Khí cầu sẽ thay thế các tàu hàng?

Thảm họa khinh khí cầu Hindenburg vào năm 1937, khi chiếc Zeppelin chở theo 97 người bay từ Frankfurt của nước Đức đến New Jersey, Mỹ bốc cháy, đã đánh dấu sự kết thúc kỷ nguyên của ngành hàng không khí cầu. Tuy nhiên, các nhà khoa học nay lại cho rằng vận tải hàng hóa bằng các khí cầu sẽ có hiệu quả cao hơn các chuyến tàu vượt đại dương, đồng thời ít gây ô nhiễm môi trường hơn các con tàu chạy dầu.

Khí cầu USS Macon trên bầu trời New York năm 1933.

Trong một nghiên cứu vừa công bố, các nhà nghiên cứu đề nghị đóng những khí cầu lớn gấp 10 lần chiếc Hinderburg, tức dài gấp 5 lần chiều cao tòa nhà Empire State Building, để vận chuyển hàng hóa đi khắp thế giới. Các khí cầu khổng lồ này sẽ bay nhanh hơn các con tàu, bay một vòng quanh trái đất trong vòng 14-16 ngày, lại ít thải khí CO2 hơn. Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Julian Hunt đang làm cho một viện nghiên cứu ở Áo cho biết mục tiêu của đề xuất là nhằm giảm bớt mức khí thải gây hiệu ứng nhà kính của ngành vận tải biển.

Tận dụng các dòng khí (jet stream) di chuyển từ Tây sang Đông có vận tốc 165 ki lô mét/giờ ở độ cao 10-20 ki lô mét, các khí cầu có chiều dài chừng 2.500 mét có thể chở theo 20.000 tấn hàng đi vòng trái đất trong vòng 16 ngày, tiêu tốn rất ít nhiên liệu. Vì các dòng khí chỉ đi theo hướng Tây sang Đông nên ông Hunt hình dung khí cầu sẽ cất cánh từ Mỹ vượt qua Đại Tây Dương rồi châu Âu để đến châu Á. Ở chuyến đi về, khí cầu sẽ bay tiếp về hướng tây, vượt Thái Bình Dương quay về Mỹ.

Trả lời phỏng vấn NBC News, ông Hunt nói: “Tôi không phát minh ra chuyện này. Khí cầu Hindenburg từng đi theo con đường này. Các dòng khí 100 năm qua hầu như không thay đổi”. Tuy nhiên, công nghệ chế tạo và vận hành khí cầu đã thay đổi nhiều. Ngày xưa người ta từng phải dùng các vật liệu thô sơ như ruột bò để làm các túi khí, còn nhân viên vận hành chỉ biết dựa vào các dự báo thời tiết nhiều sai lệch. Ngày nay những vật liệu mới, kể cả sợi carbon, sẽ giúp khí cầu an toàn hơn các hệ thống dự báo thời tiết tinh vi sẽ giúp khí cầu tự tránh xa các cơn bão, giúp tận dụng tốt hơn các luồng khí.

Khí cầu đời mới vẫn dùng khí hydro như ngày xưa bởi loại khí này nhẹ hơn không khí đến 14 lần, lại rất rẻ và dễ khai thác hơn so với helium. Tuy nhiên, khí hydro lại dễ cháy nên hầu hết các khí cầu loại nhỏ ngày nay đều dùng helium. Để tránh rủi ro cháy nổ liên quan đến hydro, ông Hunt đề nghị bỏ luôn đội ngũ điều khiển, khí cầu tự bay và việc bốc dỡ hàng hóa do robot đảm nhiệm.

Ý tưởng dùng khí cầu khổng lồ để vận chuyển hàng hóa có nhiều ưu điểm, nhưng các nhà khoa học khác vẫn chỉ ra các hạn chế. Giáo sư Eric Lanteigne tại Đại học Ottawa cho rằng xây dựng các vật thể với kích cỡ như đề xuất là một thử thách cơ khí không nhỏ. Tìm nguồn vốn cho các dự án như thế cũng khó khả thi vì các nhà đầu tư vẫn còn ngại ý tưởng dùng khí hydro bơm vào khí cầu. Mỹ đã cấm dùng khí cầu hydro từ năm 1922, và sau thảm họa Hindenburg toàn thế giới đã tránh xa loại khí cầu này.

Thư Kỳ

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/293610/khi-cau-se-thay-the-cac-tau-hang-.html