Khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển thịnh vượng (Bài 3): Tư duy đột phá, hướng đến tương lai

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX, đã đề ra mục tiêu tổng quát cho nhiệm kỳ 2020-2025: 'Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc'. Để hiện thực hóa mục tiêu lớn này - trong khi thời gian từ nay đến cuối nhiệm kỳ không còn nhiều - cần quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, cùng những giải pháp đồng bộ, hiệu quả và khả thi, nhằm 'chuyển hóa' thời cơ, tiềm năng, nguồn lực thành lợi thế cho phát triển.

Diện mạo nông thôn mới xã Thọ Vực (Triệu Sơn). Ảnh: Khôi Nguyên

Khát vọng phát triển

Có nhận định cho rằng, trong mọi sự phát triển, tầm nhìn là một trong những yêu cầu quan trọng hàng đầu. Nó không chỉ thể hiện mục tiêu cần đạt được; cơ sở để xác định nhiệm vụ, giải pháp; mà còn là nền tảng để tạo sự thống nhất, đoàn kết các lực lượng cùng chung trách nhiệm để đạt đến mục tiêu, lý tưởng đó. Do đó, tầm nhìn đòi hỏi phải như “kim chỉ nam”, tức là cần chính xác, đúng đắn, phù hợp, sát thực tế, khoa học và có tính khả thi; đồng thời, phải thể hiện quyết tâm và khát vọng phát triển vượt ra khỏi những giới hạn, những khuôn khổ thông thường.

Quán triệt sâu sắc các quan điểm, định hướng phát triển của Đảng, nhất là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 5/8/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX (gọi tắt là nghị quyết) đã đề ra mục tiêu tổng quát cho nhiệm kỳ 2020-2025, đó là: “Phấn đấu đến năm 2025 trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước”.

Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã đi qua nửa chặng đường thực hiện nghị quyết, với những kết quả đạt được là rất đáng tự hào. Nổi bật trong đó phải kể đến tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2023 ước đạt con số ấn tượng 9,69% (đứng thứ 5 cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh/thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước). Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Nam Trung bộ... Thành quả này đang và sẽ là tiền đề quan trọng, để tỉnh ta đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ cho “chặng cuối” nhiệm kỳ 2020-2025, với tầm nhìn và khát vọng phát triển mạnh mẽ hơn.

Theo đó, Thanh Hóa đặt mục tiêu phấn đấu trong 2 năm 2024 và 2025, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm tăng 12,96% trở lên (đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 11%/năm trở lên). GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 tăng thêm 2.056 USD (đạt mục tiêu đến năm 2025 là 5.200 USD). Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP năm 2025: Nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm 7,9%; công nghiệp - xây dựng tăng 5,4%; dịch vụ giảm 1,3%; thuế sản phẩm tăng 3,8%. Tốc độ tăng thu ngân sách Nhà nước bình quân hằng năm tăng 10% trở lên (vượt mục tiêu đề ra tăng 10%). Tổng giá trị xuất khẩu đến năm 2025 tăng thêm 2,9 tỷ USD (đạt mục tiêu đến năm 2025 đạt 8 tỷ USD)...

Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã đi qua nửa chặng đường thực hiện nghị quyết, với những kết quả đạt được là rất đáng tự hào. Nổi bật trong đó phải kể đến tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2023 ước đạt con số ấn tượng 9,69% (đứng thứ 5 cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh/thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước). Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Nam Trung bộ...

Bên cạnh các chỉ tiêu về kinh tế, trong lĩnh vực văn hóa - xã hội tập trung vào các chỉ tiêu, như: tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm đến năm 2025 duy trì dưới 1% (đạt mục tiêu, giảm bình quân hằng năm dưới 1%). Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2025 tăng thêm 2,5% trở lên (đạt mục tiêu đề ra đến năm 2025 đạt trên 95%). Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đến năm 2025 tăng thêm 2% (đạt mục tiêu đề ra đến năm 2025 đạt 75%). Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm 1,5% trở lên (đạt mục tiêu giảm bình quân hằng năm từ 1,5% trở lên). Tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025 tăng thêm 2,8% trở lên (vượt mục tiêu đề ra đến năm 2025 đạt 81%)... Ngoài ra, tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn về an ninh trật tự đến năm 2025 duy trì như năm 2023 (mục tiêu đề ra đến năm 2025 đạt 80%). Hằng năm kết nạp 8.120 đảng viên mới trở lên. Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm đạt trên 90%...

Trên cơ sở dự báo những thuận lợi và khó khăn, thách thức trong thời gian tới, dự thảo báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX đã dự báo khả năng hoàn thành 27 chỉ tiêu nghị quyết đến năm 2025. Trong đó, nhấn mạnh đến 5 chỉ tiêu dự báo nhiều khó khăn, nên khó hoàn thành mục tiêu, bao gồm: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm; Cơ cấu ngành kinh tế trong GRDP; GRDP bình quân đầu người năm 2025; Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội; Tổng giá trị xuất khẩu. Song đây cũng đều là những chỉ tiêu “rường cột”, có tính quyết định đến thành quả phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh trong cả nhiệm kỳ. Chính vì lẽ đó, để hoàn thành 27 chỉ tiêu nghị quyết, đặc biệt là 5 chỉ tiêu cơ bản nêu trên, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành sâu sát, quyết liệt và dứt khoát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; thì cần phải có quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, cùng những giải pháp đồng bộ, hiệu quả và khả thi, nhằm “chuyển hóa” các thời cơ, tiềm năng, nguồn lực thành lợi thế cho phát triển.

Giải pháp đột phá

Đoàn kết tạo nên sức mạnh của sự thống nhất ý chí và hành động. Do đó, để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong nửa cuối nhiệm kỳ, cũng là góp phần sớm đưa Thanh Hóa trở thành “một cực tăng trưởng mới”, thì hơn lúc nào hết, tỉnh Thanh Hóa đang và sẽ tiếp tục tăng cường xây dựng đảng bộ đoàn kết, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Trong đó, trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đồng thời, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn các biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng, trong hệ thống chính trị, nhất là văn hóa ứng xử trong thực thi công vụ, văn hóa phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức... Bên cạnh đó, chú trọng bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả công tác đối ngoại, trọng tâm là kinh tế đối ngoại; tiếp tục làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các đối tác chiến lược, quan trọng. Từ đó, tạo môi trường ổn định và thu hút mạnh mẽ các nguồn lực xã hội cho phát triển.

Đặc biệt, cùng với sự quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa; cần triển khai đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp mới, có tính đột phá để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIX. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, giải quyết những vấn đề phát sinh, các vấn đề liên quan đến an ninh, dịch bệnh lớn,... Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của các cấp, các ngành, đoàn thể và thực hiện chức trách, nhiệm vụ của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Thường xuyên theo dõi, điều chuyển, bố trí lại cán bộ lãnh đạo, quản lý thiếu tinh thần trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy trong tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; người đứng đầu để địa phương, cơ quan, đơn vị trì trệ, có nhiều hạn chế, yếu kém do nguyên nhân chủ quan...

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn. Ảnh: Minh Hằng.

Cùng với đó, UBND tỉnh triển khai thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, triển khai đầu tư các dự án, nhất là trong giải phóng mặt bằng, giải quyết thủ tục đầu tư, nguồn cung và giá vật liệu xây dựng, giao đất, cho thuê đất, tính tiền sử dụng đất của các dự án, mặt bằng... Kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhất là các cơ sở sản xuất công nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, tăng thu ngân sách; khắc phục các khó khăn, vướng mắc, hạn chế, yếu kém kéo dài để đẩy mạnh phát triển và nâng cao chất lượng văn hóa, giáo dục, y tế... phấn đấu hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh.

Đặc biệt, để hiện thực hóa các mục tiêu quan trọng của nửa cuối nhiệm kỳ, trong thời gian “nước rút” sắp tới, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục dồn lực để tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực (Trung tâm động lực phía Nam - Khu Kinh tế Nghi Sơn, Trung tâm động lực TP Thanh Hóa - Sầm Sơn, Trung tâm động lực phía Tây - Lam Sơn Sao Vàng, Trung tâm động lực phía Bắc - Bỉm Sơn - Thạch Thành); 3 trụ cột tăng trưởng (công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch); 3 khâu đột phá (phát triển hạ tầng; cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng hấp dẫn; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ) và 8 chương trình trọng tâm (nông nghiệp và XDNTM; phát triển Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp; phát triển du lịch; nâng cao chất lượng văn hóa; nâng cao chất lượng giáo dục; nâng cao chất lượng y tế; phát triển kinh tế- xã hội khu vực miền núi; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng...).

Lời kết

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, khát vọng xây dựng và phát triển đất nước giàu đẹp, văn minh vừa là giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, vừa là giá trị tinh thần tốt đẹp của Nhân dân Thanh Hóa. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, tinh thần, ý chí, khát vọng xây dựng và phát triển Thanh Hóa thịnh vượng đang được thôi thúc và nhân lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nhằm đưa Thanh Hóa “đến năm 2025 nằm trong nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước - một cực tăng trưởng mới” và “đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh về bài học của sự thành công, đó là: “Nguồn lực bắt nguồn từ tư duy; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới; sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân”. Ngày nay, Thanh Hóa đang có được tiềm lực và vị thế chưa từng có. Đây vừa niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, vừa là cơ sở, là điều kiện để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục vững bước tiến lên, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIX, cũng như cùng với cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Qua đó, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” - thịnh vượng và hạnh phúc như mong mỏi của Bác Hồ lúc sinh thời.

Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/khoi-day-tinh-than-doan-ket-y-chi-tu-luc-tu-cuong-va-khat-vong-phat-trien-thinh-vuong-bai-3-tu-duy-dot-pha-huong-den-tuong-lai/197782.htm