Khi chuyển đổi số đi vào cuộc sống

Chuyển đổi số (CĐS) là cuộc cách mạng toàn dân, phù hợp với sự phát triển của xã hội và đem đến sự thuận tiện, nhanh chóng cho người dân trong nhiều hoạt động. Tại Châu Thành, tỉnh Long An, việc CĐS đang từng bước đến gần với cuộc sống của người dân hơn thông qua những hoạt động hết sức gần gũi, đơn giản.

Lễ cưới của anh Nguyễn Quốc Việt là lễ cưới đầu tiên tại Châu Thành thực hiện mừng cưới không tiền mặt

Không dùng tiền mặt

Thanh toán bằng tiền mặt là thói quen của hầu hết mọi người. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, việc thanh toán không dùng tiền mặt đang dần được nhiều người biết đến. Tại thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, không quá khó để tìm thấy những cơ sở kinh doanh, dịch vụ chấp nhận thanh toán không tiền mặt. Từ cửa hàng gia dụng, phòng tập gym, quán cà phê, cửa hàng tạp hóa đến dịch vụ in ấn đều có chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt. Chủ các cửa hàng chuẩn bị sẵn số tài khoản hoặc mã QR để khách hàng thanh toán dễ dàng, nhanh chóng.

Anh Trịnh Tấn Triệu (chủ Cửa hàng in ấn Tấn Triệu, thị trấn Tầm Vu) chia sẻ, anh ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt được khoảng 1 năm trở lại đây nhằm phục vụ nhu cầu của khách hàng. Cửa hàng anh chấp nhận thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng, ví điện tử Momo và ZaloPay.

Mã QR được in lớn, đặt trên quầy tại cửa hàng. Anh Triệu nói: “Việc thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều lợi ích, lại tiện lợi, được nhiều người trẻ sử dụng. Ngoài việc phục vụ cho khách hàng tại chỗ, thanh toán không dùng tiền mặt còn hỗ trợ tôi khi làm việc với khách hàng xa, góp phần giúp tôi trong việc mở rộng kinh doanh. Việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng được đoàn thanh niên trên địa bàn huyện ủng hộ, vận động đoàn viên chung tay thực hiện”.

Bí thư Huyện Đoàn Châu Thành - Nguyễn Trung Rỡ cho biết, nhằm từng bước đưa CĐS vào đời sống, Huyện Đoàn vận động đoàn viên, thanh niên ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt vào hoạt động kinh doanh của mình. Cửa hàng in ấn Tấn Triệu, cá cảnh Khôi Nguyên, vật tư nông nghiệp Ba Đức,... là một trong những cơ sở tiên phong trong ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Nếu đoàn viên gặp khó khăn trong việc in mã QR, cán bộ đoàn sẵn sàng hỗ trợ.

Anh Nguyễn Trung Rỡ nói: “Bước đầu vận động, đoàn viên khá ủng hộ. Đặc biệt, có trường hợp còn thực hiện mừng cưới không dùng tiền mặt như đoàn viên Nguyễn Quốc Việt tại xã Long Trì. Đó là lễ cưới đầu tiên trong huyện thực hiện mừng cưới không dùng tiền mặt và nhận được sự ủng hộ của bạn bè cô dâu, chú rể”.

Góp vốn mua điện thoại

Để việc CĐS trở nên phổ biến, người dân cần được trang bị điện thoại thông minh. Đó là bước đầu tiên, quan trọng trước khi tuyên truyền và phổ biến về CĐS đến người dân. Hiểu được điều đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành xây dựng mô hình Góp vốn trang bị điện thoại thông minh - Ứng dụng CĐS.

Chị Trịnh Thanh Nguyên (trái) được trang bị điện thoại thông minh nhờ mô hình Góp vốn trang bị điện thoại thông minh - Ứng dụng chuyển đổi số

Ban đầu, mô hình được triển khai thí điểm trong ủy viên Ban Chấp hành Hội LHPNVN xã. Mô hình được phát triển trên nền tảng Tổ tiết kiệm tín dụng. Chủ tịch Hội LHPNVN xã Phú Ngãi Trị - Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết: “Nhằm giúp chị em tiếp cận với CĐS, dần ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ, tiện ích trên môi trường mạng vào đời sống, Ban Chấp hành xây dựng mô hình Góp vốn trang bị điện thoại thông minh - Ứng dụng CĐS, sử dụng nguồn vốn tiết kiệm tín dụng để giúp chị em mua điện thoại.

Mô hình thực hiện điểm trong ban chấp hành góp vốn trang bị điện thoại cho thành viên ban chấp hành và nhân rộng trang bị điện thoại cho chị em tổ trưởng, hội viên,... Mô hình điểm vừa tổng kết, trao điện thoại cho chị Trịnh Thanh Nguyên - Chi hội Trưởng ấp Bình Trị 1”.

Theo kế hoạch, trong năm 2023, tổ chức Hội Phụ nữ xã Phú Ngãi Trị sẽ trang bị 15 điện thoại cho hội viên phụ nữ thông qua mô hình Góp vốn trang bị điện thoại thông minh - Ứng dụng CĐS. Tuy nhiên, con số có thể thay đổi tùy vào nhu cầu thực tế của từng chi hội, tổ góp vốn. Khi cán bộ hội, hội viên phụ nữ đều có điện thoại thông minh đầy đủ thì việc trang bị kiến thức, kỹ năng về CĐS cho đội ngũ cán bộ, hội viên phụ nữ sẽ dễ dàng, thuận tiện hơn, từ đó dần nâng cao nhận thức về CĐS tại địa phương.

Bằng những việc làm hết sức thiết thực, Châu Thành đang từng bước đưa CĐS vào cuộc sống. Nhận được sự hỗ trợ kịp thời, phù hợp, người dân Châu Thành thuận tiện, dễ dàng hơn trong công cuộc CĐS, hòa mình xu thế phát triển chung của xã hội./.

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/khi-chuyen-doi-so-di-vao-cuoc-song-a160093.html