Khởi nghiệp - con đường cần thêm nỗ lực khơi thông

Tại thành phố Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức hội thảo bàn về khởi nghiệp. Khởi nghiệp vốn giản dị trong hoạt động lẫn mục đích nhưng ở nước ta để khởi nghiệp thành công, cần sự hỗ trợ nhiều mặt.

Hai sinh viên đại học ở Cần Thơ, Nguyễn Hữu Huy Hào và Phan Hồng Mức, biến chất thải trong chế biến tôm thành phân hữu cơ chất lượng cao, khởi nghiệp thành công nhờ hỗ trợ của chính quyền và báo chí. Hiện sản phẩm làm đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Thông tin tại hội thảo, nhiều ý tưởng kinh doanh của Việt Nam đã chọn môi trường nước ngoài để triển khai khởi nghiệp. Chẳng hạn, Cốc Cốc, Lozi, Azitack, Antoree.vn trong lĩnh vực công nghệ và cả Cty Cỏ May kinh doanh nông sản cũng thành lập doanh nghiệp ở Singapore.

Mục tiêu giản dị

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nói: “Khởi nghiệp không chỉ là thiết lập các mô hình, ý tưởng sản xuất kinh doanh, đó có thể là khởi sự hành động trong các lĩnh vực khác nhau, hướng tới phục vụ cộng đồng, xã hội, giải quyết bài toán về con người và sự phát triển bền vững”. Các diễn giả ở buổi hội thảo tán đồng ý kiến của Thủ tướng.

Thành lập doanh nghiệp hay cơ sở kinh doanh là điều đáng khuyến khích, song xã hội cũng cần những người làm việc trong doanh nghiệp. Khởi nghiệp của những người làm trong doanh nghiệp chính là tinh thần và hành động nhằm tạo ra giá trị, nguồn thu mới qua quy trình, phương thức sản xuất mới, sản phẩm mới.

Ông Vũ Tuấn Anh ở Viện Quản lý Việt Nam phân tích, những lao động sáng tạo trong doanh nghiệp là một bộ phận làm nên nền tảng quốc gia khởi nghiệp, có hình kim tự tháp. Tầng tiếp theo là những người có ý tưởng thành lập cơ sở kinh doanh hoặc doanh nghiệp. Tầng thứ ba của kim tự tháp mới chính là thành lập doanh nghiệp. Tất cả những người có tinh thần không ngừng sáng tạo và không ngại đổi mới, làm nên tinh thần khởi nghiệp nền tảng và cùng với những người đi tới thành lập doanh nghiệp là những “chiến binh khởi nghiệp”.

Một nghiên cứu của VCCI vào năm 2016 cho biết, cả nước có 110.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới. Về động lực khởi sự của các ông bà chủ, lớn nhất là muốn độc lập về tài chính chiếm 59%, kế tiếp là muốn tự làm chủ chiếm 41%, thứ ba là đam mê làm điều mới mẻ chiếm 31%. Những mong muốn chính đáng và giản dị của con người, đó là những quyền của người dân: tự do sáng tạo, tự do kinh doanh, tự do sở hữu và hưởng thụ kết quả sáng tạo của mình.

Cũng nghiên cứu trên cho biết, hoạt động của doanh nghiệp nước ta còn rất khó khăn. Chỉ có 5% lãi như mong muốn, bên cạnh 5% lỗ lớn, 40% lãi chút ít và 32% lỗ chút ít, 19% hòa vốn. Có đến 45% hy vọng giữ quy mô để tồn tại hoặc phải đóng cửa. Với các doanh nhân khởi nghiệp, khó khăn lớn nhất không phải ở thị trường cạnh tranh mà ở thủ tục hành chính rối rắm, lại có quá nhiều rủi ro và cạm bẫy về pháp lý.

Khó khăn không nhỏ

“Mọi doanh nghiệp, mọi người kinh doanh đều có thể đi tù” là ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Có rất nhiều dẫn chứng như vụ chủ quán cà phê Xin Chào ở TP.HCM bị khởi tố hình sự cuối năm 2015, vì chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày tại quận Tân Bình. Hoặc trường hợp đầu tư dự án xây dựng nhà máy chế biến nông thủy sản ở tỉnh Hậu Giang của doanh nhân trẻ Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, bị khởi tố hình sự cuối năm 2015, đến nay điều tra chưa xong và chưa biết bao giờ xong...

Luật sư Trần Minh Hải, GĐ điều hành Cty Luật BASICO cho biết, có những nghề đã bị nâng thành tội phạm hình sự “làm ảnh hưởng đến giá trị tự do kinh doanh”. Như kinh doanh vàng tài khoản trực tuyến, cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng máy tính viễn thông trái phép… Nghịch lý là những việc kinh doanh này không nằm trong nhóm 6 ngành nghề pháp luật doanh nghiệp cấm. “Thực trạng tự do kinh doanh hiện nay là hình tượng một cánh cổng tự do rất lớn, nhưng phía sau cánh cổng ấy lại một lối đi hẹp”, luật sư Hải nói.

“Chúng ta không chấp nhận văn bản pháp luật ban hành có nội dung không vì lợi ích của toàn xã hội mà vì lợi ích riêng của một Bộ, một ngành nào đó” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2017.

Theo các diễn giả, cũng vì môi trường pháp lý cho tự do kinh doanh không hoàn chỉnh nên nhiều người khởi nghiệp nước ta phải chọn sử dụng luật lệ và môi trường kinh doanh của nước ngoài, đăng ký khởi nghiệp ở nước ngoài. Thực trạng đáng buồn khác, khi khởi nghiệp không thành công, muốn rút lui khỏi thị trường cũng khó.

Thống kê của VCCI, trong 11 tháng đầu năm 2016, nước ta có 55.000 doanh nghiệp có nhu cầu phá sản, trong khi từ năm 2004 đến 2014, chỉ hoàn thành thủ tục phá sản theo tòa án được 83 doanh nghiệp. Ngân hàng Thế giới đánh giá (năm 2017), nước ta xếp thứ 125/190 nền kinh tế về mức độ phức tạp và khó khăn khi hoàn tất thủ tục phá sản. Thủ tục rút lui khỏi thị trường cũng quan trọng như khi gia nhập, bởi có nhanh chóng hủy bỏ sáng tạo không thành công thì mới thêm cơ hội cho sáng tạo mới.

Cần hỗ trợ nhiều mặt

Nghiên cứu của VCCI còn cho biết, hiện 60% doanh nghiệp vừa và nhỏ không thể tiếp cận hoặc khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Đồng vốn với các doanh nghiệp rất quan trọng nhưng nhiều doanh nhân cũng phát biểu, quan trọng hơn hỗ trợ bằng tiền là “giảm bớt những âu lo cho người khởi nghiệp”.

Các doanh nghiệp cần được sự hướng dẫn để giúp họ có trách nhiệm và tuân thủ các quy định hơn là việc bị chỉ ra các vi phạm để xử lý. Niềm tin của người khởi nghiệp cần được nuôi dưỡng và củng cố bằng các hành động cụ thể của Chính phủ. Gần đây, Chính phủ có Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 đẩy mạnh những cải cách về môi trường kinh doanh, được doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, chuyển động thực tế còn chậm và chưa đáp ứng mong mỏi của những người khởi nghiệp.

Tiếp theo cuộc hội thảo của VCCI, UBND thành phố Cần Thơ tổ chức tọa đàm “Báo chí với công tác thông tin, tuyên truyền lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, có ý kiến đề cập vấn đề báo chí hỗ trợ khởi nghiệp. Ý kiến này nêu cụ thể một số doanh nhân trẻ khởi nghiệp chưa thành công, thậm chí đang bị bắt tạm giam để điều tra và nhấn mạnh, khởi nghiệp hầu hết là tuổi trẻ, thế và lực còn yếu, rất cần được hỗ trợ và giúp đỡ mọi mặt để vượt qua các khó khăn, thách thức. Chính quyền giúp đỡ với quan điểm coi doanh nhân và doanh nghiệp là đối tác chứ không phải đối tượng, có tính quyết định đối với thành công của khởi nghiệp. Bên cạnh, báo chí cũng có vai trò rất quan trọng nhằm động viên, tiếp sức, nhân rộng tinh thần khởi nghiệp. Báo chí tạo dư luận xã hội làm điểm tựa cho người khởi sự kinh doanh vững tin trong quyết định khởi nghiệp, góp phần tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội.

THANH HẢI

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/khoi-nghiep-con-duong-can-them-no-luc-khoi-thong-post196416.html