KHOAN SỨC DÂN VÀ 'BÀI TOÁN' NGÂN SÁCH

Chính phủ vừa có chỉ đạo chưa tăng các loại thuế, phí từ nay đến cuối năm. Bên cạnh đó, tại phiên họp mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường, trong đó có khung thuế suất với mặt hàng xăng dầu chưa được nhất trí xem xét, bởi mặt hàng thiết yếu này ảnh hưởng trực tiếp đến đầu vào của doanh nghiệp và chi tiêu của người dân.

Việc không tăng thuế, phí sẽ khiến vấn đề bảo đảm thu ngân sách Nhà nước gặp nhiều khó khăn do một số nguồn thu truyền thống, như thu từ xuất khẩu dầu thô chưa được cải thiện vì giá dầu thế giới đang ở mức tương đối thấp. Tuy nhiên, đây là giải pháp thiết thực nhằm giảm chi phí, hỗ trợ cho phát triển sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế đất nước.

Thời gian qua, nhất là từ nửa sau năm 2017, với sự điều hành chủ động, linh hoạt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và nỗ lực của toàn xã hội, kinh tế nước ta có những bước khởi sắc rõ rệt. Tăng trưởng kinh tế đạt ở mức khá, đó là cơ sở quan trọng để Chính phủ kiên định mục tiêu đạt tăng trưởng GDP cả năm 2017 ở mức 6,7%. Chính phủ xác định năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp. Vì vậy, việc chưa xem xét tăng các loại thuế, phí vào thời điểm này chính là thêm trợ lực, giúp doanh nghiệp yên tâm phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp đà cho nền kinh tế trong những tháng cuối năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: qdnd.vn

Hiện nay, kinh tế đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, chưa kể những yếu tố khách quan như thiên tai tàn phá nặng nề. Các loại thuế, phí nếu được điều chỉnh vào thời gian cuối năm có thể tạo áp lực tăng giá, đẩy chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng cao, khiến năng lực cạnh tranh bị ảnh hưởng. Do vậy, đi cùng với quyết định chưa tăng thuế, phí, Chính phủ cũng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phấn đấu tiếp tục giảm 0,5% lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm 2017, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm đạt khoảng 21% để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Điều này đã thật sự tiếp sức cho người dân, doanh nghiệp trong chặng “nước rút” để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2017. Xét về lâu dài, cùng với việc rà soát, loại bỏ những thủ tục hành chính phiền hà, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, thì các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô thông qua chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ sẽ giúp nền kinh tế hướng đến những bước phát triển nhanh, bền vững, chú trọng chất lượng, hiệu quả.

Hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp là một trong những cách thức nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Hiện nay, thuế là nguồn thu chính của ngân sách, từ đó có nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội... Việc bảo đảm cân đối thu, chi ngân sách Nhà nước luôn là yêu cầu hàng đầu được Chính phủ đặt ra trong công tác chỉ đạo, điều hành. Do vậy, cần thiết phải thu đúng, thu đủ các loại thuế, phí, chống trốn thuế, thất thu thuế. Trên thực tế, bên cạnh các doanh nghiệp làm ăn chân chính, vẫn còn không ít “công ty ma” được dựng nên để tìm mọi cách gian lận thuế. Thực tế này cần được xử lý nghiêm minh và sớm loại bỏ thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Trong bối cảnh nguồn thu từ thuế, phí không có biến động, để thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính, ngân sách, ngoài việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu, triệt để tiết kiệm chi theo chỉ đạo của Chính phủ, thì những dự án, công trình được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước phải bảo đảm thật sự thiết thực, hiệu quả, với chi phí thấp nhất; bộ máy hành chính Nhà nước cũng cần tiếp tục tinh gọn, trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức phải được nâng cao. Có như vậy, mỗi đồng thuế, phí mà người dân, doanh nghiệp đóng góp mới thực sự phát huy hiệu quả, phục vụ tốt cho sự phát triển của đất nước, của cộng đồng xã hội.

ĐỖ MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/khoan-suc-dan-va-bai-toan-ngan-sach-518085