Khó khăn trong việc nâng cao chất lượng nước sinh hoạt ở nông thôn

Tính đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 839 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Tỷ lệ hộ nông thôn, vùng cao sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%.

Kiểm tra hệ thống cung cấp nước sinh hoạt nông thôn.

Ðể nâng cao hơn nữa chất lượng sống của người dân vùng nông thôn, giải quyết triệt để những bệnh lý thông thường do sử dụng nguồn nước chưa đạt chuẩn, ngày 8/3/2022, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 318 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, trong đó nhấn mạnh và nâng chỉ tiêu tỷ lệ người dân nông thôn được dùng nước sạch đạt quy chuẩn. Theo đó, khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, tỷ lệ dân được dùng nước sạch ở các xã không thuộc khu vực III tối thiểu là 30% (trong đó từ 10% trở lên cung cấp bởi hệ thống cấp nước tập trung), các xã khu vực III tối thiểu là 20% (trong đó từ 10% trở lên cung cấp bởi hệ thống cấp nước tập trung).

Tuy nhiên, thực tế cho thấy người dân nông thôn, vùng cao trong tỉnh rất khó tiếp cận nước sạch đạt quy chuẩn do không có các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung có hệ thống xử lý nước đạt chuẩn. Thành ra với bộ tiêu chí mới, khu vực nông thôn, vùng cao (kể cả các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới) sẽ không đạt và những xã đang phấn đấu “về đích” nông thôn mới lại càng khó khăn để đạt chuẩn.

Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu đầu tư các công trình nước sạch tập trung ở nông thôn, vùng cao rất lớn nhưng nguồn lực của Nhà nước có hạn, dẫn đến nhiều công trình đầu tư chậm khai thác, ít hiệu quả, dừng hoạt động do hỏng, gây lãng phí lớn. Bên cạnh đó, đặc thù nhiều vùng nông thôn có địa bàn dân cư thưa, phân tán nên chi phí đầu tư lớn, khó thu hút đầu tư tư nhân.

Người dân vùng cao được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Ông Phạm Đức Dũng, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết: Nhằm khắc phục những khó khăn nêu trên, hướng tới đạt tỷ lệ người dân xã nông thôn mới được sử dụng nước sạch, các địa phương cần rà soát, điều chỉnh và cập nhật nội dung cấp nước sạch nông thôn vào quy hoạch nông thôn, bảo đảm cấp nước sinh hoạt nông thôn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, suy thoái nguồn nước.

Hỗ trợ đầu tư một số mô hình cấp nước sạch tại các vùng đặc thù, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước. Các địa phương cần sửa chữa, nâng cấp, mở rộng công trình cấp nước sạch tập trung đã có, trong đó chú trọng nâng cấp công nghệ xử lý chất lượng nước, nâng công suất, mở rộng mạng lưới cấp nước, ổn định nguồn nước khai thác trong điều kiện ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/365657-kho-khan-trong-viec-nang-cao-chat-luong-nuoc-sinh-hoat-o-nong-thon