Khó như muốn... học đúp

Chuyện em học sinh lớp 6 bị trả về lớp 1 vì chưa biết đọc ở Sóc Trăng khiến dư luận không khỏi lo lắng về chất lượng giáo dục dù đây không còn coi là chuyện lạ.

Khi sự việc được báo chí đăng tải, nhiều người mới biết, dù mẹ em học sinh đã biết rõ con mình học kém nhưng không thể cho con mình đúp lại (lưu ban) để học lại cho đạt. Phụ huynh đã đề bạt với giáo viên, nhà trường nhưng rồi con mình vẫn “phải” lên lớp và cuối cùng câu chuyện học sinh bị trả về lớp 1 như giọt nước làm tràn ly. Em học sinh giờ đây vì xấu hổ đã bỏ học, gia đình cũng đau xót vì em không còn theo con đường học tập, các thầy cô giáo và nhà trường cũng bị nhiều tai tiếng...

Những năm 1990 trở về trước, việc bị đúp là nỗi ám ảnh của nhiều học sinh, nhưng không vì thế mà việc học đúp ít đi, ngược lại nó là chuyện bình thường. Học sinh cứ học kém là bị lưu ban, giáo viên ít bị liên lụy nên chất lượng thực của việc học được thể hiện rõ. Còn nay, điều gì khiến việc lên lớp dễ hơn xin đúp lại? Như nhiều nhà giáo, chuyên gia đã phân tích, “thủ phạm” là bệnh thành tích trong ngành Giáo dục. Giáo viên bị áp lực về tỷ lệ học sinh học giỏi; tỷ lệ lên lớp..., trong khi việc đánh giá chất lượng thì bị buông lỏng nên những con số ảo, “phong trào” ngồi nhầm lớp nở rộ. Còn nhớ, hiện tượng ngồi nhầm lớp đã từng được nêu rõ nhiều năm trước đây. Khoảng năm 2007, một số tỉnh đã khảo sát ở diện hẹp và phát hiện hàng nghìn học sinh đang ngồi nhầm lớp. Nhưng rồi sau đó, một số ít địa phương đã tổ chức dạy lại cho học sinh kém này, còn nhiều nơi chỉ khảo sát xong rồi... im lặng.

Nạn nhân của bệnh thành tích trong nhà trường không chỉ là những học sinh đáng thương mà còn là chính các thầy cô giáo và cả nhà trường. Tiếp sau đó, hệ lụy còn là những công dân mới thiếu hụt tri thức, những lao động trẻ của đất nước kém về tay nghề... Xét cho cùng, với phần đa nhà giáo tâm huyết với nghề, họ không mong muốn những học trò của mình phải ngồi nhầm lớp, nhưng những quy chế, quy định trong nhà trường là những áp lực khiến các giáo viên phải ép học sinh lên lớp.

Nhìn thẳng thực tế, ngành Giáo dục chưa quyết liệt tìm giải pháp để xóa bỏ tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp, xóa bỏ bệnh thành tích trong nhà trường. Khi căn bệnh còn thì những nạn nhân vẫn tiếp tục và gây gánh nặng cho xã hội và đất nước.

Nhìn rộng ra, bệnh thành tích không chỉ có trong ngành Giáo dục mà nó đang hiện diện ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác.

Hiệp Hòa

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/kho-nhu-muon-hoc-dup.aspx