Khi cổ vật trở về (3)

* Bài cuối: Cổ vật "hồi hương"

Lần đầu tiên đấu giá thành công cổ vật tại Pháp

(Cadn.com.vn) - Sau hơn 100 năm lưu lạc ở nước ngoài, chiếc xe kéo tay của Hoàng Thái hậu Từ Minh-mẹ vua Thành Thái-một trong những cổ vật quý giá của triều Nguyễn đã được Trung tâm Bảo tồn di tích (TTBTDT) cố đô Huế đấu giá thành công ở Pháp đưa về nước vào giữa năm 2015. TT BTDT cố đô Huế đã đấu giá thành công chiếc xe kéo với giá 45.000 EUR, cộng thêm phí đấu giá 24% thành 55.800 EUR (khoảng 1,3 tỷ đồng). Thế nhưng, ngay sau khi phiên đấu giá kết thúc, Bảo tàng Nghệ thuật Châu Á Guimet (Paris, Pháp) đã yêu cầu quyền ưu tiên của nước sở tại để mua lại cổ vật với giá ngang bằng. Trước nguy cơ cổ vật bị "tuột" khỏi tầm tay, Bộ Ngoại giao và Bộ VH-TT&DL nhanh chóng "can thiệp" để Bảo tàng Guimet không tranh chấp mua chiếc xe kéo này nữa, nhờ thế mà cuộc đấu giá xe kéo về phía Việt Nam thành công. TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc TTBTDT cố đô Huế, người có công lớn trong sự kiện này từ ngày đầu đến nay cho hay: "Đây là một sự kiện rất có ý nghĩa vì lần đầu tiên Việt Nam đấu giá thành công tại sàn đấu giá quốc tế và đưa được cổ vật về lại quê hương. Thành công ấy có sự đóng góp về vật chất và tinh thần của cộng đồng bà con Việt kiều tại Pháp và một số doanh nghiệp trong nước; thành công ấy còn là kết quả sự phối hợp chặt chẽ giữa UBND tỉnh TT-Huế với Bộ VH-TT&DL, Bộ Ngoại giao mà trực tiếp là Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp".

Lần trở lại câu chuyện lịch sử, ngày 18-10-1907, chiếc long sàng của vua Thành Thái và chiếc xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh đã được định giá 400 đồng và bán cho ông Prosper Jourdan, là viên thanh tra phụ trách đội bảo vệ nhà vua. Khi về nước, Prosper Jourdan đã đưa những báu vật này về Pháp và lưu giữ tại nhà riêng của mình. Tháng 6-2014, gia đình Prosper Jourdan đã ủy nhiệm cho nhà bán đấu giá Rouillac tổ chức bán đấu giá 2 món cổ vật là chiếc long sàng và chiếc xe kéo. Theo hồ sơ, chiếc xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh có chiều cao 136cm, dài 230cm, rộng 102cm, được làm bằng gỗ lim, trong đó phần chạm khảm xà cừ do các nghệ nhân nổi tiếng ở làng Kinh Lược - Hà Nội đảm nhận... "Chiếc xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh là cổ vật đầu tiên bị lưu lạc ở nước ngoài được Việt Nam đấu giá thành công để đưa trở lại nước sau hơn 1 thế kỷ lưu lạc!"- TS Phan Thanh Hải khẳng định.

Chiếc xe kéo của mẹ Vua Thành Thái được đấu giá từ Pháp đưa về hoàng cung Huế.

Bộ kinh thêu tay cổ dài nhất Việt Nam

Sau một thời gian dài lưu lạc, bản kinh Kim Cương (hay còn gọi là kinh Kim Cang) được thêu bằng chỉ ngũ sắc đã dừng chân tại chùa Trúc Lâm tọa lạc trên một ngọn đồi ở P. Thủy Xuân (TP Huế). Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết, hành trình từ Bắc Hà vào Huế rồi đến chùa Trúc Lâm của bản kinh được các vị thiền tăng kể lại: Năm 1801, nhà Nguyễn đánh ra Bắc, tiêu diệt Tây Sơn đã phát hiện bộ kinh và tịch thu đem về Huế thờ trong Khương Ninh Các thuộc Hoàng thành Huế. Tuy nhiên, đến thời Khải Định (1916-1924), bản kinh này đã bị thất lạc. Lần theo chặng đường đó, cố nhà sưu tầm cổ vật Hồ Tấn Phan tìm đến chùa Hồng Ân (Huế) để tìm hiểu về Ni trưởng Diệu Không, người có công lớn trong việc tìm ra bản kinh quý. Nhận định bản kinh Kim Cang thêu tay là một pháp bảo hết sức quý giá, Ni trưởng Diệu Không sau đó truyền cho các đệ tử cố công truy tìm bản kinh bị thất lạc trong dân gian. Sư bà Diệu Không ở chùa Hồng Ân (Huế) lần ra tung tích và mua về với giá 250 đồng (tương đương với 7 lượng vàng lúc bấy giờ) kể cả bản kinh và chiếc hộp trầm hương.

Một đoạn của bản Kinh Kim Cang sau nhiều năm lưu lạc đã về Huế.

Sau nhiều năm tháng nỗ lực truy tìm được bản kinh nói trên, Ni trưởng Diệu Không đã giao lại cho một vị hòa thượng cất giữ bảo quản tại Chùa Tây Thiên. Tuy nhiên, thời gian bản kinh lưu lại tại đây cũng không lâu do ngôi chùa này xảy ra tình trạng mất cắp cổ vật. Trải qua chặng đường dài lưu lạc, bản kinh tìm đến chùa Trúc Lâm như sự tùy duyên của đạo Phật. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết, bộ kinh được thêu bằng chỉ ngũ sắc gấm trên nền gấm lót nhiễu điều từ thời Cảnh Thịnh (triều Tây Sơn), được đánh giá là bộ kinh thêu dài nhất Việt Nam. Toàn bộ bản kinh dài 4,47m, rộng 23,4 cm, số lượng chữ được thêu khoảng chừng gần 7.000 chữ Hán, đặt trong một chiếc hòm gỗ trầm có khắc chạm hoa văn rất đẹp. Bộ kinh thêu nguyên văn bản kinh Kim Cương nổi tiếng trong tạng kinh Phật giáo Đại thừa. Bên cạnh nội dung chính của bản kinh, tác phẩm còn có phần lạc khoản thêu 2 bài tựa Ngự chế và Hậu bạt. Theo bài Hậu bạt của bản kinh, công trình thêu tay này được hoàn thành ngày mồng 1 tháng 11 năm Cảnh Thịnh thứ 8 (tức ngày 16-12-1800), do Tỳ kheo ni Diệu Tâm, trụ trì chùa Sài Sơn, tức chùa Thầy (nay thuộc xã Sài Sơn, H. Quốc Oai, Hà Nội) thực hiện.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết, việc thêu bản kinh Kim Cang trên là để cung tiến Nguyễn Tướng Công tự Di Lạc (tức Nguyễn Gia Ngô, bố Ôn như hầu Nguyễn Gia Thiều, tác giả Cung oán ngâm khúc); gấm nhiễu điều và chỉ ngũ sắc là do Nguyễn Thị Định, hiệu Thiện Trung cùng con gái là Nguyễn Thị Hòa, hiệu Thiện Tài và con rể là Phan Huy Thực đóng góp. Năm 2009, Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã công nhận kỷ lục cho bộ kinh Kim Cang là bộ kinh Phật thêu tay cổ trên lụa dài nhất Việt Nam"- nhà văn hóa Nguyễn Xuân Hoa cho biết.

Huế, hiện còn một lượng lớn cổ vật bị "chảy máu", trong đó có nhiều cổ vật bị lưu lạc ở Pháp. Ông Nguyễn Văn Mễ- nguyên Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế cho rằng, cần đẩy mạnh cuộc vận động "hồi hương cổ vật". Đặc biệt ở các cổ vật quý thuộc sở hữu của bà con Việt kiều ở nước ngoài. Số cổ vật này không được quản lý, sử dụng tốt do những người thừa kế mải mê công việc làm ăn hoặc không biết rõ giá trị của chúng nên cổ vật đó có nguy cơ bị "bỏ quên" hoặc lọt vào tay những người săn lùng đồ cổ. Một cuộc vận động có chủ đích sẽ tạo điều kiện phát hiện cổ vật, bắt cầu cho việc "hồi hương cổ vật" bằng các hình thức thích hợp. Ông Mễ cho rằng, cuộc vận động "hồi hương cổ vật" phải được tiến hành đồng bộ với nhiều giải pháp khác nhau, từ việc động viên sự hiến tặng tự nguyện vì lòng yêu nước của bà con Việt kiều và những cá nhân, tập thể đang sở hữu cổ vật; tham gia đấu giá, thuyết phục ngoại giao để mua lại một cách chọn lọc những cổ vật có giá trị; cho đến hình thức phối hợp trưng bày, giới thiệu...

Hải Lan

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_152923_khi-co-va-t-tro-ve-3-.aspx