Khi hồ… khóc vì tảo

Tuần qua, đích thân Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phải “trực chiến” chỉ đạo giải quyết vụ việc cá chết nổi trắng xóa Hồ Tây. Có lẽ đây cũng là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ phải ban hành văn bản yêu cầu làm rõ nguyên nhân cá chết và thực trạng môi trường của một cái hồ. Lo ngại của người dân về chất lượng nguồn nước nói chung, chất lượng nước hồ nội thành Hà Nội nói riêng đã lên tới mức bức xúc.

Cũng cần phải nói thêm rằng Hồ Tây là hồ nội thành lớn nhất của Hà Nội với chất lượng nước từ trước đến nay được xếp vào loại tốt nhất trong số các hồ nội thành. Một số hồ khác ở Hà Nội thậm chí còn bị coi là “hồ chết” đối với các loài động vật thủy sinh. Tuy có diện tích khá lớn (hơn 22 nghìn m2), nhưng hồ Linh Quang (phường Văn Chương, quận Đống Đa) là một trong những hồ ô nhiễm nghiêm trọng nhất, thường xuyên bốc mùi hôi hám nặng nề, mặt hồ phủ đầy rác rưởi, bèo tây và bọt bẩn. Nhiều hộ dân còn dựng lều lán lấn chiếm mặt nước, xả thải bừa bãi. Hồ Kim Liên nhỏ cũng đang bị thu hẹp dần bởi tình trạng đổ đất, rác, phế thải lấn chiếm mặt nước…

Hồ Văn Chương (quận Đống Đa), mặc dù đã được cải tạo, kè bờ xong từ năm 2010, nhưng vẫn bị ô nhiễm nghiêm trọng vì tảo và rác thải. Hồ Ngọc Khánh (quận Ba Đình) cũng vừa được cải tạo xong, nhưng sau đó vẫn bốc mùi hôi thối nặng nề do tảo chết trong nhiều ngày liền, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Tháng 6 vừa qua, đến lượt hồ Hoàng Cầu bị phú dưỡng, hàng tấn cá bị thiếu oxy nên chết ngạt và giờ đây, những ngày đầu tháng 10 là thảm kịch cá Hồ Tây…

Trong khi đó, điều đáng nói là các hồ nội thành vẫn thuộc sự quản lý của nhiều đầu mối khác nhau, mỗi đầu mối không đủ “quyền lực” để xử lý kịp thời và hiệu quả tình trạng các hồ bị xâm hại. Trong khi Sở Xây dựng được giao quản lý mực nước hồ để phục vụ công tác điều hòa thoát nước thì các nội dung quản lý khác như bảo vệ diện tích hồ, bảo đảm vệ sinh môi trường, khai thác mặt nước… lại thuộc phạm vi trách nhiệm của chính quyền địa phương. Khi một hồ nằm trên địa bàn giáp ranh của 2-3 phường khác nhau thì công tác quản lý còn khó khăn hơn nữa.

Bên cạnh đó, theo các chuyên gia về môi trường, hồ, ao trong khu vực nội thành có vai trò chủ yếu là điều hòa nước mưa, chống úng ngập. Vì là nơi chứa lượng nước lớn, cho nên lượng chất hữu cơ tập trung lớn, dễ khiến cho tảo phát triển mạnh. Khi xảy ra hiện tượng tảo nở hoa, lượng oxy trong nước giảm đột ngột, dễ khiến các loài thủy sinh chết hàng loạt. Do đó, cần xem xét, cân nhắc việc nuôi cá hoặc mật độ cá nuôi trong các hồ nội thành, đồng thời kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải, có biện pháp xử lý nước thải hợp vệ sinh trước khi xả ra hồ…

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/khi-ho%e2%80%a6-khoc-vi-tao.aspx