Khi làng lên phố

Trước tốc độ đô thị hóa hiện nay, nhiều ngôi làng truyền thống ở Hà Nội đang bị biến dạng. Không ít ngôi làng đã trở thành những khu dân cư nửa nông thôn, nửa đô thị. Việc gìn giữ những nếp làng khi lên phố dường như vẫn lửng lơ...

Đình Hòa Mục (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) nằm lọt giữa các kiến trúc hiện đại, cao tầng. Ảnh: P. Sỹ.

Trong “cơn lốc” đô thị hóa

Làng truyền thống ở Hà Nội đang biến dạng trước những tác động. Đó là sự biến đổi toàn diện về tổng thể không gian, nhà ở, hạ tầng, môi trường… Nhiều ngôi làng không còn giữ được những nét đẹp cổ kính. Không gian làng cổ đều đã phải nhường chỗ cho các công trình xây dựng, nhà cửa san sát. Các làng Xuân Đỉnh, Định Công, Phú Đô, Đình Thôn… cũng không còn giữ được những nét đẹp cổ kính. Cái nôi văn hóa hàng ngàn năm của Đồng bằng sông Hồng có vẻ như đang dần biến mất, trở thành những khu dân cư pha trộn.

Theo đánh giá của nhiều kiến trúc sư (KTS) và chuyên gia văn hóa, Thủ đô Hà Nội đang phát triển quá nóng. Tốc độ biến dạng, thay đổi, mất mát của các làng cổ trên địa bàn Hà Nội đặc biệt nhanh chóng trong những năm gần đây.

TS.KTS Vũ Hoài Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc chỉ giữ lại đình, chùa không đủ để chuyển tải những giá trị văn hóa truyền thống đến tương lai. Nhiều giá trị vô hình mất đi mà không bao giờ lấy lại được. Hàng trăm làng xã sẽ tiếp tục mang trong mình một cấu trúc hạ tầng nhỏ bé yếu ớt trong quá trình đô thị hóa, chịu tải cho sự phát triển của các nhu cầu mới. Tất yếu sẽ có tắc đường, ngõ nhỏ chen chúc, thiếu nước sạch, đường làng thành phố chợ… như Định Công, Giáp Bát, Hoàng Liệt của Hà Nội. Hàng trăm ngôi làng, xã sẽ thành những khu đô thị có không gian dị biệt, lộn xộn, nhấp nhô mái tôn, bình nước i-nox, đan xen vào các khu đô thị mới.

“Làng ở Thủ đô đã và đang biến đổi sâu sắc, trong đó kiến trúc và cảnh quan không gian xuất hiện rất nhiều bất cập, cùng với nguy cơ biến mất của các giá trị văn hóa. Cho dù đã có những nỗ lực trong bảo tồn, tôn tạo các công trình di tích lịch sử của làng xã, tuy nhiên, việc quy hoạch, quản lý với không gian làng quê ở Hà Nội còn bị bỏ ngỏ” - ông Đức nói.

Cùng với đó, việc làng nghề của Hà Nội mở rộng ngày nay đang và sẽ biến thành làng đô thị với môi trường ô nhiễm trầm trọng, ao làng thành nơi chứa nước thải, khói bụi, mùi của rác và phế thải. Tình trạng ô nhiễm làng nghề cũng đã đến mức báo động.

Kiến trúc truyền thống đang phải đối mặt với nguy cơ bị xóa nhòa. Thay vào đó là những đô thị mới, chung cư mới, thành phố mới. Những thiết kế mới thiếu tính đồng bộ, tùy tiện, thiếu khoa học, không tuân thủ nguyên lý thiết kế quy hoạch và thiết kế công trình. Bởi vậy, không thể hiện được bản sắc văn hóa của người Việt.

KTS Đoàn Kỳ Thanh - Giám đốc Công ty cổ phần tư vấn đầu tư Avant, người sáng lập ra nhiều không gian sáng tạo cho rằng, áp lực về sự phát triển là quá lớn, đối với các ngôi làng ở Thủ đô. Mật độ dân số, mật độ xây dựng đều tăng chính là điều đáng sợ nhất khi mà những ngôi làng lên phố. Tất cả những điều đó làm cho chất lượng cuộc sống bị giảm đi. Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa làm gia tăng áp lực khiến cho những khoảng trống, khoảng rộng bị lấp kín.

Cân bằng để gìn giữ bản sắc

Bảo tồn và phát triển là bài toán muôn thuở, cuộc sống vận hành không ngừng luôn đặt ra những nhu cầu mới song cần tiếp thu và bảo tồn những giá trị truyền thống. Xã hội hiện đại phát triển nhanh, quá trình toàn cầu hóa ngày một sâu rộng, những gì là riêng biệt, là bản sắc, là độc đáo, càng phải được đề cao và coi trọng.

Vẫn theo KTS Vũ Hoài Đức, đối với làng xã truyền thống, việc thực hiện công tác bảo tồn theo phương thức có sự tham gia của cộng đồng là hữu hiệu nhất. Người dân phải được tham gia, có trách nhiệm tham gia cùng với các cơ quan chuyên môn để thực hiện từ khâu lập hồ sơ đến quá trình thi công tu bổ di tích. Việc nâng cao nhận thức cho người dân về công tác bảo tồn là rất cần thiết. Chủ yếu thay đổi quan niệm về làm mới di tích bằng quan niệm tôn trọng các tính nguyên gốc, giá trị thời gian của di tích. Thông qua các lớp học ngắn hạn để nâng cao trình độ cho cán bộ văn hóa xã về công tác bảo tồn. Nên đẩy nhanh việc thực hiện công tác bảo tồn ở một số làng cổ tiêu biểu cho các làng khác học tập.

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm (Viện Nghiên cứu văn hóa), người có nhiều năm nghiên cứu về sự biến đổi làng ven đô cho rằng trong quá trình đô thị hóa tất nhiên phải có những thách thức, đánh đổi. Chính quyền và người dân phải nhận thức rõ những điều đó để có giải pháp hạn chế, ngăn ngừa, đặc biệt cần phải giữ được sự cân bằng trong phát triển đô thị. Cần phải có những nhìn nhận, đánh giá các giá trị của những ngôi làng để phục vụ cho việc quy hoạch, quản lý. Cùng với đó là tìm ra giải pháp biến những giá trị kiến trúc, văn hóa… của ngôi làng thành giá trị kinh tế. Bởi giá trị kinh tế mới là động lực. Đặc biệt phải bắt đầu từ cấp chính quyền mới có thể gìn giữ được, nếu chỉ người dân là rất khó.

Còn theo KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cần chú ý đến không gian xanh, không gian công cộng và yếu tố văn hóa của những làng nghề truyền thống ngay trong lòng Hà Nội. Đây là vấn đề đặc thù rất cần được quan tâm.

Phạm Sỹ

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/khi-lang-len-pho-10278918.html