Khí thế mới - Quyết tâm cao

Theo lộ trình, năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10 được đưa vào giảng dạy. Với quyết tâm bảo đảm chất lượng giáo dục bền vững, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực chuẩn bị điều kiện để triển khai thực hiện Chương trình một cách tốt nhất cả về cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị, nguồn nhân lực... sẵn sàng đón chào năm học mới với khí thế, quyết tâm cao.

Cô và trò Trường Tiểu học Gia Cẩm (thành phố Việt Trì).

Những thay đổi tích cực

Chương trình GDPT 2018 được thực hiện từ năm học 2020-2021 đối với học sinh lớp 1; năm học 2021-2022 triển khai với học sinh lớp 2, lớp 6 và năm học 2022-2023 được áp dụng đối với học sinh lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Sau hai năm học thực hiện, Chương trình GDPT mới có nhiều đổi mới về nội dung, môn học, thời gian học và phương pháp giảng dạy theo hướng vừa hình thành kiến thức vừa phát triển năng lực, phẩm chất người học, đồng thời phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của giáo viên (GV). Tuy nhiên, thời gian qua, tỉnh Phú Thọ triển khai Chương trình trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhất là nguồn kinh phí đầu tư tăng cường CSVC, trang thiết bị, các hoạt động giáo dục còn hạn hẹp; chưa huy động được nhiều nguồn kinh phí ngoài ngân sách để tăng cường đầu tư CSVC, trang thiết bị phục vụ dạy và học còn thiếu, không đồng bộ, chỉ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu. Màng lưới trường, lớp ở nhiều địa phương sau sáp nhập có quy mô số lớp vượt quá quy định gây nên nhiều khó khăn trong tổ chức các hoạt động giáo dục; số lượng học sinh/lớp của một số trường ở khu vực thành phố vượt quá so với quy định. Đội ngũ GV các trường phổ thông còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ nhất là ở những môn như Tin học, Ngoại ngữ, Công nghệ ở cấp tiểu học; môn Tin học ở cấp THCS...

Trong bối cảnh đó, để đảm bảo thực hiện Chương trình GDPT 2018 hiệu quả, UBND tỉnh đã ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch thực hiện kịp thời, phù hợp. Đặc biệt, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh lựa chọn sách giáo khoa lớp 1, lớp 2 và lớp 6 đúng quy trình, quy định, công khai, dân chủ; các bộ sách được lựa chọn đảm bảo các tiêu chí đề ra, có chất lượng cả về nội dung và hình thức, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; tổ chức biên soạn tài liệu Giáo dục địa phương lớp 2,3, 6,7,8, 9, 10 đảm bảo đúng tiến độ và chất lượng. Công tác xây dựng, duy trì trường đạt chuẩn Quốc gia có sự chỉ đạo quyết liệt gắn với các việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến nay, 88,6% trường học trên địa bàn đã đạt chuẩn Quốc gia. Cùng với đó, Sở GD&ĐT đã tập trung thực hiện tốt việc tinh giản chương trình theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT; đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học, gắn giáo dục nhà trường với thực tiễn cuộc sống. 100% các trường học thực hiện dạy học gắn kết giữa kiến thức được học với cuộc sống...

Trường Tiểu học Hương Lung, huyện Cẩm Khê chuẩn bị cơ sở vật chất đáp ứng Chương trình GDPT 2018 cho các khối lớp 1, lớp 2 và lớp 3.

Nhà giáo Ưu tú Phùng Quốc Lập - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT khẳng định: Kết thúc năm học 2021-2022, qua kiểm tra, đánh giá và qua báo cáo của các đơn vị thì GD&ĐT Phú Thọ đáp ứng được về năng lực, phẩm chất học sinh theo chương trình GDPT 2018; trong quá trình tổ chức triển khai, nhìn chung giáo viên được phân công tham gia đáp ứng được yêu cầu về năng lực và trách nhiệm; cơ sở vật chất thiết bị dạy học đã đáp ứng được nhu cầu tối thiểu. Về chất lượng GD&ĐT có những khởi sắc, giúp cho học sinh phát triển toàn diện, trong đó chú trọng phát triển phẩm chất và năng lực thể hiện thông qua các cuộc giao lưu, các cuộc thi, Phú Thọ nằm trong tốp 10 tỉnh, thành có chất lượng tốt nhất toàn quốc.

Sẵn sàng cho năm học mới

Huyện Cẩm Khê hiện có 86 trường từ mầm non đến THCS, trong đó có 31 trường tiểu học và 26 trường THCS. Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình GDPT 2018, đồng chí Bùi Ngọc Luận- Trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: Huyện tiếp tục ưu tiên bố trí đủ GV trong biên chế dạy các khối lớp thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhất là khối lớp 3 và lớp 7. Trong đó, bố trí 87 GV văn hóa và đủ GV dạy Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Giáo dục thể chất cho 87 lớp 3 trong năm học 2022-2023. Riêng đối với GV môn Công nghệ lớp 3 dự kiến phân công GV văn hóa thực hiện giảng dạy; 25 GV Tin học sẽ dạy đủ tiết theo quy định tại 31 trường tiểu học... Ngoài ra, Phòng GD&ĐT huyện thực hiện rà soát, đánh giá thực trạng quy mô, mạng lưới trường lớp, học sinh; nhu cầu CSVC, phòng học, phòng chức năng, thiết bị dạy học để sửa chữa, bổ sung kịp thời. Qua rà soát, tất cả các trường trên địa bàn huyện đều có tivi và lắp đặt mạng internet, có phòng máy vi tính đáp ứng nhu cầu dạy và học của bộ môn Ngoại ngữ, Tin học...

Năm học mới 2022-2023, huyện Yên Lập có 18 trường tiểu học, 17 trường THCS, một trường tiểu học và THCS. Đồng chí Nguyễn Hữu Khanh- Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện cho biết: Theo quy định, tỉ lệ GV dạy Chương trình GDPT 2018 cấp tiểu học phải đạt 1,5 GV/lớp, nhưng hiện nay toàn huyện mới đạt 1,34 GV/lớp; cấp THCS cơ cấu GV còn chưa đồng bộ, vẫn thiếu cục bộ GV ở một số bộ môn, một số thời điểm cụ thể; thiếu nguồn để tuyển dụng GV môn Tin học và Tiếng Anh ở cấp tiểu học và THCS; thiết bị dạy học theo Chương trình GDPT 2018 mua sắm, trang bị mới chưa đầy đủ, việc đầu tư kinh phí để chống xuống cấp trường, lớp còn hạn chế. Để tiếp tục thực hiện tốt Chương trình GDPT 2018, ngành giáo dục huyện Yên Lập đã và đang triển khai kế hoạch điều tiết GV nhằm đảm bảo đủ GV dạy chương trình mới ở các khối lớp 1,2,3 và 6,7. Phòng GD&ĐT phối hợp, chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn rà soát, tu sửa cơ sở vật chất trường, lớp học, sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ năm học mới, đặc biệt ưu tiên cho việc thực hiện chương trình GDPT mới... đảm bảo an toàn, đủ cho học sinh khi bước vào năm học.

Trường Tiểu học Hưng Long, huyện Yên Lập cải tạo cơ sở vật chất, cảnh quan trường lớp học để vào năm học mới.

Đến thời điểm này, ngành GD&ĐT sẵn sàng các điều kiện để triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 đúng lộ trình, kế hoạch. Trong đó, Sở GD&ĐT phối hợp với các huyện, thị, thành chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện kiểm tra, rà soát hiện trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện có để có phương án sắp xếp, bố trí, khai thác triệt để cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đảm bảo đủ phòng học cho các lớp và trang thiết bị phục vụ học tập cho năm học mới. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình trong các trường học, lập kế hoạch và thực hiện việc bảo trì công trình theo quy định. Xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn lực sửa chữa các công trình trường, lớp học đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Kiên quyết không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học đã hết niên hạn sử dụng, không đảm bảo an toàn theo quy định khi chưa được cải tạo, sửa chữa, nâng cấp. Chỉ đạo đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình đang thực hiện để kịp thời đưa vào sử dụng cho năm học mới. Ngoài các công trình mới, ngành cũng chỉ đạo các trường trang trí, tạo cảnh quan sư phạm thoáng mát, sạch đẹp để đón học sinh vào năm học mới…

Đến nay, toàn tỉnh đã và đang triển khai xây dựng, cải tạo sửa chữa 556 công trình phòng học, phòng chức năng, các công trình phụ trợ, trong đó: Mầm non 232 công trình, tiểu học 162 công trình, THCS 162 công trình và THPT đang thực hiện cải tạo năm nhà lớp học và xây dựng bổ sung hai nhà đa năng, hai nhà chức năng. CSVC trong các cấp, bậc học cơ bản đáp ứng năm học mới 2022-2023. Rà soát và phân công đội ngũ GV tiếp tục thực hiện Chương trình đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Trên cơ sở đó đề xuất với UBND tỉnh tiếp tục cho ngành Giáo dục được tuyển bổ sung số lượng GV còn thiếu đối với các cấp, ngành học (toàn tỉnh còn thiếu hơn 800 GV so với chỉ tiêu được giao trong năm 2022). Ngoài ra, Sở GD&ĐT đã phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Học viện quản lý giáo dục tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho 100% CBQL, GV thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo chương trình ETEP của Bộ GD&ĐT đảm bảo đúng quy định. Cùng với đó, chủ động phối hợp với các trường đại học sư phạm, các nhà xuất bản để tổ chức tập huấn bồi dưỡng cho GV sử dụng sách giáo khoa (SGK), đảm bảo 100% GV được tập huấn, bồi dưỡng trước khi thực hiện Chương trình SGK mới. Về SGK lớp 3, lớp 7 hiện đã được cung ứng cơ bản đến các cơ sở giáo dục; riêng đối với lớp 10 liên quan đến chọn tổ hợp môn học và chuyên đề học tập có sự thay đổi nên hiện nay các nhà trường đang xây dựng các tổ hợp cho học sinh lựa chọn, đăng ký...

Sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Bộ GD&ĐT, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành; sự chủ động, tích cực của ngành Giáo dục và các địa phương đã và đang là tiền đề vững chắc để năm học mới 2022-2023 tiếp tục đạt hiệu quả, chất lượng cao.

Anh Thơ

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//giao-duc/khi-the-moi-quyet-tam-cao/186300.htm