Khi 'cò bay, khách biến' - Kỳ 2: 'Gục' trên đống tài sản lớn

Có đất, có nhà, giá trị toàn tiền tỷ, thậm chí hàng trăm tỷ đồng, nhưng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đang 'gục ngã' ngay trên số tài sản 'khủng' của mình. Tất cả vì thị trường BĐS 'đóng băng'.

Hễ nơi nào có đường đi qua, ở khu vực đó giá đất tăng cao

“Ăn ngủ với đất”

Câu nói trên mang tính dí dỏm, nhưng là thực tế đầy chua chát của những người bước chân vào vòng xoáy giấc mơ làm giàu từ BĐS trong thời điểm đất sốt.

Người không có tiền thì làm “cò” kiếm lợi, người có tiền thì làm “nhà đầu tư”, mua đất chờ giá lên rồi “lướt sóng” kiếm lời chênh lệch. Thậm chí có người không có tiền vẫn sẵn sàng vay tiền “ôm” đất chờ thời.

Nhớ lại thời điểm đó, mỗi lần đi công tác, chúng tôi đều có thể bắt gặp nhiều bóng dáng từ giáo viên, sinh viên, nội trợ… làm "cò" đất và “nhà đầu tư” buôn đất ở các vùng quê. Ít thì vài chục triệu đồng hùn hạp, nhiều thì hàng tỷ đồng bỏ ra. Đất sốt thì dễ kiếm lời, thậm chí “trúng đậm” khi “lướt sóng”, sang tay. Nhưng khi nhà đất “đóng băng”, ai hên thì “rút” kịp, xui thì “ôm” nợ.

Qua câu chuyện của những “cò” đất đồng ý chia sẻ với chúng tôi, thì có thể thấy những người “ôm” đất không “rút” kịp nhiều đếm không xuể.

Mới đây tôi nghe anh Lê Văn H. lái xe dịch vụ chở khách tại Phú Vang kể về hàng chục trường hợp mắt kẹt với đất ngay tại làng quê heo hút của anh. Cụ thể, chính anh đã chứng kiến là cuối năm 2020, có một nhà đầu tư mua một miếng đất thổ cư diện tích gần 200m2 kèm thêm căn nhà cấp 4 tại xã Vinh Hà, Phú Vang với giá hơn 800 triệu đồng. Với giá đó chỉ một tuần sau đã có người đến đặt mua hơn 1 tỷ đồng, rồi tiếp đến có người ở TP. Huế về mua giá 1,2 tỷ đồng. Đến bây giờ chủ cuối rao bán 800 triệu đồng, chấp nhận lỗ hơn 400 triệu đồng nhưng chẳng thấy ai mua.

“Đất ở các xã Vinh Thái, Phú Gia, Vinh Hà giờ bán tháo nhiều lắm. Có nhiều mảnh rao bán mất 1/3 của giá gốc mua ban đầu mà chẳng thấy ai mua”- anh H. nói.

Hàng trăm tỷ đồng “bất động”

Tại xã Vinh Thanh (Phú Vang) hay Vinh Hưng (Phú Lộc) hay Phong Xuân, Phong Mỹ (Phong Điền)… cũng không ngoài vòng xoáy của cơn sốt đất suốt nhiều năm. Nhiều trường hợp mà chúng tôi có thông tin nhưng không dám chia sẻ, vì bây giờ nhắc đến họ là như muối xát vào vết thương, bởi đang “chôn” số tiền tính hàng chục tỷ đồng.

Nhiều chủ đất và nhóm đất ở TP. Huế hay, ở Phong Điền, Phú Vang..., có trường hợp đã ôm 5-10ha đất vườn, đất ruộng. Có trường hợp đã sang tên tách thửa, phân lô, bán nền nhưng có chủ đất mắc kẹt vì lướt sóng không kịp trước giờ đất "đóng băng". Mà số tiền mắc kẹt là quá khủng, giá trị hàng chục tỷ đồng được huy động từ ngân hàng, bạn bè, người thân.

Đơn cử có trường hợp ở thị trấn Phú Đa, Phú Vang là người thân của chúng tôi hiện đang kẹt vốn ngân hàng hơn 15 tỷ đồng, chưa kể huy động thêm người thân. Thử tính với lãi suất vay ngân hàng từ 10-15%/năm, thì mỗi tháng phải trả riêng tiền lãi cũng gần 200 triệu đồng.

“Đất của mình đầy đủ pháp lý, phù hợp quy hoạch. Khi thu gom xong thấy giá nhảy vọt nên nghĩ để ăn lớn. Nào ngờ mọi tính toán không như mình tính, đành ngậm đắng nuốt cay. Hơn một năm đi đâu mặt mày không dám nhìn thẳng. Giờ mà tình trạng này cứ kéo dài, không biết những ngày tới tôi về đâu” - anh bạn này giãi bày.

Không chỉ “ôm” đất ở Huế, mà nhiều trường hợp còn ôm đất ở các tỉnh bạn và đang nhận “trái đắng”.

Trường hợp L.V. T. (Phú Hội, TP. Huế) là một “cò” và cũng đồng thời hùn vốn góp tiền đầu tư với bạn bè để gom đất. Tổng số tiền mà nhóm của T. đã hùn hạp, vay mượn lên tới gần 100 tỷ đồng (trong đó vay ngân hàng khoảng gần 50 tỷ đồng), mua hơn 20ha đất nông nghiệp ở các địa phương trong tỉnh và nhiều dự án đất phôi ở tỉnh Quảng Nam, Quảng Trị, Đắk Lắk, Đắk Nông…

Đất không bán được, nhưng tiền lãi, tiền gốc vẫn phải trả đều. Hàng chục, hàng trăm tỷ đồng đang “chôn” trong “khối băng” BĐS. Thực sự BĐS đang “bất động” đã để lại nhiều hệ lụy buồn trong xã hội.

Thực tế này có thể nhận thấy ở những bài học từ nhiều năm trước, khi có không ít người phải cầm cố tài sản, sổ tiết kiệm, vay nóng mua đất rồi ôm đất và tán gia bại sản vì trót lao vào cuộc chơi BĐS đầy rủi ro...

Các chuyên gia BĐS nhận định, đợt “sốt đất” vừa qua, phần lớn nguyên nhân “thổi giá” đều dựa vào một vài thông tin như quy hoạch khu đô thị, mở đường, phát triển huyện thành quận… để vẽ ra viễn cảnh về một cơ hội đổi đời, thu hút người đến sau. Hoạt động mua đi, bán lại diễn ra trong lúc tranh tối, tranh sáng không phản ánh được nhu cầu thực chất của thị trường thì chắc chắn sẽ bị dừng lại…

Bài, ảnh: MINH VĂN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/thong-tin-thi-truong/khi-co-bay-khach-bien-ky-2-guc-tren-dong-tai-san-lon-130842.html