Khi thiên tai cộng hưởng nhân tai

Miền Trung đang phải hứng chịu trận lũ lớn trong lịch sử, đặc biệt cái họa lũ kép, lũ chồng lũ chỉ trong ít ngày đã khiến nhiều bà con kiệt quệ.

Miền Trung đang phải hứng chịu trận lũ lớn trong lịch sử, đặc biệt cái họa lũ kép, lũ chồng lũ chỉ trong ít ngày đã khiến nhiều bà con kiệt quệ. Người dân nhiều xã ở huyện miền núi Hương Khê, Hà Tĩnh, huyện Minh Hóa và một số xã vùng cao huyện Tuyên Hóa, Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình… phải chống chọi với 3 trận lũ lụt liên tiếp tràn qua. Lũ lụt, thiên tai, sự cố môi trường ở các tỉnh miền Trung đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động giảm nghèo, thậm chí nhiều hộ cận nghèo, vừa thoát nghèo chưa lâu nay lại đối mặt với cảnh tay trắng và tái nghèo trong nay mai.

Theo tin từ Phòng Trợ giúp đột xuất, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), đợt mưa, lũ lụt cuối tháng 10 vừa qua, 5 tỉnh miền Trung (Hà Tĩnh, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị) có 34 người chết, 2 người mất tích, 30 người bị thương, làm 26 nhà bị sập hoàn toàn; hơn 133.000 nhà bị ngập, tốc mái, hơn 3.400ha lúa bị hỏng, 11.840ha hoa màu bị ngập úng. Tổng thiệt hại ước tính lên tới gần 1.080 tỷ đồng.

Việc các hệ thống thủy điện, thủy lợi xả nước đã tạo sự cộng hưởng khiến lũ lụt hoành hành.

Hiện nay, lũ đã tạm ngưng, Chính phủ và các tỉnh thành đang nỗ lực hỗ trợ, cứu giúp những người dân đang còn mắc kẹt tại những điểm nước lũ chưa rút, cung cấp lương thực, nước sạch cho từng hộ dân. Điều đáng lo ngại chưa hẳn đã là cái ăn cái mặc hàng ngày, mà trước mắt cũng như lâu dài là vệ sinh môi trường, tránh dịch bệnh và ô nhiễm nguồn nước do rác thải, xác động vật… trôi nổi khắp nơi.

Những ngày này, đã có nhiều phân tích về nguyên nhân và giải pháp hạn chế những “rốn lũ” cho bà con. Vẫn biết, người dân miền Trung không lạ gì cảnh “Tháng Bảy nước nhảy lên bờ”. Bờ biển miền Trung dài 1.200km và gồm các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Dãy Trường Sơn chạy suốt theo bờ biển nên đồng bằng ở miền Trung rất hạn hẹp. Có nhiều sông tương đối lớn như sông Gianh ở Quảng Bình, sông Thạch Hãn ở Quảng Trị, sông Hương ở Thừa Thiên Huế, sông Thu Bồn ở Quảng Nam, sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi. Sông, suối nhiều nhưng chiều dài các sông đa số ngắn và có độ dốc lớn. Lưu vực các sông thường là đồi núi nên nước mưa đổ xuống rất nhanh. Các cửa sông lại hay bị bồi lấp làm cản trở việc thoát lũ cho vùng đồng bằng.

Ngoài nguyên nhân chính là các trận mưa bão ở miền thượng lưu cũng như ở đồng bằng còn có nhiều lý do thường được nhắc đến như nạn phá rừng, việc khai thác cát sỏi và hệ thống đê đập. Các cuộc nghiên cứu và điều tra đã chứng minh rằng nguyên nhân hàng đầu của lũ lụt là có quá nhiều mưa xảy ra trong một thời gian ngắn ngủi và việc phá rừng có thể ảnh hưởng quan trọng đối với lũ lụt trong các lưu vực hạn hẹp như ở miền Trung. Cây cối có khả năng giữ nước cũng như giảm thiểu việc đất đai sụt lở. Lượng nước lũ ở một vùng có nhiều cây cối sẽ ít hơn lượng nước lũ từ một vùng trơ trọi. Vì thế, nạn phá rừng có thể gia tăng mực nước ở các vùng hạ lưu. Việc khai thác bừa bãi cát sỏi ở các dòng sông cũng gia tăng mức độ của lũ lụt. Tình trạng này làm cho nhiều đoạn bờ sông bị sụt lở nghiêm trọng.

Nhà dân Quảng Bình ngập trong lũ.

Bên cạnh đó là những phân tích về ảnh hưởng từ thủy điện, thủy lợi xả lũ. Nếu không có đập thủy điện thì khi mưa xuống, nước sẽ chảy thành dòng theo các lòng trũng khe suối chảy dần ra sông, ra biển. Nhưng khi có đập thủy điện thì nó ngăn dòng nước lại tạo thành một khối nước lớn ở vị trí cao, đến khi nước đầy thì đập xả nước tạo thành dòng chảy mạnh. Dòng chảy này cộng với lượng nước mưa đã chảy thành dòng ở phía dưới đập, hợp lại tạo thành lưu lượng nước lớn gây lũ khiến người dân không kịp trở tay vì lũ về nhanh quá. Do đó, việc xây dựng và xả lũ của các đập rất cần tính toán khoa học về khoảng cách, mức độ, liều lượng hợp lý. Ngoài thủy điện thì các đập thủy lợi xả lũ vì sợ vỡ đập khi mưa lớn cũng đã làm người dân điêu đứng. Sở dĩ các hồ thủy điện, thủy lợi không chịu xả nước từ từ, trước mưa lũ để tránh thiệt hại cho người dân là do các ban quản lý của các thủy điện, thủy lợi luôn tính đến yếu tố lợi nhuận. Việc tích mức nước cao để đạt công suất cao, nhưng lại vội vàng khi nước về tràn trề đã cho thấy sự thiếu tính toán nghiêm ngặt.

Một nguyên nhân nữa cũng là tác nhân cộng hưởng cho sự hoành hành của lũ lụt là các công trình giao thông xây dựng bất hợp lý. Trong lũ, người ta đã thấy nhiều xã miền núi, vùng cao luôn bị lũ bao vây bốn phía, phần là do các tuyến đường giao thông tuyến tỉnh, tuyến huyện và đường liên xã. Điển hình là những nơi cùng một xã nhưng người dân bên quốc lộ này khô ráo, còn phía bên kia thì nước lũ ngập hơn cả mét.

Theo ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, chắc chắn sau đợt lũ lụt, thiên tai “kép” vừa qua ở miền Trung sẽ làm cho tỷ lệ hộ nghèo tăng cao bởi ranh giới giữa nghèo và cận nghèo rất mong manh, sẽ mất rất nhiều thời gian khôi phục cơ sở hạ tầng cũng như sản xuất ở các địa phương.

Sau khi ổn định đời sống cho bà con, việc xác định trách nhiệm trong vụ việc xả lũ của các đập thủy điện, thủy lợi cũng như các tác nhân quy hoạch giao thông khác là cần thiết, phải được xem xét nghiêm ngặt để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người dân miền Trung vốn lâu nay đã quá nhiều vất vả.

Bình An

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/khi-thien-tai-cong-huong-nhan-tai-n124761.html