Kho bạc Nhà nước Bình Thuận từng bước hiện thực hóa mô hình 'Kho bạc 3 không'

Thực hiện mô hình 'Kho bạc 3 không' theo Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2030, KBNN Bình Thuận nỗ lực cải cách, hiện đại hóa các khâu nghiệp vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng đến giao dịch.

KBNN Bình Thuận nỗ lực để hướng tới hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động kho bạc.

Trong mô hình 3 không (không giao dịch bằng tiền mặt, không khách hàng giao dịch trực tiếp, không chứng từ giấy), KBNN Bình Thuận xác định việc thanh toán không dùng tiền mặt chính là bước đi đầu tiên. Thực hiện phương thức thanh toán này giúp tiết kiệm chi phí và thời gian, đảm bảo an toàn chính xác, giảm thiểu rủi ro trong công tác quản lý.

Theo đó, KBNN Bình Thuận đã triển khai thực hiện ký kết thỏa thuận về quy trình phối hợp thu ngân sách nhà nước và thanh toán song phương điện tử giữa KBNN với các ngân hàng thương mại. Đồng thời, hệ thống KBNN cũng tiếp tục hoàn thiện kết nối liên thông giữa các hệ thống, chương trình cơ quan Thuế, Hải quan, Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng quốc gia (IPBS)…

Hiện nay, tại trụ sở làm việc của 9 KBNN huyện, thị xã và trụ sở KBNN Bình Thuận đã không còn giao dịch thu, chi bằng tiền mặt, toàn bộ hoạt động thu, chi NSNN qua hệ thống KBNN đều được thực hiện dưới hình thức thanh toán điện tử.

Về mục tiêu không khách hàng giao dịch trực tiếp, không chứng từ giấy, KBNN Bình Thuận thực hiện giao dịch trên Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của kho bạc. Do đó, các đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện gửi hồ sơ điện tử mà không phải trực tiếp đến trụ sở kho bạc để gửi hồ sơ giấy như trước đây.

2023 là năm thứ 4, KBNN Bình Thuận triển khai DVCTT mức độ 4. Sau 4 năm thực hiện, 100% đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn tỉnh đã tham gia DVCTT khi giao dịch với kho bạc (trừ khối an ninh - quốc phòng). Đồng thời, có 360.000 hồ sơ được tiếp nhận và xử lý qua DVCTT. Các hoạt động giao dịch của KBNN được triển khai 24/7 gồm cả ngày nghỉ, lễ với số lượng giao dịch chi NSNN qua dịch vụ công đạt 100%, bình quân mỗi tháng có 30.000 chứng từ được tiếp nhận và kiểm soát chi qua DVCTT.

Đặc biệt, năm 2023, KBNN Bình Thuận đã triển khai thành công thanh toán tự động với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông. Hóa đơn dịch vụ của tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách ủy quyền cho KBNN Ninh Thuận đều được đơn vị thực hiện thanh toán trực tiếp với các nhà cung cấp.

Thực hiện các quy định về cải cách trong công tác kiểm soát chi ngân sách, KBNN Bình Thuận đã thực hiện rút ngắn thời gian giao dịch từ 1 ngày làm việc với rất nhiều người tham gia kiểm soát xuống còn khoảng từ 30 phút đến 60 phút và không cần con người can thiệp. Nguồn lực con người được chuyển từ thực thi sang kiểm tra, đối soát. Đây cũng là tiền đề để KBNN Bình Thuận chuyển từ nhiệm vụ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.

Có thể thấy, thời gian qua, KBNN Bình Thuận đã nỗ lực để hướng tới hiện đại hóa, chuyên nghiệp hóa hoạt động kho bạc. Tuy nhiên, việc thực hiện theo đúng mục tiêu “Kho bạc 3 không” không chỉ cần nỗ lực từ phía các đơn vị của KBNN mà cần sự phối hợp đồng bộ của các đơn vị sử dụng ngân sách, để cùng hướng tới mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Huy Nguyễn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/kho-bac-nha-nuoc-binh-thuan-tung-buoc-hien-thuc-hoa-mo-hinh-kho-bac-3-khong.html