'Kho báu xanh' Nàn Sín

Từ trung tâm Si Ma Cai, đi vào xã Sín Chéng rồi cứ thế ngược dốc 20 km trên cung đường quanh co lên đỉnh núi, chúng tôi mới tới được Nàn Sín - xã xa xôi, khó khăn nhất huyện biên giới Si Ma Cai. Nàn Sín nằm ở độ cao khoảng 1.600 m so với mực nước biển, được ví như Sa Pa của vùng đất này vì phong cảnh nên thơ, khí hậu mát mẻ, đặc biệt là có vô số sản vật tự nhiên được ví như 'kho báu xanh' ít người biết tới.

Ngắm đào đông, chờ xuân tới

Những cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi là “kho báu xanh” Nàn Sín.

Ngày cuối năm, tôi bấm điện thoại gọi cho chị Bùi Thị Chung để hỏi tình hình thời tiết, đường lên Nàn Sín vì đã mấy lần lỡ hẹn lên xã xa nhất Si Ma Cai do mưa gió, sương mù. Qua điện thoại, giọng Chủ tịch UBND xã Nàn Sín sang sảng: Anh lên Nàn Sín đi, hôm nay đang nắng đẹp lắm! Lên đây ngắm đào đông đang khoe sắc rực rỡ nhé!

Nghe chị Chung nói, tôi phấn chấn lên đường, nhưng trong lòng cứ băn khoăn tự hỏi sao cữ này ở Nàn Sín hoa đào đã nở? Hỏi đi hỏi lại nhưng Chủ tịch UBND xã Nàn Sín chỉ nói là đào đông, không phải hoa đào thường, lại còn dặn anh lên viết bài nhớ giữ bí mật cây này, sợ lộ ra người ta đến đào mất, nên tôi càng tò mò hơn.

Đến Nàn Sín khi đã quá trưa, chị Chung cùng một số cán bộ xã đưa chúng tôi ngược dốc lên phía đỉnh núi cao nhất xã. Điều bất ngờ là giữa những đỉnh núi cao lại có một bình nguyên bằng phẳng rộng như sân bay đầy cỏ dại và cây bụi. Chỉ tay về phía những bụi cây thân màu trắng mốc cao 1 - 2 m, trên cành đầy hoa màu đỏ thắm, Chủ tịch UBND xã Nàn Sín bảo đây chính là cây đào đông, bà con vẫn gọi là cây hồng táo, hoặc táo gai. Năm nay, cây này được nhiều người săn lùng làm cây cảnh hoặc cắm trong nhà vì màu sắc, dáng cây rất đẹp, được cho là đem lại tài lộc, may mắn.

Tôi lại gần quan sát, hóa ra màu đỏ kia không phải là hoa, mà là những chùm quả chi chít mọc ra từ thân, cành của cây làm cho nó đỏ rực từ gốc tới ngọn. Quả đào đông chỉ nhỏ như đầu đũa, căng mọng như quả táo, ăn vào có vị chua chua, ngòn ngọt. Ngắm kỹ những cây đào đông đang khoe sắc, tôi nhớ lại thời gian gần đây, cây đào đông tạo nên “cơn sốt” trên mạng xã hội. Từ một vài hình ảnh bình đào đông cắm trong nhà, phong trào “chơi đào đông, chờ xuân tới” bỗng chốc nở rộ trước Tết. Mỗi cành đào đông lấy trên núi về thành phố có giá từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng. Có cây đào đông có thế và quả đẹp giá 1 - 2 triệu đồng.

“Đào đông là loại cây đặc hữu của xã Nàn Sín. Tuy không phải loại cây trong sách đỏ, nhưng đào đông có giá trị về cảnh quan, đa dạng sinh học. Trong thời gian tới, xã muốn bảo tồn và nhân giống loại cây này làm điểm nhấn phát triển du lịch sinh thái, thu hút du khách”, chị Bùi Thị Chung chia sẻ.

“Kho báu xanh” ở Nàn Sín

Vùng cao Nàn Sín có những cây đào đông quả đỏ rực rỡ.

Đến với mảnh đất xa xôi nhất huyện Si Ma Cai, điều khiến chúng tôi bất ngờ là nơi đây không chỉ có đào đông mà còn có cả “kho báu xanh” ít người biết tới. Trong chuyến đi ngược núi, chúng tôi được các cán bộ xã Nàn Sín đưa đi “mục sở thị” những cây chè cổ thụ. Thật khó tin là trên đỉnh núi này lại có những cây chè thân đầy rêu mốc, to như cột đình, một người ôm không hết, tán lá sum suê. Từ các cành chè mọc ra những búp non phủ một lớp lông tơ trắng như tuyết. Tôi nếm thử vài búp trà thấy có vị ngòn ngọn, chan chát, nhưng sau cùng đọng lại vị ngọt nơi cuống lưỡi.

Anh bạn đồng nghiệp đi cùng tôi khá sành về các loại chè bảo, đây là cây chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm năm tuổi rất hiếm. Từ búp trà này có thể chế biến thành nhiều loại trà đặc sản như bạch trà, hồng trà… Ngày tết mà có ấm trà cổ thụ tiếp khách thì không gì bằng. Được biết, ở Nàn Sín vẫn còn khoảng 300 cây chè Shan tuyết cổ thụ, đúng là “kho báu” mà nhiều nơi mơ ước.

Vùng đất Nàn Sín đem đến cho chúng tôi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ngay ven đường gần các thôn, mùa này, cây bạc hà đang ra hoa tím biếc, gọi từng đàn ong về lấy mật. Mật ong bạc hà hiện có giá đắt nhất trên thị trường vì có vị thơm ngon đặc biệt, cũng là loại thuốc quý, nhiều chất bổ dưỡng. Nàn Sín còn có rừng cây óc chó đến mùa quả sai trĩu và nhiều loài cây ăn quả ôn đới như lê, mận, đào. Đặc biệt, mấy năm qua, đồng bào người Mông trồng được gần 90 ha lê Tai nung, mận Tả Van, 4 ha quýt ngọt ở các thôn Nàn Sín, Giàng Chá Chải…

Chúng tôi chia tay Nàn Sín khi mặt trời chiếu những tia nắng chiều xuống thảo nguyên, làm rực lên màu đỏ của những cây đào đông trĩu quả rung rinh trong gió lạnh. Mấy cán bộ xã bảo tết này mời anh lên Nàn Sín chơi, ngắm đào đông, uống trà cổ thụ đón xuân về. Nàn Sín xa xôi với “kho báu xanh” ít nơi có được nhưng vẫn đang là “nàng công chúa ngủ trong rừng” ít người biết tới. Mong rằng trong mùa xuân mới, “nàng công chúa” ấy sẽ được đánh thức, những tiềm năng, lợi thế của vùng đất này sẽ được khai thác hiệu quả, giúp gần 500 hộ đồng bào Mông nơi đây có cuộc sống ấm no.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/352821-kho-bau-xanh-nan-sin