Khơi dậy tiềm năng phát triển từ các làng nghề: (Kỳ 3)- Tìm giải pháp phát triển làng nghề gắn với văn hóa, du lịch

Mỗi làng nghề có một nét đặc trưng, không chỉ mang tới cho du khách những sản phẩm thủ công hấp dẫn mà còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa. Do vậy, phát triển làng nghề bền vững gắn với văn hóa, du lịch đang là hướng đi được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho phát triển kinh tế nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Hoạt động sản xuất tại làng nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (Hoa Lư).

Thời gian qua, nghề truyền thống được nhìn nhận là một di sản văn hóa bởi nó chứa đựng các giá trị lịch sử, văn hóa và tinh thần của cộng đồng tại địa phương từ hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Với những giá trị đó, làng nghề đang có tiềm năng du lịch rất lớn.

PGS.TS. Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, du lịch và làng nghề có mối quan hệ mật thiết. Việc phát triển du lịch là một giải pháp tốt để "đánh thức" các giá trị tiềm năng của làng nghề đang dần "chìm vào giấc ngủ", nhất là các giá trị về văn hóa, lịch sử.

Nhận diện rõ những cơ hội trong mối quan hệ giữa du lịch và làng nghề, đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, tại Kế hoạch số 74/KHUBND của UBND tỉnh Ninh Bình về bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống gắn với văn hóa, du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 đã chỉ ra các mục tiêu cụ thể: Duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống và làng nghề truyền thống gắn với văn hóa, du lịch; giữ gìn tinh hoa, văn hóa bản địa; gắn sự phát triển nghề, làng nghề truyền thống với hoạt động du lịch và lễ hội truyền thống, tạo động lực phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh. Huy động sức mạnh của toàn xã hội trong việc đầu tư, trùng tu, tôn tạo, quản lý và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể của nghề truyền thống, làng nghề truyền thống.

Trong giai đoạn 2022-2025, Ninh Bình phấn đấu mỗi năm có 2 nghề được công nhận là nghề truyền thống, 1 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống. Riêng năm 2023 sẽ tổ chức thẩm định, xét duyệt, công nhận 5 nghề truyền thống và 1 làng nghề truyền thống.

Ông Phạm Mạnh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Ninh Bình đang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm bảo tồn, phát triển làng nghề như nghiên cứu, xây dựng chính sách riêng về bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở triển khai, ứng dụng khoa học, thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học để đổi mới công nghệ sản xuất kết hợp bảo tồn bí quyết nghề truyền thống; sản xuất sản phẩm mới; cải tiến bao bì, nhãn mác; đăng ký nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc; chứng nhận chất lượng sản phẩm… Áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nghề truyền thống, làng nghề truyền thống để tăng năng suất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của địa phương, phát triển du lịch. Tăng cường hoạt động đào tạo nguồn nhân lực thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống cho cán bộ quản lý các cấp, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngành nghề, làng nghề, hợp tác xã, tổ hợp tác…

Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường cho sản phẩm làng nghề. Tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại làng nghề truyền thống tham gia hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại; xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm và mở rộng thị trường. Hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu, bán hàng trực tuyến; tham gia Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam. Ưu tiên thực hiện chính sách ưu đãi về vốn, khuyến khích, hỗ trợ đối với dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả tại làng nghề truyền thống, dự án bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, đất đai, mặt bằng sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề. Nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất cho nghề truyền thống, làng nghề truyền thống, đặc biệt là nguồn nguyên liệu không tái sinh của 2 nghề truyền thống là chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân và gốm cổ Bồ Bát; nguồn nguyên liệu cho nghề chế biến cói trong điều kiện diện tích trồng cói gần như không còn. Hỗ trợ chủ thể sản xuất tại cơ sở nghề truyền thống, làng nghề truyền thống tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Nét mới trong bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống theo Kế hoạch số 74 của UBND tỉnh đó là Ninh Bình đề ra các giải pháp phát triển làng nghề bền vững gắn với hoạt động văn hóa, du lịch nhằm phát huy các giá trị, tinh hoa văn hóa của làng nghề, gắn kết sự phát triển làng nghề với hoạt động du lịch. Trong đó chú trọng đẩy mạnh phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống gắn với lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh như: Lễ hội Hoa Lư; Lễ hội Đền Thái Vi; Lễ hội Chùa Bái Đính; Lễ hội Tràng An; Lễ hội giáng sinh nhà thờ đá Phát Diệm. Thông qua lễ hội truyền thống của địa phương, các nghề, làng nghề, đặc biệt là nghề truyền thống được duy trì, phát triển tạo nên nét văn hóa đặc sắc thu hút khách du lịch tham quan và trải nghiệm.

Tỉnh cũng đặc biệt chú trọng xây dựng không gian truyền thống trong nghề truyền thống, làng nghề truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm của khách du lịch, bảo tồn di tích lịch sử làng nghề như: Nhà thờ tổ nghề; Trung tâm bảo tồn và phát triển nghề; khu trưng bày giới thiệu sản phẩm; khu trình diễn hoạt động sản xuất sản phẩm...

Cùng với đó, tập trung xây dựng các tuyến du lịch gắn với nghề truyền thống, làng nghề truyền thống như: Tuyến du lịch Tam Cốc, Bích Động, Thung Nham, Cố đô Hoa Lư gắn với tham quan làng nghề truyền thống thêu ren Văn Lâm và các làng nghề chế tác đá mỹ nghệ Ninh Vân; Tuyến du lịch sinh thái Vân Long, Tràng An, Bái Đính với các làng nghề trên địa bàn huyện Gia Viễn; tham quan và trải nghiệm Rừng Quốc gia Cúc Phương với các làng nghề trên địa bàn huyện Nho Quan; Khu du lịch hồ Yên Thắng, sân golf Hoàng Gia với trải nghiệm nghề gốm cổ Bồ Bát; các làng nghề cói trên địa bàn huyện Kim Sơn kết hợp tham quan Nhà thờ đá Phát Diệm, khu du lịch Cồn Nổi.

Cũng theo ông Phạm Mạnh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, về mặt chủ trương, chính sách đã có nhưng để làng nghề thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế nông thôn rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, đặc biệt là chính quyền các địa phương trong việc triển khai có hiệu quả giải pháp nhằm đánh thức tiềm năng của làng nghề, nhất là tiềm năng, giá trị về văn hóa, lịch sử. Đồng thời, cần tuyên truyền đến mỗi người dân để nhận thức đúng và đủ về phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống gắn với văn hóa, du lịch - là giải pháp tạo việc làm, đảm bảo sinh kế, nâng cao thu nhập và bảo tồn giá trị văn hóa làng nghề địa phương.

Bài, ảnh: Hồng Giang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/khoi-day-tiem-nang-phat-trien-tu-cac-lang-nghe-ky-3-tim-giai/d20230629093750161.htm