Khi cây xanh bị 'trói buộc' vòng đời

Nhằm tránh gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân trong mùa mưa bão, hàng năm, các đơn vị chức năng thuộc thành phố Hà Nội đã triển khai công tác cắt tỉa cành, hạ độ cao, kiểm tra, đề xuất phương án xử lý các cây xanh không đảm bảo an toàn trên toàn địa bàn. Thế nhưng, dù đã có kế hoạch kỹ lưỡng, chu đáo, nhưng tình trạng cây xanh bị đổ, gãy vẫn xuất hiện với nhiều nguyên nhân sâu xa khác nhau.

Vòng đời sinh trưởng bị bóp nghẹt

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn Thành phố hiện có khoảng 1,16 triệu cây bóng mát. Trong đó, cấp Thành phố đang quản lý, duy trì khoảng 800.000 cây trên 761 tuyến đường, phố tại 12 quận và các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, đường liên tỉnh, đại lộ và 5 công viên lớn. Cây xanh đã góp phần không nhỏ vào cảnh quan xanh, sạch, đẹp cho Thành phố; tuy nhiên, cùng với thời gian, nhiều cây xanh bị sâu bệnh, mục thân, cành, gây nguy hiểm khi mưa to, gió lớn. Do vậy, việc cắt tỉa, hạ độ cao cây xanh luôn được quan tâm hơn. Tính riêng trong năm 2023, qua việc rà soát, thành phố Hà Nội dự kiến cắt tỉa khoảng 348.000 cây xanh đô thị. Trong đó, cắt tỉa vén tán, nâng cao vòm lá khoảng 278.600 cây và cắt tỉa làm thưa tán, thấp tán, hạ thấp độ cao khoảng 69.400 cây. Việc làm này đã góp phần hạn chế tình trạng cây gãy, đổ gây nguy hiểm nhưng mỗi năm vẫn có hàng chục vụ tai nạn được ghi nhận.

Cây xanh đô thị đang bị "trói buộc" vòng đời sinh trưởng.

Mới đây nhất, vào trưa ngày 5/8, một cây xà cừ cổ thụ đã bất ngờ bật gốc đè trúng một xe buýt đang di chuyển trên phố Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng. Cây bị đổ là loại cây xà cừ có đường kính khoảng 60 - 80cm, cao hơn 20m, tán rộng hàng chục mét, cây vẫn xanh tốt khi bị bật gốc. Vụ việc không gây thương vong về người, nhưng đó cũng là hồi chuông cảnh báo về sự mất an toàn cho người dân.

Trước đó, vào mùa mưa bão năm 2022, chỉ trong một ngày 30/9 đã có hàng chục vụ cây xanh bị gãy đổ được ghi nhận, trong đó có một vụ cây đổ gây chấn thương cho người dân tại phố Hàng Mã (Hoàn Kiếm). Ngoài ra còn một số vụ cây gãy đổ làm hư hại ôtô trên các tuyến phố: Hàng Chuối, Láng Hạ, Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Ngân… Thực tế cho thấy, trong những tháng chuyển mùa, đặc biệt các tháng có hiện tượng thời tiết nguy hiểm như mưa dông, lốc, sét, gió giật mạnh… tình trạng cây xanh gãy, đổ rất dễ xảy ra.

Có nhiều nguyên nhân để xảy ra tình trạng cây xanh bị gãy đổ, về khách quan là do cây bị sâu bệnh mục rỗng như đã nói ở trên, nhưng đáng lên án hơn cả là hành vi “bức tử” cây xanh vẫn diễn ra phổ biến hàng ngày. Lấy ví dụ trên phố Tăng Bạt Hồ, nơi xảy ra sự cố cây đổ ngày 5/8 vừa qua, những cây xà cừ cổ thụ có đường kính hàng chục mét nhưng lại bị “trói buộc” trong khoảng không gian hạn hẹp hơn 2m2. Nhưng như vậy vẫn còn may, vì nhiều cây xanh khác thậm chí còn bị đổ xi măng, xây bục quây, kê gạch chắn… toàn bộ phần gốc với lý do để “sạch sẽ”. Cây xanh đô thị vốn nên được bảo vệ phát triển, thì lại bị chính những người thụ hưởng “trói buộc vòng đời” trong khoảng không gian chật hẹp.

Cần quan tâm hơn nữa

Trải qua thăng trầm của lịch sử, cây xanh đô thị của Hà Nội luôn là vấn đề được quan tâm và phát triển, nhưng do thiếu một quy hoạch có tính kế thừa nên nhiều vấn đề cũng đã bộc lộ. Đầu tiên, đó là tình trạng lộn xộn không theo quy hoạch. Ghi nhận trên nhiều tuyến phố cho thấy, số chủng loại cây do chính quyền các cấp và dân trồng thường đan xen lẫn nhau với tính chất lấp chỗ trống và thậm chí trồng không đúng chủng loại cây theo quy định. Điều này tạo nên hình ảnh của tuyến phố không chỉ đa dạng về loại cây, mà còn đa dạng về lứa tuổi, chiều cao và đặc điểm hình thái khác nhau, tạo nên sự hỗn loạn của cảnh quan đường phố.

Tiếp đến, đó là cây xanh trên đường phố Hà Nội được trồng trong những hố có kích thước không đảm bảo tiêu chuẩn. Xung quanh hố là vật liệu xây dựng hệ thống giao thông đã được lu lèn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật hoặc là phần vật liệu phục vụ công tác hoàn thiện bề mặt. Đối với những cây được trồng lâu năm, khi thực hiện nâng cấp hệ thống, hệ rễ cây cổ thụ đã bị xâm hại nghiêm trọng. Rễ non sau này mọc ra không còn nhiều khả năng phát triển và bám đất vì vướng các công trình ngầm. Điều này đi ngược lại với quy luật phát triển tự nhiên của cây xanh, làm mất cân bằng giữa phần tán lá và bộ rễ.

Ảnh: TD

Ngoài ra, trong thời gian qua công tác trồng cây xanh thường diễn ra ồ ạt, thiếu quy hoạch và không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật: Cây trồng chưa qua giâm ủ, cây trồng chưa đúng khoảng cách hoặc trồng trên những dải phân cách hay vỉa hè hẹp đang ẩn chứa những nguy cơ rất lớn về sự phát triển bền vững của cây xanh đường phố trong tương lai. Điều này có thể thấy rõ khi so sánh giữa các cây trồng trên phố cũ và các tuyến phố mới. Nếu những cây xanh trồng trên tuyến phố cũ còn cơ bản được giữ ở khoảng cách an toàn nhất định, thì cây xanh bóng mát trên tuyến phố mới đa phần được trồng trên vỉa hè hẹp và có độ rộng không đều. Chính vì vậy, trong quá trình sinh trưởng phát triển, cây xanh có xu hướng nghiêng ra đường là nơi có không gian và chiếu sáng tốt hơn, hiện tượng này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến giao thông và làm giảm đi giá trị không gian kiến trúc cảnh quan đường phố.

Nhiều chuyên gia cho rằng, mặc dù cây xanh đô thị có nhiều giá trị và lợi ích cả về vật chất, tinh thần và cải thiện khí hậu, nhưng chúng vẫn chưa được sự quan tâm đúng mực của cộng đồng và xã hội. Nhiều người dân còn sử dụng cây xanh cho nhiều mục đích khác nhau, nhằm phục vụ cho các hoạt động của bản thân như: Làm biển quảng cáo, đóng đinh hay các vật sắc nhọn; thậm chí bị bức tử, bê tông hóa hố trồng cây diễn ra khá phổ biến trên toàn Thành phố…

Chính vì vậy, để quản lý tốt và phát huy có hiệu quả công tác bảo tồn và phát triển cây xanh đường phố, nhiều ý kiến cho rằng, cần có một hệ thống văn bản pháp quy thống nhất và đồng bộ. Trong đó, các thuật ngữ, định nghĩa và quy định chung mang tính ràng buộc cần chuẩn hóa, thống nhất và đầy đủ theo thứ tự từ Luật, Nghị định, Thông tư, tiêu chuẩn kỹ thuật Chương trình phát triển, các đồ án quy hoạch… Quá trình triển khai thực hiện cần tuân thủ sự ràng buộc chặt chẽ với các đồ án quy hoạch và thiết kế cây xanh đã được phê duyệt, tạo đồng bộ với hạ tầng khu vực và sự đồng thuận của người dân địa phương cùng bảo vệ cây xanh đô thị.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khi-cay-xanh-bi-troi-buoc-vong-doi-159106.html