Vàng thế giới đang rẻ, Việt Nam làm sao liên thông với giá vàng quốc tế?

Theo VDSC, giá vàng vẫn đang ở vùng rẻ và rất có khả năng sẽ sớm đạt mốc 3.000 USD/ounce. Sức nóng từ thị trường vàng đang đề ra nhiều thách thức với nhà điều hành, trong đó có vấn đề phải làm sao để giá vàng SJC liên thông với giá vàng thế giới.

Vàng vẫn rẻ?

Khi giá vàng phá đỉnh 92,4 triệu đồng/lượng, nhiều người đã không còn có thể khoanh tay đứng nhìn. Nhiều cửa hàng vàng nhộn nhịp mua mua, bán bán bất kể thời gian. Hàng dài người xếp hàng chật cứng, có người đợi cả tiếng đồng hồ chỉ cầm được tờ giấy hẹn mua vàng.

“Có tiền thì phải tranh thủ mua trước khi vàng lên 100 triệu đồng/lượng chứ”, một người mua phấn khởi chia sẻ khi cầm được trên tay 2 chỉ vàng nhẫn sau một tiếng rưỡi đợi.

Không phải vô cớ mà nhiều người nói giá vàng sẽ lên tới 100 triệu đồng/lượng. Trước đó, Ngân hàng Citi nhận định, giá vàng thế giới có thể tăng lên 3.000 USD/ounce, tương đương 92,38 triệu đồng/lượng (theo tỷ giá hiện tại) trong thời gian tới.

Nếu cộng với mức chênh của giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hiện nay, khoảng hơn 18 triệu đồng, giá vàng trong nước có thể lên tới 110 triệu đồng/lượng. Mức giá này còn cao hơn cả con số dự đoán trên.

Theo phân tích mới nhất của VDSC, kịch bản giá vàng 3.000 USD/ounce hoàn toàn có thể xảy ra. Giá vàng thế giới đang được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố. Bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng, nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới giống như “bệ đỡ” cho giá vàng vút lên trong năm nay.

Giá vàng thế giới đã tăng hơn 12% so với đầu năm, mức tăng xấp xỉ bằng của cả năm 2023 (13%) và cũng đang ở mức đỉnh cao nhất của thời đại. Thế nhưng, nếu xét đến yếu tố lạm phát, giá vàng sau khi điều chỉnh lạm phát vẫn thấp hơn 21% so với mức đỉnh của cơn sốt vàng năm 1980.

“Soi chiếu từ góc nhìn lịch sử, khi vàng được coi là tài sản chống lại rủi ro lạm phát thì giá vàng thế giới hiện vẫn đang rẻ và vẫn có cơ hội để thiết lập các mức đỉnh tiếp theo. Kịch bản dự báo giá vàng thế giới chạm mốc 2.700 – 3.000 USD/ounce có xác suất xảy ra tương đối cao”, trích phân tích của các chuyên gia tại VDSC.

Triển vọng tăng của giá vàng thế giới có thể lý giải một phần cho đà tăng của giá vàng trong nước thời gian qua, và có thể là cả thời gian tới.

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 13/5, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thừa nhận “Chính phủ, Thủ tướng rất đau đầu vấn đề vàng”.

Phó Thủ tướng nhận định những biến động trên thị trường vàng thời gian vừa qua là khó lường và rất phức tạp. “Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm thị trường vàng là đúng, người dân cũng rất quan tâm nhưng phải đánh giá kỹ, bình tĩnh, tìm được giải pháp. Khi tìm được đúng bệnh thì chúng ta mới bốc thuốc tốt được”, Phó Thủ tướng nói.

Liên thông với thị trường vàng quốc tế

Một trong những nhiệm vụ để bình ổn thị trường vàng là thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới. Đến đây, câu hỏi đặt ra là “tại sao phải bắt giá vàng SJC theo sát giá vàng thế giới?”

Giá vàng trong nước chịu ảnh hưởng rất lớn từ giá vàng thế giới bởi Việt Nam là quốc gia có lượng vàng khai thác rất ít và phần lớn phải nhập khẩu vàng nguyên liệu bằng USD.

Kể từ sau Nghị định 24, vàng không còn là phương tiện thanh toán nên những biến động của giá vàng tác động không nhiều đến kinh tế vĩ mô như trước. Tuy nhiên, việc giá vàng trong nước tăng cao, thậm chí chênh tới 20 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới, có thể dẫn đến gia tăng tình trạng buôn lậu vàng. Từ đó, gây biến động đến tỷ giá, nhất là trên thị trường tự do.

Sức nóng từ tỷ giá đã âm ỉ từ cuối năm ngoái đến tận bây giờ. Lý do chính là do chỉ số US Dollar Index tăng cao khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn các đợt cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng mức tăng của giá vàng cũng đã phần nào khiến tỷ giá USD/VND “dậy sóng”.

Nhiều chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ lo ngại việc giá vàng tăng và chênh cao so với giá vàng thế giới sẽ kéo theo giá cả hàng hóa tăng lên, khiến lạm phát tăng trong thời gian dài. Chưa kể, dòng tiền trong dân sẽ chảy vào vàng, nằm im trong dân và sẽ không có lợi cho nền kinh tế.

Chính vì lẽ đó, thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là giải pháp căn cơ để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 5 phiên đấu thầu với mục đích tăng cung ra thị trường. Đáng lý ra theo một kịch bản đẹp, nguồn cung vàng miếng tăng sẽ giúp hạ nhiệt giá vàng, từ đó thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng thế giới và giá vàng trong nước. Thế nhưng, không phải chính sách nào cũng có thể hoàn hảo khi áp dụng vào thực tiễn. Càng đấu thầu, giá vàng lại càng nhảy múa.

Đấu thầu chưa có tác dụng, liệu có còn cách nào để thị trường vàng lặng sóng hay không?

Hãy nhìn sang thị trường vàng Trung Quốc, nơi có rất nhiều điểm tương đồng với thị trường vàng Việt Nam.

Từ xưa đến nay, vàng luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân Trung Quốc. Trong hai năm qua, thị trường bất động sản của Trung Quốc vẫn chưa thể hồi phục. Thị trường chứng khoán thì biến động, niềm tin của nhà đầu tư vẫn chưa quay trở lại hoàn toàn. Ở kênh gửi tiết kiệm, lãi suất giảm khiến người dân thờ ơ. Dòng tiền của người dân Trung Quốc khi đó bắt đầu đổ mạnh hơn vào vàng.

Nhu cầu vàng tại quốc gia châu Á liên tục tăng mạnh còn được cho là nguyên nhân chính đẩy giá vàng thế giới lên mốc cao mới. Thế nhưng, giá vàng tại Trung Quốc lại không quá chênh lệch so với giá vàng thế giới.

Ví dụ trong tháng 3/2024, giá vàng thế giới dao động ở ngưỡng 2.139 USD/ounce (54,4 triệu đồng/lượng) còn giá vàng tại Trung Quốc ở ngưỡng 2.218 USD/ounce (56,4 triệu đồng/lượng). Như vậy, giá vàng tại Trung Quốc chỉ cao hơn so với giá vàng thế giới 2 triệu đồng/lượng.

Để giá vàng trong nước liên thông với giá vàng thế giới, Trung Quốc, từ một thị trường khép kín đã dần mở cửa, “tự do hóa” thị trường vàng.

Trong giai đoạn 1949 – 2001, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đóng vai trò độc quyền thị trường vàng trong nước, từ khâu khai thác, sản xuất, gia công đến mua bán, xuất nhập khẩu vàng. Thời điểm đó, hoạt động xuất nhập khẩu vàng tại Trung Quốc đều phải xin PBOC cấp phép với số lượng tùy vào từng thời điểm. Giá vàng cũng phải áp dụng giá do PBOC quy định.

Lâu dần, cơ chế độc quyền trong phân phối và kiểm soát của PBOC khiến giá vàng không tuân theo quy luật cung cầu. Khi nhu cầu vàng của người dân bị đẩy lên cao, tình trạng nhập lậu vàng kiếm chất lượng diễn ra ngày càng nhiều.

Sau hơn 50 năm thực hiện kiểm soát, đến năm 2001, Trung Quốc thành lập Hiệp hội Vàng Trung Quốc (CGA) và Sở/Sàn giao dịch vàng Thượng Hải (SGE), bước đầu tự do hóa thị trường vàng. Với sự ra đời của SGE, giao dịch vàng miếng tại Trung Quốc được thực hiện tập trung qua sàn với cơ chế khớp lệnh tập trung, giá cả do cung cầu thị trường quyết định. Đồng nghĩa với việc Trung Quốc chấm dứt cơ chế độc quyền với thị trường vàng.

Từ năm, PBOC cho phép nhà đầu tư cá nhân được phép giao dịch vàng miếng trên SGE. Nhờ đó, tính thanh khoản của vàng trên SGE cũng được nâng lên đáng kể. PBOC cũng chấp thuận cho các ngân hàng trong nước và một số ngân hàng nước ngoài trở thành thành viên của SGE.

Đến năm 2010, Trung Quốc tiếp tục nới lỏng quy định trong hoạt động mua, bán và đầu tư vàng đối với các tổ chức tài chính và nhà đầu tư cá nhân khi nhiều ngân hàng được cấp phép nhập khẩu và xuất khẩu vàng.

Từ câu chuyện của thị trường vàng Trung Quốc, có thể thấy mở cửa thị trường vàng, xóa bỏ cơ chế độc quyền là một trong những cách hay để giá vàng trong nước liên thông với giá vàng thế giới.

Tuy vậy, việc Việt Nam có nên xóa bỏ độc quyền, tự do hóa thị trường vàng hay không vẫn cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Việc đưa ra các chính sách bình ổn thị trường vàng phải dựa các yếu tố vĩ mô, tình hình kinh tế - xã hội và phải có những tác động lâu dài chứ không phải chỉ giải quyết được vấn đề mang tính thời vụ.

Khánh Tú

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/vang-the-gioi-dang-re-viet-nam-lam-sao-lien-thong-voi-gia-vang-quoc-te-d110700.html