Khi tác phẩm AI có thể được bảo hộ bản quyền ở Hàn Quốc

Những ngày đầu năm 2024, nhiều người quan tâm tới chủ đề trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence) bất ngờ trước thông tin bộ phim AI Surobuin (tạm dịch, Người vợ của Al Suro) được công nhận là tác phẩm được luật bản quyền bảo hộ ở Hàn Quốc…

Ảnh được tạo bởi AI.

Điều đáng nói ở đây, bộ phim này là một tác phẩm do AI tạo ra. Cụ thể, nhà sản xuất (Công ty NARA AI Film) đã sử dụng các mô hình ngôn ngữ AI như GPT-4, CLOVA X, và GPT-3.5 để viết kịch bản, rồi dùng Midjourney và Stable Diffusion để tạo hình ảnh. Sau đó, những chương trình AI tạo video như Gen-2 and D-ID cũng được sử dụng để tạo cảnh quay thô (footage), và CLOVA Dubbing tạo tiếng nhân vật. Đến âm nhạc của phim cũng do AI (chương trình Soundraw) tạo ra.

Bộ phim này đã đăng ký bảo hộ bản quyền thành công tại Cục Bản quyền Hàn Quốc, cho thể loại “tác phẩm tổng hợp” (tương tự như khái niệm tác phẩm đồng tác giả trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam). Trong tác phẩm này, vai trò của con người cũng khá quan trọng, như trong phần biên tập chỉnh sửa và tinh chỉnh (fine-tuning) AI. Chính vì thế, Al Surobuin được coi là một tác phẩm tổng hợp của hai tác giả là AI và con người.

Sự kiện này ở Hàn Quốc làm chúng ta nhớ đến số phận tiểu thuyết đồ họa Zarya of the Dawn ở Mỹ. Năm 2023, Cục Bản quyền Mỹ (USCO – United States Copyright Office) đã từ chối bảo hộ phần minh họa của quyển sách này, vì do AI Midjourney tạo ra. Theo kết luận của USCO, chỉ có phần nội dung tác phẩm Zarya of the Dawn do con người (nhà văn Kris Kashtanova) viết mới đáp ứng được tiêu chí bảo hộ của luật bản quyền Mỹ.

Theo hướng dẫn của cơ quan này đưa ra vào tháng 3-2023, USCO sẽ xem phần đóng góp của AI có phải là kết quả thuần túy của máy móc, hay là kết quả của công việc trí não của tác giả. Không có câu trả lời chung cho mọi trường hợp, mà tùy vào từng tình huống cụ thể USCO mới có thể quyết định cho phép đăng ký bản quyền hay không. Hiện nay, USCO giữ khuynh hướng không công nhận quyền tác giả của AI, nhưng cũng không hoàn toàn từ chối bảo hộ nếu như tác phẩm có sự đóng góp đáng kể của con người ngoài phần sáng tạo của AI.

Ở Trung Quốc, vào cuối năm 2023, Tòa án Internet thành phố Bắc Kinh đã công nhận quyền tác giả đối với tác phẩm hội họa do AI Stable Difusion tạo ra, trên cơ sở AI tạo ra tác phẩm này nhờ vào một sự tác động đáng kể của con người, qua nhiều tiêu chí khác nhau.

Theo báo chí Trung Quốc, một blogger tên là Liu đã đưa một bức tranh hình một phụ nữ lên blog của mình mà không được sự cho phép của chủ sở hữu bức tranh này. Vì thế, người này đã kiện ông Liu ra tòa. Tại tòa án, ông Liu cho rằng bức tranh này do AI tạo ra, vì thế không được coi là tác phẩm được bảo hộ. Tuy nhiên, tòa án cho rằng chủ sở hữu bức tranh này đã “có những đầu tư về mặt trí óc” để tạo ra bức tranh (như nhập prompt – câu lệnh yêu cầu AI sáng tạo theo tiêu chí đưa ra), cũng như tác phẩm thể hiện “lựa chọn thẩm mỹ và đánh giá cá nhân” của tác giả con người, để “đảm bảo tính sáng tạo của tác phẩm”.

Cũng theo Tòa án Internet Bắc Kinh thì “khuyến khích sáng tạo là mục đích của luật bản quyền” và vì thế “tác phẩm do AI tạo ra cũng phải được bảo hộ, miễn là nó thể hiện một sự đầu tư trí óc và mang tính sáng tạo của con người”.

Quay lại trường hợp bộ phim Al Surobuin ở Hàn Quốc, cũng cần bổ sung rằng Bộ Văn hóa Hàn Quốc đã đưa ra một số hướng dẫn và khuyến nghị ngày 27-12-2023 liên quan tới sáng tạo và AI. Theo những hướng dẫn này thì tác phẩm do AI tạo ra “mà không có tác động sáng tạo từ con người” thì sẽ không được công nhận quyền tác giả. Cụ thể, việc đăng ký bảo hộ quyền tác giả ở Hàn Quốc chỉ có thể thực hiện được khi tác phẩm là kết quả của tư duy và cảm xúc của con người.

Cũng có thể hiểu từ những hướng dẫn nói trên, tác phẩm có sự kết hợp giữa con người và AI có thể được công nhận bản quyền ở Hàn Quốc. Theo tài liệu “Sổ tay đăng ký bản quyền 2023” của Cục Bản quyền Hàn Quốc, “khi tác giả con người thay đổi sáng tạo của AI qua cách chọn lựa, sắp xếp, sửa đổi…, thì quyền tác giả có thể được công nhận một phần”.

Hiện nay, ở quốc gia này cũng như ở nhiều quốc gia phát triển khác, chủ đề AI và quyền tác giả đang được trao đổi tranh luận mạnh mẽ với nhiều nguồn ý kiến trái ngược nhau, cho thấy xung đột lợi ích giữa các công ty AI và phía các nghệ sĩ sáng tạo. Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hàn Quốc Yu

In-chon tuyên bố rằng các công ty AI sẽ phải đền bù thỏa đáng cho các chủ sở hữu quyền tác giả nếu như muốn sử dụng các tác phẩm có bảo hộ. Chủ sở hữu quyền tác giả cũng được khuyến nghị dùng các biện pháp kỹ thuật, hoặc tuyên bố rõ ràng không đồng ý cho phép các công ty AI sử dụng tác phẩm để đào tạo AI. Cũng xin bổ sung rằng gần đây, việc dịch giả đạt giải nhất trong cuộc thi dịch tác phẩm văn chương tại Hàn Quốc bị phát hiện dùng máy dịch đã tạo ra một scandal trong giới dịch thuật, càng đặt ra câu hỏi về lằn ranh giữa dịch máy nhờ vào AI và dịch thuật do con người thực hiện.

Là một quốc gia có nền công nghiệp giải trí rất phát triển và mang lại nguồn thu đáng kể, Hàn Quốc luôn đặt mục tiêu trở thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực bảo vệ quyền tác giả để thúc đẩy làn sóng xuất khẩu tác phẩm văn hóa Hàn Quốc ra thế giới. Sự ra đời của AI và ứng dụng của nó trong sáng tạo văn học nghệ thuật đang tạo ra một thách thức mới với ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc.

Lê Thiên Hương

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/khi-tac-pham-ai-co-the-duoc-bao-ho-ban-quyen-o-han-quoc/