình độ dân trí được nâng lên rõ rệt, bản sắc văn hóa được giữ gìn, phát huy. Người dân mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ KH-KT vào sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, làm tiền đề để xây dựng nông thôn mới.

Thông qua các chính sách đã khơi dậy tính cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong lao động sản xuất, vượt lên khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số. Người dân đã khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đất đai để đầu tư phát triển sản xuất, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chất lượng cao.

Toàn huyện hiện có trên 1.800 ha cây ăn quả trồng tập trung, trong đó diện tích trồng mới khoảng 103 ha, diện tích đang cho thu hoạch đạt trên 1.400 ha. Tổng đàn vật nuôi được duy trì và phát triển. Đây là nền tảng để huyện tiếp tục thúc đẩy chính sách hỗ trợ, từ đó nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

Lệ Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/khoi-sac-doi-song-dong-bao-dan-toc-thieu-so-huyen-kim-boi-1093363.html