Kho báu của then Tày

Năm nay, ở tuổi 74, được Nhà nước công nhận nghệ nhân dân gian hát then Tày năm 2003, bà Hoàng Thị Cứ (bản Nặm Khào, Vĩnh Yên, Bảo Yên, Lào Cai) hàng ngày vẫn luyến láy cây đàn tính với lời hát đầm ấm để truyền dạy cho thế hệ sau. Với bà, được hát then mỗi ngày là niềm vui lớn nhất lúc tuổi già, chỉ mong sao trước khi bà qua đời thì hàng trăm câu hát, bài hát được truyền lại hết cho con cháu. Bà Cứ được người dân nơi đây quen gọi là người lưu giữ “kho báu” của then Tày.

Gian nan giữ lửa cho then Tày Từ trung tâm thị trấn Phố Ràng, Bảo Yên, chúng tôi ngược dòng sông Chảy khoảng 30km về phía đông của huyện, đến xã Vĩnh Yên. Nơi đây được coi là một vùng văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc nhất huyện, với những ngôi nhà sàn san sát, tạo nên sự yên lành của một vùng quê thuần nông. Đang ngắm nhìn những ngôi nhà sàn nằm trên những quả đồi bao quanh cánh đồng lúa xanh mướt, chúng tôi bất ngờ trước một giọng hát thanh cao cùng tiếng nhạc véo von cất lên trong ngôi nhà sàn bên kia cánh đồng. Hỏi người dân trong bản mới biết đó là giọng hát của bà Hoàng Thị Cứ, người được coi là kho báu của những làn điệu then Tày. Bà Cứ cùng Tấm bằng công nhận nghệ nhân dân gian. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn năm gian hai trái là một cụ già với khuôn mặt phúc hậu, mái tóc đang ngả dần sang màu bạc, khoác trên mình bộ váy áo của dân tộc Tày. Trong sự đón chào niềm nở, bà Cứ kể cho chúng tôi nghe về một thời gian nan giữ lại làn điệu then Tày: “Hát then là một loại hình văn hóa lâu đời của nhân dân các dân tộc vùng Tây Bắc nói chung và của xã Vĩnh Yên nói riêng, từ lúc tôi 6 tuổi, trong bản có lễ hội hay nhà nào cúng bái tôi đều đòi mẹ đi bằng được để nghe then, hồi nhỏ tôi mê then lắm, hơn nữa tôi lại học thuộc, lấy giọng rất nhanh. Hát then không biết có nguồn gốc xuất xứ từ thời gian nào, chỉ biết là nó tồn tại lâu đời trong đời sống xã hội. Hát then không những là loại hình văn hóa, văn nghệ đặc sắc mà còn gắn một phần tâm linh trong đời sống xã hội. Cách đây gần 50 năm, nhiều nơi nhân dân các dân tộc còn lạm dụng việc hát then để làm những điều nhảm nhí như: gọi hồn, xem bói, giải hạn... mà ta thường gọi là mê tín dị đoan nên bị cấm hát, lúc đó mỗi dịp ra đồng tôi lại trộm hát, nếu một ngày không hát là tôi không chịu được”. Hát then là loại hình văn hóa phi vật thể vừa mang tính động, hàm chứa tính nhân văn cao, mang âm hưởng của loại hình văn hóa dân gian và gắn liền với bản sắc dân tộc. Đứng trước nguy cơ của việc văn hóa, văn nghệ dân gian đang dần bị mai một, Đảng và Nhà nước đã coi trọng công tác giữ gìn và phát huy bản sác văn hóa VN, văn hóa các dân tộc thiểu số. Vì vậy công tác sưu tầm, bảo tồn và phát triển hát then đang được đông đảo dân chúng đón nhận và lưu giữ. Hát then là một loại hình văn hóa phi vật thể tồn tại lâu đời, nó được lưu truyền trong đời sống xã hội và lưu giữ qua nhiều thế hệ. Hiện nay, hát then đang được ngành văn hóa quan tâm bảo tồn và phát huy những giá trị quý giá của nó. Ông Ma Thanh Sợi, nghệ nhân dân gian sưu tầm văn hóa dân tộc Tày, người đã nhiều năm nghiên cứu làn điệu hát then Tày cho biết: “ Hát then là một loại hình văn hóa nghệ thuật đã có từ thời xa xưa, hiện nay trong huyện Bảo Yên có rất ít người còn lưu giữ được, bà Hoàng Thị Cứ là người duy nhất còn giữ gìn và phát huy được những làn điệu then nguyên bản”. Nhờ việc lưu giữ và không ngừng phát huy làn điệu then Tày, nắm giữ giọng khắp trong trẻo, véo von, thuộc và hát hay nhiều làn điệu then Tày nhất, bà Hoàng Thị Cứ đã nhiều lần được đi giao lưu văn hóa văn nghệ với các tỉnh thành phố như: Hà Nội, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên... Đi đến đâu bà cũng được mọi người kính phục và nhận được rất nhiều lời khen. Với tất cả sự say mê, nỗ lực, ước nguyện gìn giữ và phát huy một loại hình nghệ thuật then, nghệ nhân Hoàng Thị Cứ đã và đang góp phần làm tươi mới, sinh động hình thức sinh hoạt truyền thống của loại hình nghệ thuật này. Truyền lại cho đời sau Giữa bộn bề cuộc sống vất vả mưu sinh, bà Cứ vẫn dành thời gian đắm mình với những điệu then và truyền dạy cho thế hệ sau. Hát then tại xã Vĩnh Yên đang có sức lan tỏa mạnh trong đời sống nhân dân, nhất là các cụ cao tuổi. Hiện nay các buổi liên hoan, ngày lễ, ngày hội văn hóa các dân tộc, các chương trình ca nhạc của xã... đều có các tiết mục hát then. Phong trào dạy hát then, học hát then của câu lạc bộ hát then xã Vĩnh Yên do bà Hoàng Thị Cứ làm chủ nhiệm bắt đầu thu hút được sự chú ý của nhiều tầng lớp nhân dân trong xã hội, dưới các hình thức truyền dạy theo câu lạc bộ, lớp học. Hiện nay bà Cứ đang dạy cho một lớp trung tuổi gồm 30 người và một lớp cho thiếu nhi hơn 10 người, đều là người trong xã, bà Cứ cho biết “ Để có thể hát được then thì khó khăn nhất là khắp, lấy giọng. Để mọi người học tốt tôi đã chép cho mỗi người một bản mang về nhà học thuộc, ngoài ra tôi còn dạy họ đàn và múa nữa”. Chị Ma Thị Mai, một thành viên trong câu lạc bộ cho biết “ Ban ngày chúng tôi đi làm, những lúc nghỉ ngơi lại túm năm tụm bảy vào hát vui lắm, tất cả đều nhờ công truyền dạy của bà Cứ, hiện nay trong xã tôi hầu như ai cũng biết một vài câu hát then, vào các dịp lễ hội hay đám cưới, đám hỏi ai cũng hát”. Để tiện cho việc học hát then của các cháu nhỏ, bà thường mở lớp dạy vào các tối thứ bảy và chủ nhật, còn những người ở độ tuổi trung niên thì tối nào bà cũng dạy. Trong những năm gần đây bà còn tập trung vào sáng tác ra một số làn điệu mới liên quan đến công việc của bà con nông dân như: dựng nhà mới, đi đón dâu, bắc cây cầu mới... Để bọn trẻ có thể hát mọi lúc mọi nơi bà sáng tác làn điệu “Đi chăn trâu”, có thể dùng cây hoặc đá đập vào nhau để tạo tiếng nhạc thay cho cây đàn tính. Trong số những người bà truyền dạy, bà tâm đắc nhất là cháu nội Hoàng Văn Thụy, năm nay 12 tuổi và cháu Lương Văn Quang, cả hai cháu đều biết hát và đi tham dự các cuộc thi hát then do huyện, xã tổ chức từ năm 7 tuổi. Với những thành tích to lớn, câu lạc bộ hát then xã Vĩnh Yên đã được Sở văn hóa thông tin tỉnh Lào Cai tặng một dàn nhạc gồm 6 cây đàn tính và nhiều giấy khen khác. Riêng bà Hoàng Thị Cứ đã vinh dự được Hội văn nghệ dân gian VN tặng Bằng công nhận nghệ nhân dân gian vào năm 2003 và được giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tặng giấy khen năm 2009 vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong việc đóng góp vào sự phát triển văn hóa thê thao và du lịch của tỉnh. Hoàng Văn Chiên

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/201009251057369p15c94/kho-bau-cua-then-tay.htm