Khi thư ký, trợ lý 'vào lò'

Từ những đại án đã và sắp xét xử, bỗng hiện ra rõ rệt chân dung và sự 'lợi hại' của một bộ phận từng là trợ lý, thư ký cho một số cựu cán bộ lãnh đạo liên quan.

Trong vụ "chuyến bay giải cứu", Phạm Trung Kiên, cựu thư ký giúp việc cho một Thứ trưởng Bộ Y tế có tới 253 lần nhận hối lộ với tổng số tiền 42,6 tỷ đồng, lãnh án chung thân. Diễn biến phiên tòa cho thấy, thư ký Kiên trắng trợn mặc sức sách nhiễu, ra giá ép buộc các doanh nghiệp thực hiện các chuyến bay giải cứu phải chung chi với giá cắt cổ. Thậm chí còn chụp ảnh gửi doanh nghiệp giấy tờ có chữ ký của sếp, kèm yêu cầu: Đã ký rồi, phải chi tiền mới có dấu!

Cũng trong vụ này, Nguyễn Quang Linh, trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực bị tuyên án 7 năm tù về tội nhận hối lộ 4,2 tỷ đồng. Biện bạch tại tòa, cựu trợ lý này cho rằng cứ tưởng đây là "tiền cám ơn của doanh nghiệp do mình làm tốt công việc"!

Nguyễn Huỳnh, cựu thư ký của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cả hai đều là bị can trong đại án kit test Việt Á vừa bị đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ. Thư ký Huỳnh trở thành "con thoi" liên tục nhận và chuyển tiền được hối lộ cho sếp trực tiếp của mình với tổng số tiền 2,25 triệu USD. Riêng phần mình thư ký này bỏ túi 4 tỷ đồng. Trong vụ này, Nguyễn Văn Trịnh, cựu trợ lý Phó Thủ tướng bị đề nghị truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Ông Trịnh bị cáo buộc là đã có những hành vi giới thiệu, can thiệp để kit test Việt Á được phép lưu hành, tiêu thụ, cũng như Việt Á bán được 200 ngàn kit xét nghiệm cho Bộ Y tế với giá gấp hơn 3 lần giá trị thực. Đổi lại, ông Trịnh được nhận 200.000 USD (hơn 4,5 tỷ đồng) từ Việt Á.

Trợ lý, thư ký – theo từ nguyên thời xưa, là người phụ tá, hoặc người coi sóc việc sổ sách, ghi chép. Còn giờ đây thời hiện đại, đã có những đòi hỏi cụ thể và nghiêm ngặt hơn nhiều. Theo Quy định số 30-QĐ/TW ngày 19/8/2021 của Bộ Chính trị, cũng như nhiều quy chế, quy định liên quan, đã đặt ra tiêu chuẩn, điều kiện, nhiệm vụ, quyền hạn, quy trình bổ nhiệm, cũng như chính sách, chế độ đối với các chức danh trợ lý và thư ký. Nhưng vẫn có những phụ tá, người coi sóc sổ sách, lịch làm việc dám "qua mặt" lãnh đạo trực tiếp của mình để tham ô tiền tỷ như trong những đại án vừa qua. Do cơ chế xin - cho còn quá nặng nề, hay sự chủ quan, buông lỏng quản lý, giám sát của lãnh đạo với chính những "cánh tay" thân cận nhất, sát sườn nhất của mình?

Rõ ràng, việc hàng loạt những trợ lý, thư ký cho lãnh đạo cao cấp phải "vào lò" chỉ trong hai vụ án kinh tế, chính là lời cảnh báo sâu sắc. Trước hết, với chính những người lãnh đạo. Cũng như cần thêm cơ chế chọn lọc, giám sát những nhân sự mắt xích này. Nếu không, sẽ không chỉ mất cán bộ, mà còn dẫn đến nguy cơ làm sai lệch những chỉ đạo quan trọng, làm lợi cho những nhóm lợi ích vốn đang chằng chịt giăng mắc khắp nơi.

TRÍ QUÂN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khi-thu-ky-tro-ly-vao-lo-post1563854.tpo