Khi nào nghề kim hoàn được đào tạo bài bản?

Đứng trước nguy cơ mai một của làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội, vì thế một số nhà khoa học, nghệ nhân đã từng đưa ra phương án kết nối, đào tạo nghề kim hoàn, cụ thể là thiết kế trang sức tại các trường đại học. Tiếc thay ý tưởng này hiện mới chỉ dừng lại ở 'bản vẽ'.

Tại Tọa đàm “Nghề kim hoàn với di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội”, nhiều chuyên gia đã cho ý kiến về vấn đề phát triển nghề kim hoàn trong xu thế xã hội hiện nay, trong thích ứng với yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa đối với lĩnh vực thủ công, mỹ nghệ như: gắn kết di sản nghề kim hoàn với đào tạo về thiết kế trang sức trong trường đại học; phát triển nghề kim hoàn cộng hưởng với nghề gốm sứ, đúc đồng; gắn kết làng nghề, phố nghề; thành lập bảo tàng về nghề truyền thống trong phố cổ.

Theo thạc sĩ Trần Thị Thu Hồng, Giảng viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, ngành Trang sức trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp ra đời từ năm 1978 với chương trình đào tạo dựa trên chương trình đào tạo của trường Hale (Đức) với mục tiêu đào tạo đội ngũ thiết kế về trang sức cho các công ty doanh nghiệp ngoài xã hội.

Khi đó thiết kế trang sức trên thế giới đã được các trường đại học đào tạo rất bài bản, nhưng ở nước ta thì hoàn toàn mới mẻ. Song chúng ta có thế mạnh về nghề kim hoàn với các nghệ nhân có tay nghề cao từ làng nghề Định công, cũng như phố Hàng Bạc.

Sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp xem trình diễn kỹ thuật làm nghề kim hoàn tại đình Kim Ngân. (Ảnh: Bảo Thoa)

Vì thế, những năm đầu trong đào tạo của ngành Trang sức khá thuận lợi vì mời được các nghệ nhân giảng dạy cho sinh viên về kỹ thuật kim hoàn thủ công truyền thống. Đã có rất nhiều khóa học thực tế thu hút không những sinh viên trong ngành mà sinh viên ngành khác trong trường tham gia.

Tuy nhiên, theo thời gian yêu cầu về đào tạo có nhiều thay đổi cho phù hợp với mục đích đào tạo của nhà trường, thời lượng giảng dạy cho phần kỹ thuật ít hơn nên sinh viên chỉ học được cơ bản về kỹ thuật kim hoàn. Chưa nắm bắt được nhiều kỹ thuật chế tác nên ảnh hưởng đến quá trình thiết kế về kết cấu, công năng khi sử dụng.

Theo thạc sĩ Thu Hồng, thiết kế trang sức được đào tạo bài bản từ cơ sở nghệ thuật, cơ sở kỹ thuật cho đến sáng tác và thiết kế, từ những sản phẩm đơn chiếc như vòng cổ, vòng tay, khuyên tai, nhẫn cho đến những thiết kế bộ với nhiều mục đích khác nhau. Trang sức thường nhật, trang sức dạ hội, lễ hội, lễ cưới, biểu diễn, trình diễn, hay trang sức đa chức năng trên chất liệu kim loại và đá quý, chất liệu tổng hợp như sơn mài, sừng, gốm, da, gỗ… đã được thể hiện trên bản vẽ hoặc được sinh viên tự làm trên các chất liệu tổng hợp. Còn các bài tốt nghiệp thì được thể hiện trên chất liệu kim loại và đá màu với sự hỗ trợ của thợ kim hoàn ở các xưởng sản xuất nhỏ.

Vì thế quá trình tiếp xúc thực tế với nghề kim hoàn còn ít, nên bản vẽ thiết kế nhiều khi còn chưa thực tế, chưa đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng. Vì bởi lẽ, nhà trường không giống như các công ty doanh nghiệp, không có đầy đủ hệ thống như doanh nghiệp từ vẽ 2D, 3D cho đến sản xuất luôn cập nhật hệ thống máy móc hiện đại, có đội ngũ thợ có tay nghề cao, có hệ thống kinh doanh đưa sản phẩm đến khách hàng, tiếp cận và nhận phản hồi từ khách hàng để có được định hướng phát triển về mẫu mã.

Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn thành phố Hà Nội Vũ Mạnh Hải cho rằng, để ngành kim hoàn thực sự trường tồn và phát triển theo thời gian, thích nghi với thay đổi của thị trường nền kinh tế 4.0, giúp cho những người thợ kim hoàn duy trì và phát triển, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách phù hợp để đầu tư nguồn nguyên liệu đầu vào; hỗ trợ công nghệ thiết kế mẫu mã, tạo nên những sản phẩm vừa truyền thống lại vừa hiện đại, phù hợp với nhiều thị hiếu khách hàng trong và ngoài nước, đem lại giá trị kinh tế cao hơn cho các sản phẩm kim hoàn và cải thiện đời sống cho các nghệ nhân, thợ kim hoàn.

Cùng với đó cần có sự phối hợp của các trường đại học cùng các khóa đào tạo bài bản về thiết kế trang sức, kim hoàn, tương tác thực tế với những nghệ nhân, thợ giỏi của làng nghề để làm ra sản phẩm thực tế. Có như vậy mới có thể duy trì nghề kim hoàn, có cơ hội đóng góp cho văn hóa cho di sản của Hà Nội.

Song thạc sĩ Trần Thị Thu Hồng cũng khẳng định, thế mạnh của thiết kế trang sức là đưa ra những sản phẩm mới, có tính riêng biệt, cạnh tranh và phát triển nên việc phối hơp giữa thiết kế và nghề kim hoàn rất quan trọng. Để các thiết kế không chỉ ở trên bàn vẽ, thì rất cần những bàn tay nghệ nhân chế tác thổi hồn cho thiết kế thành sản phẩm, điều đó khẳng định được tầm quan trọng của kỹ thuật chế tác trong việc tạo ra những sản phẩm trang sức phục vụ nhu cầu làm đẹp của con người.

Ngược lại, để kỹ thuật kim hoàn tạo ra những bộ trang sức đẹp thì cần có những thiết kế sáng tạo, độc đáo và mới lạ. Mối quan hệ tương hữu đó là quan trọng và cần thiết cho sự phát triển của ngành nghề kim hoàn cũng như thiết kế trang sức ở Hà Nội.

“Việc hợp tác với các làng nghề, công ty, doanh nghiệp cũng là mong muốn rất lớn của chúng tôi. Sinh viên được thực tập để có thêm cơ sở thực tiễn, có kinh nhiệm để tham gia làm việc được khi ra trường, đóng góp một phần nhỏ bé cho sự phát triển của ngành trang sức nước nhà”, thạc sĩ Thu Hồng chia sẻ.

Năm 2002, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp đã từng tổ chức triển lãm “Hà Nội sáng tạo” tại phố Tràng Tiền với các thiết kế lấy ý tưởng từ hình tượng văn hóa vật thể, phi vật thể của Hà nội. Những thiết kế lưu giữ được những đặc trưng truyền thống của Hà Nội và mang tính hiện đại phù hợp với xu hướng hiện nay. Qua đó, người xem hiểu hơn về Hà Nội từ những hình ảnh bình dị trong cuộc sống cho đến những kiến trúc, biểu tượng nổi tiếng của Hà Nội trên trang sức. Tuy nhiên, những thiết kế đó chỉ dừng lại ở bản vẽ, chưa được thể hiện thành sản phẩm thật.

Thạc sĩ Trần Thị Thu Hồng nuối tiếc: “Vì chúng tôi không có đủ nguồn lực để thể hiện thành sản phẩm thật. Điều đó cũng là điều tiếc nuối. Nếu những thiết kế đó được chế tác thành sản phẩm thật thì không những quảng bá đến công chúng hình ảnh văn hóa của Hà Nội, mà còn phản ánh được nghề kim hoàn của Thủ đô, cũng như thành những sản phẩm quà tặng cho du khách khi đến du lịch tại Hà Nội, lưu giữ nét văn hóa truyền thống và thúc đẩy sự phát triển của Hà nội trong tương lai”.

Bảo Thoa

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khi-nao-nghe-kim-hoan-duoc-dao-tao-bai-ban-155438.html