Muốn khởi nghiệp và trở thành CEO ngành sức khỏe: Học ở đâu?

Tại buổi đối thoại, nhiều em trước ngưỡng cửa đại học đặt câu hỏi: 'Khởi nghiệp ở lĩnh vực sức khỏe hiện được nhiều bạn trẻ quan tâm, vậy muốn trở thành CEO của ngành này thì có thể học ở đâu?'.

Ngày 4/5, tại trường THPT Chương Mỹ B (huyện Chương Mỹ), hơn 1.000 học sinh THPT đã tham gia chương trình “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành sức khỏe - ngôn ngữ”.

Chương trình cung cấp cho các học sinh THPT thông tin thiết thực về ngành học này và tư vấn chọn trường, chọn nghề.

Học sinh hồ hởi tham gia các gian hàng tư vấn của các đơn vị tuyển dụng tại chương trình (Ảnh: BTC)

Khối ngành thu hút rất nhiều vị trí và cơ hội nghề nghiệp

Với các bạn trẻ đang muốn theo học ngành Y, BS Đỗ Doãn Bách, Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai - ông vốn là một trong mười gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024 chia sẻ, khi lựa chọn ngành Y ngoài việc cần học tốt các môn tổ hợp khối B (gồm Toán, Hóa học, Sinh học), thí sinh cần có niềm yêu thích nghề nghiệp và sự trách nhiệm.

Với BS Bách, việc lựa chọn chuyên ngành tim mạch là chuyên ngành chuyên sâu xuất phát từ niềm đam mê với môn Sinh học ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

BS Bách cho hay, tuy ngành Y có thời gian học dài so với các ngành nghề khác nhưng hiện nay, cơ hội việc làm của ngành là rất lớn. Tỷ lệ các bác sĩ của Hà Nội mới chỉ đạt gần 11 bác sĩ/1.000 dân.

Theo Bác sĩ Bách, nguồn nhân lực ngành Y hiện rất thiếu, trong khi đây là khối ngành thu hút rất nhiều vị trí và cơ hội nghề nghiệp vô cùng rộng mở: Bác sĩ, nhân viên y tế, điều dưỡng, dược sĩ… với nhiều chuyên ngành phong phú như y tế dự phòng, dược…

“Đặc biệt, có thể thấy, như trong giai đoạn đại dịch Covid-19, ngành Y càng thiếu trầm trọng về nguồn nhân lực”, BS Bách nêu.

Các bạn trẻ khi lựa chọn ngành Y sẽ có cơ hội làm việc tại các bệnh viện nhà nước hoặc bệnh viện tư, hay các công ty dược phẩm…

Chia sẻ, bác sĩ Đỗ Doãn Bách cho rằng, việc lựa chọn chuyên ngành tim mạch là chuyên ngành chuyên sâu và khó xuất phát từ niềm đam mê với môn sinh học ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

Do đó, khi lựa chọn ngành Y cần học tốt khối B với các môn học toán, hóa, sinh. “Tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi ngày tôi sẽ khám cho khoảng 50 bệnh nhân do đó tôi mong muốn sẽ có thêm nhiều đồng nghiệp từ những bạn học sinh tại đây', gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024 chia sẻ.

"Tôi cũng dành lời khuyên khi lựa chọn ngành Y, bên cạnh đam mê cần phải hiểu xem bản thân mình có năng lực thế nào, lựa chọn nghề nào thì phải có trách nhiệm với nghề nghiệp đó”, bác sĩ Đỗ Doãn Bách nhấn mạnh thêm.

Học sinh trường THPT Chương Mỹ B, xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đặt câu hỏi tại chương trình (Ảnh: BTC)

Nhân lực khối ngành sức khỏe rất thiếu, sức hút lương cao

Cũng tại buổi đối thoại, nhiều em học sinh đặt câu hỏi: “Khởi nghiệp ở lĩnh vực sức khỏe hiện được nhiều bạn trẻ quan tâm, vậy muốn trở thành CEO của ngành này thì có thể học ở đâu?”.

Trả lời câu hỏi này, TS Nguyễn Thúy Vân, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thành Đô cho biết: Bất kỳ trường đại học nào cũng có thể mang lại cơ hội khởi nghiệp, bởi chương trình đào tạo của các trường đều trang bị cho các em những kỹ năng, kiến thức cơ bản cần có về các ngành, lĩnh vực.

Tuy nhiên, với lĩnh vực sức khỏe, đòi hỏi phải được đào tạo chuyên sâu từ trong trường học để ít nhất khi ra trường các em có kiến thức về ngành này, đảm bảo tư vấn, an toàn khi mở nhà thuốc, thành lập doanh nghiệp hay nói cách khác với ngành sức khỏe, các em cần phải trang bị kiến thức, nền tảng chắc chắn trước khi khởi nghiệp.

Nói về cơ hội nghề nghiệp của ngành Dược, TS Nguyễn Thúy Vân, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thành Đô cho biết: Tốt nghiệp ngành Dược các em có thể làm việc tại khoa Dược của các bệnh viện; tại các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc, dược phẩm; tại các trung tâm kiểm nghiệm thuốc; hoặc có thể tự mình mở công ty Dược, nhà thuốc và làm chủ đầu tư hệ thống nhà thuốc.

Ngôn ngữ góp phần “chữa lành” cho người bệnh

Bác sĩ Đỗ Doãn Bách chia sẻ: Như chúng ta đã biết ngôn ngữ có sức mạnh vô cùng to lớn. Ví dụ, nếu học ngành Y, chúng ta học tốt các ngoại ngữ như: Tiếng anh, tiếng Trung , tiếng Pháp… sẽ giúp cập nhật các kiến thức y học trên internet.

Bởi hiên nay nhiều kiến thức, khuyến cáo y tế được cập nhật liên tục trên trên mạng, từ sinh viên cho đến các nhà khoa học, giáo sư cũng sẽ tiếp cận kiến thức một cách đa phương, đa chiều…

Trong môi trường bệnh viện, bệnh nhân đến điều trị đều có bệnh nên luôn mang tâm lý lo lắng, stress. Lúc này, bác sĩ, nhân viên y tế cần dùng ngôn ngữ để “chữa lành” cho người bệnh, cách thức nói năng sử dụng âm điệu tạo sự thấu hiểu.

Chuyên ngành tim mạch của tôi cũng rất gần với sức khỏe tinh thần, trong khi stress lo lắng sẽ khiến nhịp tim đập nhanh, bệnh nhân càng lo lắng, bệnh càng thêm nghiêm trọng.

Có trường hợp bệnh nhân nhập viên do tâm lý lo lắng nhưng sau khi chia sẻ với bác sĩ, bệnh nhân có tâm lý thoải mái, nhịp tim ổn định trở lại và được ra viện ngay trong ngày.

Trong một số các trường hợp, bác sĩ còn phải học cách “nói dối” để tạo cho người bệnh tinh thần tốt nhất, vượt qua bạo bệnh. Tôi vẫn còn nhớ những ký ức buồn trong quá trình tham gia điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19 trong giai đoạn cao điểm của đại dịch.

Nỗi ám ảnh lớn nhất là khi bệnh nhân COVID-19 tử vong, chúng tôi phải thông báo với gia đình bệnh nhân, đối diện với những cảm xúc của họ khi mất mát đi người thân, bác sĩ phải nói chuyện thể hiện sự thấu hiểu với những nỗi đau, sự mất mát của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân.

. Thanh Nhung

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/khoi-nghiep-va-muon-tro-thanh-ceo-cua-nganh-suc-khoe-thi-hoc-o-dau-20240505234047347.htm