Khi Mỹ-Nga thỏa thuận, các bên hãy ngồi xuống, suy nghĩ....

Nga, Mỹ là người chơi trên bàn cờ Syria-Trung Đông chứ không phải là quân cờ. Các bên có thể đánh nhau nhưng Nga-Mỹ thì không bao giờ.

Hai cánh tay đắc lực của Tổng thống Donald Trump.

Đã qua rồi thời Mỹ trị vì thiên hạ kể từ sau chiến tranh lạnh, nước Mỹ của Tổng thống Donald Trump đã bị cạnh tranh, chia xẻ quyền lực bởi sự trỗi dậy của nước Nga thời Putin và một Trung Quốc đã qua giai đoạn “giấu mình chờ thời”.

Dù muốn hay không, đây là một thực tế khách quan mà chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump phải chấp nhận. Và “không lý gì chúng ta (Mỹ) lại không có mối quan hệ với một quốc gia có lực lượng hạt nhân hùng mạnh như chúng ta”.

Nhưng liệu chính quyền của tổng thống Donald Trump có dễ dàng thực hiện một chính sách thực dụng trên cơ sở cân bằng quyền lực hay không khi trên đầu còn tồn tại một Deep State?

Vậy “ Deep State” là gì?

Đây là một khái niệm chỉ một nhà nước, một thế lực “đứng trên” một chính quyền nhà nước hiện tại. Nói cách khác nhà nước, chính quyền hiện tại dù được công khai là do dân bầu nhưng là công cụ phải luôn thực hiện đường lối, chủ trương của “Deep State”.

Deep State là bao gồm những tinh hoa chính trị, các trùm tài phiệt hay nhóm “1%”. Do đó, dù Tổng thống là người của đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ thì chính quyền của Tổng thống đó đều phải thực hiện đường lối đối ngoại, đối nội phục vụ lợi ích của Deep State.

Như vậy có thể nói ngài Obama hay ngài Trump không thể thay đổi đường lối, chính sách đối ngoại mà thiếu sự ủng hộ, nhất trí của Deep State. Vấn đề sách lược, tổ chức thực hiện như thế nào trong các đời tổng thống để giữ vững địa vị độc tôn của Mỹ trên trường quốc tế để qua đó đánh giá sự khác biệt của các đời tổng thống. Tổng thống Mỹ không phải là người quyền lực nhất.

Sự thực dụng của Tống thống Mỹ Donald Trump

Thực dụng là từ thực tế rút ra cho mình những gì có thể và những gì không thể để chọn lựa cho mình phương án tối ưu về lợi ích quốc gia, lợi ích địa chính trị, quân sự…thay vì bất chấp thực tế, bất chấp quy luật khách quan.

Nhìn vào Trung Đông chúng ta đã cảm nhận được sự khác nhau rất lớn về chính sách Trung Đông của Mỹ thời ngài Obama và ngài Trump…

Ông Barak Obama ở cương vị Tổng thống khi nước Mỹ đang là siêu cường bá chủ thế giới. Lúc đó, Trung Quốc đang “giấu mình chờ thời”, Nga thì đang âm thầm khắc phục hậu quả “hậu chiến tranh lạnh” nên Mỹ “một mình một rừng” khiến tiếng nói Mỹ, lời răn đe của Mỹ, hành động của Mỹ ai cũng phải nghe, phải sợ…

Khi chính quyền Obama đã về cuối nhiệm kỳ thì nước Nga thời Putin xuất hiện. Chính quyền Obama-Mỹ bị Putin-Nga phản đòn 2 cú tại Crimea và Syria khiến cho “lấm lưng trắng bụng” khựng lại…

Đương nhiên, Mỹ không quen có ai đó cản đường dù là nước Nga vĩ đại, Mỹ đã thực hiện 2 nước cờ hiểm đánh vào tử huyệt của Nga: Hạ giá dầu và cấm vận trừng phạt kinh tế Nga.

Tại Syria. Mục tiêu trước sau như một của Obama-Mỹ là “Assad must go”, cho nên thỏa thuận ngừng bắn, tìm giải pháp chính trị cho Syria, chỉ là “phút nghỉ chiến thuật” thôi. Nó luôn bị Obama-Mỹ phá hoại, điển hình nhất là thỏa thuận Lavrov-Kerry tháng 9/2016.

Như vậy, chính quyền Mỹ thời ông Obama hay nói các khác là Deep State chưa quen, không quen với sự nổi lên của Nga, khó tiêu hóa được “thế giới lưỡng cực” nên quyết tâm chống Nga hy vọng đè bẹp Nga đến cùng.

May thay cho Nga là Mỹ dù rất cay cú khi chưa gỡ gạc được “những bàn thua” trước Nga thì chính quyền Obama, chính quyền mang đậm đặc tư tưởng bài Nga này đã rơi vào buổi hoàng hôn của nhiệm kỳ.

Ông Donald Trum đắc cử Tổng thống Mỹ đã có một góc nhìn nhận đánh giá trật tự thế giới rất thực tế khách quan…

Thứ nhất là vấn đề đối đầu trực tiếp với nước Nga.

Cấm vận, trừng phạt, bao vây cô lập kinh tế Nga, đồng thời hạ giá dầu đã không có tác dụng với nước Nga mà còn bị tác dụng ngược khi chính nhờ thế mà Nga đã đứng vững trên đôi chân của mình.

Khi nền kinh tế Nga đã trụ được và tăng trưởng trong một môi trường khắc nghiệt như vậy thì với một đất nước có nhiều tài nguyên, rộng lớn, có cơ sở khoa học công nghệ hiện đại tiên tiến như Nga thì Mỹ có thể làm được gì để khiến Nga sụp đổ?

Về quân sự, Tổng thống Nga Putin khẳng định: “…nếu như chiến tranh Nga-Mỹ xảy ra thì không ai sống sót”. Deep State Mỹ dù có hung hăng, diều hâu đến mấy thì cũng đều hiểu những gì Putin nói. Putin nói chứ không phải Trung Quốc nói “cả hai cùng chết”…

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/khi-my-nga-thoa-thuan-cac-ben-hay-ngoi-xuong-suy-nghi-3339407/