Khôi phục dòng tranh Kim Hoàng sau 70 năm vắng bóng

Khác với tất cả dòng tranh dân gian Việt Nam, tranh Kim Hoàng đã gần như biến mất kể từ lần xuất hiện cuối cùng dịp Tết năm 1947.

Cuốn sách có nhiều hình ảnh mô tả quá trình làm tranh Kim Hoàng.

Câu chuyện của tranh dân gian Kim Hoàng không chỉ là lịch sử của một dòng tranh cổ xưa, hay kỹ thuật sản xuất tranh…, mà là câu chuyện phục hồi lại một dòng tranh dân gian rất có ý nghĩa và giá trị đối với nền văn hóa và mỹ thuật Việt Nam.

'Tranh đỏ' suýt thất truyền

Mới đây, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức ra mắt cuốn sách “Tranh dân gian Kim Hoàng” của nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa - Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội.

Tranh dân gian Kim Hoàng (xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) có lịch sử hết sức đặc biệt. Cùng với tranh Hàng Trống (Hà Nội), Đông Hồ (Bắc Ninh), tranh Kim Hoàng tạo ra ba dòng tranh nổi tiếng nhất của vùng Đồng bằng Bắc Bộ.

Tranh Kim Hoàng có những chủ đề quen thuộc với đời sống người dân nông thôn và cũng có những thể loại như tranh Tết, tranh thờ… đáp ứng được những nhu cầu đa dạng.

Từ trang trí nhà cửa nhân dịp Tết đến Xuân về, cầu cho phúc lộc đầy nhà, cho đến xua đuổi tà ma, giữ nhà yên ấm. Song, tranh Kim Hoàng có nét độc đáo riêng về bố cục, màu sắc nên thường được gọi là dòng “tranh đỏ” (in trên giấy có nền đỏ).

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa, tuy là dòng tranh dân gian nổi tiếng nhưng tranh Kim Hoàng đã gần như biến mất kể từ lần xuất hiện cuối cùng dịp Tết năm 1947. Sau 70 năm vắng bóng, đứng trước nguy cơ thất truyền, nếu như không kịp thời phục hồi và phát huy giá trị của di sản thì chắc chắn dòng tranh cổ xưa ấy sẽ biến mất.

Bởi vậy từ năm 2016, bà Hòa đã tự bỏ tiền túi triển khai dự án “Khôi phục tranh dân gian Kim Hoàng”. Dự án đã tập hợp được nhiều nghệ nhân và nhà sưu tầm tranh dân gian Việt Nam, các họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử mỹ thuật, nhiếp ảnh gia… để tìm lại các kỹ thuật từ nhuộm giấy, tìm lại những sắc độ màu, kỹ thuật in, vẽ…

Cùng với quá trình khôi phục tranh, bà Hòa đã dành nhiều công sức nghiên cứu về tranh dân gian Việt Nam. Với tư cách là người “làm nghề”, bà đặc biệt chú trọng đến các kỹ thuật làm tranh, từ nguyên liệu để tạo ra các màu sắc trong tranh, cách pha chế màu, kỹ thuật trong in - vẽ tranh, các thủ pháp nghệ thuật… sử dụng trong tranh dân gian.

Từ quá trình nghiên cứu ấy, bà Hòa đã cho ra đời một bộ sách về tranh dân gian Việt Nam, như: Tranh dân gian Kim Hoàng, Dòng tranh dân gian Hàng Trống, Dòng tranh dân gian Đông Hồ, Tranh đồ thế Việt Nam… Trong đó, cuốn sách “Tranh dân gian Kim Hoàng” vừa ra mắt công chúng - là cuốn thứ 2 về tranh dân gian Kim Hoàng do bà là tác giả.

“Thật xúc động khi hoàn thành những trang bản thảo cuối của sách “Tranh dân gian Kim Hoàng” vào những ngày hè giữa năm 2022. Câu chuyện của tranh dân gian Kim Hoàng không chỉ là lịch sử của một dòng tranh cổ xưa, hay kỹ thuật sản xuất tranh…, mà là câu chuyện phục hồi lại một dòng tranh dân gian rất có ý nghĩa và giá trị đối với nền văn hóa và mỹ thuật Việt Nam”, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa cho hay.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa giới thiệu về kỹ thuật làm tranh Kim Hoàng do nghệ sĩ Nam Chi thực hiện.

Công phu một dòng tranh cổ

“Hy vọng công trình của chúng tôi sẽ có đóng góp, khôi phục và phát triển dòng tranh Kim Hoàng. Đồng thời còn có giá trị là tư liệu khảo sát dân tộc học, khảo cổ học, thư tịch học, sử học, văn học dân gian của một ngôi làng thuần Việt và khá nổi tiếng xưa nay ở châu thổ sông Hồng: Làng Kim Hoàng” - Nhà nghiên cứu, sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa.

“Tranh dân gian Kim Hoàng” gồm 4 chương với 346 ảnh màu minh họa, 24 tài liệu tham khảo và trích dẫn. Các hình ảnh mô tả với nhiều góc chụp khác nhau, cho người đọc những góc nhìn toàn cảnh làng Kim Hoàng từ trên cao cho tới cận cảnh về từng họa tiết chạm khắc trong đình làng.

Bên cạnh đó, là những hình ảnh sinh động mô tả quá trình khôi phục tranh, in tranh, và những giao lưu, triển lãm giới thiệu tranh Kim Hoàng với công chúng trong nước và quốc tế.

Thông qua cuốn sách, người đọc có thể hiểu thêm về nguồn gốc của dòng tranh Kim Hoàng. Hiểu thêm về nghề sản xuất giấy làm tranh ở Việt Nam nói chung và sản xuất giấy, mực in, tô tranh Kim Hoàng nói riêng.

Tranh Kim Hoàng hiện nay được nhóm dự án triển khai theo hướng “cá biệt hóa”, tức là mỗi bức tranh có những dấu ấn riêng, kết hợp giữa in và vẽ, thể hiện tài năng của nghệ sĩ - nghệ nhân. Do đó, giá trị sản phẩm được gia tăng thay vì sản xuất theo lối in hàng nghìn tranh như trước kia.

Theo nhóm dự án, kỹ thuật khắc của Kim Hoàng cho thấy sự công phu từ khâu chọn gỗ thị có tính mềm, dẻo, bền, không bị nứt. Người thợ dùng tới khoảng 40 loại đục, và nhiều loại dao trổ để khắc tranh. Có thể phải mất 6 ngày để làm một bản khắc tranh gà Thần Kê.

Cách in của tranh Kim Hoàng phảng phất cách in của dòng tranh dân gian Hàng Trống. Đó là cách “in ngửa ván”. Chỉ in nét bằng ván rồi mới vẽ tay, tô màu. Vì vậy, tranh Kim Hoàng sản xuất với tốc độ chậm hơn cách in bằng nhiều ván của Đông Hồ, nhưng cũng có phần đa dạng hơn.

Người Kim Hoàng có hai cách làm ván in. Hoặc là dùng một bản khắc nét duy nhất cho mỗi tranh, hoặc là 1 bản khắc nét và 1 bản khắc mảng màu. Mỗi bức tranh Kim Hoàng qua vẽ tay, tô màu bằng tay sẽ cho mỗi tác phẩm khác nhau, đa dạng hơn.

Cách in thông thường là in bản mảng trước rồi in bản nét sau. Nhưng nếu chỉ có một bản nét thì người ta phải in nét hai lần. Trước hết “in nhá” để lấy nét mờ, trên cơ sở đó căn làm cỡ rồi dùng bút pha màu tô phết lên tùy ý, để cuối cùng in nét lần nữa đè lên cho chuẩn và kỹ. Cách này gọi là “in đồ”.

Trần Hòa

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khoi-phuc-dong-tranh-kim-hoang-sau-70-nam-vang-bong-post603966.html