Khi đàn bà trả thù

Bà Cụ kể rành rẽ câu chuyện trong nỗi đau xé lòng. Những người con từ bàng hoàng đến xót xa vô cùng, im lặng nghe mẹ kể. Họ chỉ biết mẹ mình tái giá với người cha của họ, nay đã khuất khi ông cũng đứt gánh giữa đường với một cậu con trai còn nhỏ, không ngờ đến câu chuyện này.

Minh hoa Bing

Đó là huyện T.L vào khoảng đầu những năm 1950. Biết mình khó qua khỏi trận ốm lần này, BÀ CỤ mới gọi những người con đến bên giường, Người Con Lớn (NCL) khi đó vừa ngoài 20, kế đến là Người Con Gái (NCG), rồi Con Trai Út (CTU). Cụ thều thào trong tiếng nói ngắt quãng đẫm nước mắt:

- Bây giờ mẹ mới cho các con biết, các con còn một Người Anh Trai (NAT) nữa, hơn con (Người Con Lớn) 4 tuổi…

Bà Cụ kể rành rẽ câu chuyện trong nỗi đau xé lòng. Những người con từ bàng hoàng đến xót xa vô cùng, im lặng nghe mẹ kể. Họ chỉ biết mẹ mình tái giá với người cha của họ, nay đã khuất khi ông cũng đứt gánh giữa đường với một cậu con trai còn nhỏ, không ngờ đến câu chuyện này.

- Mẹ làm dâu họ Hoàng làng bên cạnh khi vừa mới lớn. Mấy năm làm vợ nhưng chưa có con. Chồng, gia đình chồng rồi cả họ chì chiết, hắt hủi. Sống mà như ở địa ngục. Không thể nào kể hết nỗi tủi nhục, đau đớn mẹ phải gánh chịu. Rồi một ngày mẹ biết mình có thai. Lòng thì mừng nhưng mẹ khao khát trả thù. Thế là không một ai được biết, kể cả lão chồng bội bạc. Mẹ đã bỏ đi, nhà bố mẹ đẻ cũng không còn nơi để về nên mẹ vượt sông sang huyện T.H với cái thai trong bụng. Ý định không bao giờ cho dòng họ và gia đình chồng được nhận đứa bé này. Huyện T.H có 6 xã bốn phía là sông, đi lại khó khăn vô cùng. Mẹ tìm nhà làm thuê rồi sinh con ở đó, một mình nuôi con. Tới khi anh các con lên ba, mẹ đem cho một nhà hiếm muộn trong làng. Giấy khai sinh khi đó mới làm. Anh các con mang họ của cha nuôi nhưng đệm lót là họ của cha ruột nó. Nhỡ có ngày nó tìm về nguồn… Anh các con tên Tiêu Hoàng L. ở làng C.C gần chợ Cháy huyện T.H…

Sau đó thì bà Cụ qua đời. Người Con Lớn (NCL) canh cánh trong lòng với mong muốn cùng các em tìm ngay Người Anh Trai. Ngặt nỗi ông đang là bộ đội Vệ Quốc, anh chị em cũng nghèo khó nên không dễ gì.

… Quãng năm 1952 – 1953, quân đội Pháp tiến hành trận càn quét lớn. Sau nhiều tháng quân và dân huyện T.L kiên cường chống càn nhưng rồi vẫn phải rút để bảo toàn lực lượng. Tình cờ nơi đơn vị NCL rút về tạm trú quân lại là xã C.C, nơi NCL cần tìm. Trong thời gian ngắn tìm kiếm, NCL đã gặp NAT lúc này cũng đang là bộ đội nhưng là bộ đội địa phương. Hai anh em chỉ kịp vài giờ hàn huyên, NAT khoe đã lấy vợ và chị dâu đang mang thai sắp sinh. NAT chưa kịp dẫn em trai NCL về thăm chị dâu thì quân Pháp đã đuổi tới nơi. Ai về đơn vị người đó lao vào cuộc chiến. Một lần nữa đơn vị của NCL phải rút đi nơi khác mà ông không biết rằng trong ngày hôm đó, người anh trai vừa nhận của mình đã hy sinh chưa kịp trông mặt đứa con chào đời.

Cuộc chiến rong ruổi đưa NCL vào chiến dịch Điện Biên Phủ rồi sau đó là chiến trường miền Nam. Thời buổi loạn ly nên cơ hội đoàn tụ vẫn chưa đến.

Đến năm 1975, từ chiến trường trở về, ông NCL mới quyết định cùng mấy người em trở lại huyện T.H, xã C.C tìm tung tích người cháu.

Họ đã tìm được. Đó là người cháu trai cũng mang họ và đệm là Tiêu Hoàng C. Người cháu này cũng là bộ đội và cũng vừa trở về từ chiến trường.

Ông NCL là một người nhân hậu và chu đáo. Ông dẫn anh Tiêu Hoàng C. về nhận họ hàng ruột thịt (con cháu những người của bà nội anh). Tất cả, kể cả những người họ nội với ông NCL không phải cùng huyết thống với anh đều vui vẻ và xúc động nhận thêm người thân.

Anh giải ngũ, cưới vợ và vất vả mưu sinh nhưng rồi hai người chú, ông NCL và CTU đã thu xép cho anh đi xuất khẩu lao động vài năm tại CHDC Đức rồi khi về lại mấy ông chú tìm cho việc làm ổn định.

Có chút không trọn vẹn là khi tìm được anh, mấy ông chú anh đã đưa anh về dòng họ gốc (họ Hoàng) để nhận họ. Do nhiều lý do và mặc cảm lẫn tự ái, họ không nhận nhau. Đến bây giờ vẫn vậy.

P/S: Một câu chuyện hoàn toàn thật nên người kể không thể nêu rõ tên người hay địa danh, trừ họ tên người cháu. Tác giả có cơ may gần gũi với mấy người con và nhiều người cháu của Bà Cụ. Dù tò mò hàng vài chục năm nay nhưng không hiểu nỗi hành vi trả thù của Bà Cụ.

Lê Minh Ánh

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/khi-dan-ba-tra-thu-a21272.html