Chủ tịch VNEI: Đổi mới sáng tạo cần sự đầu tư bài bản, rất khó có lợi nhuận ngay

Theo TS Nguyễn Trung Dũng - Chủ tịch VNEI, trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia, hình bóng của các trường ĐH còn rất mờ nhạt.

Ngày 16/5/2024, tại Đại học Quốc gia Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Quốc gia 2024.

Diễn đàn là sự kiện thường niên do Đại học Quốc gia Hà Nội giao cho Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp (VNU – CSK) phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho sự đổi mới và sáng tạo trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam.

Ra mắt Ban điều hành Mạng lưới đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học và Cao đẳng Việt Nam (VNEI).

Trong khuôn khổ Diễn đàn Đổi mới Sáng tạo Quốc gia 2024 với chủ đề “Xây dựng chiến lược nền tảng phát triển đại học định hướng đổi mới sáng tạo”, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Đại học và Cao đẳng Việt Nam (VNEI) đã ra mắt các thành viên trong Ban thường trực (gồm 13 thành viên) và Ban điều hành (gồm các thành viên của 7 tiểu ban) của mạng lưới và trao chứng nhận thành viên cho hơn 20 thành viên mới.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Dũng trình bày nghiên cứu của mình về chủ đề “Xây dựng mô hình tổ chức đổi mới sáng tạo thúc đẩy chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ trong trường đại học”. Ảnh: KMC.

Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, việc chuyển giao và thương mại hóa sản phẩm từ nghiên cứu của trường đại học ra thị trường là điều tất yếu. Chính vì vậy, trong khuôn khổ của diễn đàn, Tiến sĩ Nguyễn Trung Dũng – Tổng giám đốc BK Holdings, Chủ tịch Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học và Cao đẳng Việt Nam (VNEI) đã trình bày bài tham về chủ đề “Xây dựng mô hình tổ chức đổi mới sáng tạo thúc đẩy chuyển giao, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ trong trường đại học”.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Dũng, trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia, hình bóng của những thành phần cấu tạo, đặc biệt là các trường đại học còn rất mờ nhạt.

Từ năm 2016, lĩnh vực đổi mới sáng tạo ở nước ta đã có những biến đổi, tiến bộ (kể cả về các chỉ số hay vốn đầu tư,…). Tuy nhiên, thông tin truyền tải tới xã hội về những doanh nghiệp “kỳ lân”, những hình mẫu, câu chuyện thành công vẫn chưa được thực hiện một cách bài bản.

Từ những nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Nguyễn Trung Dũng cho rằng: “Khi nói về sứ mệnh của các cơ sở giáo dục đại học, người ta thường chỉ nghĩ nhiều đến hai sứ mệnh là giáo dục và nghiên cứu. Đây là những sứ mệnh chính trong việc đào tạo con người.

Tuy nhiên, trong nhiều nghiên cứu gần đây, những từ khóa như “đại học đổi mới sáng tạo”, “đại học sáng nghiệp”,… đã bắt đầu được các nhà nghiên cứu nhắc đến. Điều này được hiểu là sứ mệnh thứ ba của đại học – sứ mệnh về đổi mới sáng tạo.

Sứ mệnh này góp phần thúc đẩy phát triển của kinh tế - xã hội, đưa ra những giá trị về mặt thương mại hóa. Tuy nhiên, trên thực tế, sứ mệnh này vẫn chưa được đánh giá đúng mức.

Để làm được sứ mệnh thứ ba này là điều không hề dễ, và sứ mệnh ấy tại Việt Nam cũng mới chỉ ở bước khởi đầu”.

Nghiên cứu về vấn đề này, ông Dũng cho biết, ở nhiều quốc gia trên thế giới, mô hình về mặt tổ chức hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong đại học đã được thực hiện từ những thập niên 50 – 70 của thế kỷ XX.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Dũng chia sẻ về mô hình tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong đại học trên thế giới.

Tựu chung lại, thế giới hiện có ba mô hình tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong đại học, đó là:

Thứ nhất, mô hình những trung tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo nằm trong các trường đại học. Trên thế giới, mô hình này phổ biến vào những thập niên 70 – 80; còn ở Việt Nam, trên 90% các trường đại học sử dụng mô hình loại này.

Thứ hai, là mô hình các trường đại học sử dụng dịch vụ hoặc tạo lập ra các trung tâm/tổ chức thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo độc lập.

Và cuối cùng, là mô hình dành cho các đại học mang tính chất dẫn dắt, hoặc mạng lưới đại học khi sử dụng chung một tổ chức về chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Mỗi mô hình đều có những ưu điểm, nhược điểm riêng.

“Hiện nay, không có mô hình nào có thể áp dụng chung cho tất cả các trường. Tùy thuộc vào định hướng chiến lược, nguồn lực... mà mỗi trường sẽ chọn lựa được một mô hình tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo đúng đắn nhất dành cho mình” – Tiến sĩ Nguyễn Trung Dũng nhận định.

Về các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học, ông Dũng cho biết, Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học và Cao đẳng Việt Nam nhận thấy đây là một “nỗi đau” của các trường đại học.

“Đa phần các trường đại học Việt Nam hiện nay đều đang nhận thấy mình làm tốt khi dừng ở mức tuyển sinh được nhiều sinh viên, thu được học phí, nâng cao chất lượng đào tạo. Còn hoạt động đổi mới sáng tạo lại khá “xa vời”.

Các trường cũng không có sự quan tâm đúng mức cho tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Đa phần hoạt động của các trường trong lĩnh vực này mới đang dừng ở mức độ là những cuộc thi của sinh viên, “vỗ tay, trao giải, xong rồi về” và gọi đấy là đổi mới sáng tạo. Thực chất, đây thường chỉ là những hoạt động mang tính phong trào.

Thậm chí, những điều này đang hiện diện tại những trường mà tuyên bố trong sứ mệnh, tầm nhìn tương lai trở thành đại học sáng nghiệp hay trường đại học đổi mới sáng tạo. Thực ra đó chỉ là những mỹ từ, không thực tế” – Tiến sĩ Trung Dũng chia sẻ quan điểm.

Do đó, ông Dũng cho rằng các trường cần nghiêm túc tự nhìn nhận lại, nghiên cứu về sự cần thiết của việc tổ chức mô hình đổi mới sáng tạo trong đại học. Bởi, lợi ích của việc này được thể hiện qua những điểm sau:

Thứ nhất, thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ;

Thứ hai, thu hút và giữ chân các giảng viên tài năng. Làm tốt điều này cũng góp phần hạn chế sự dịch chuyển của đội ngũ giảng viên từ trường công lập sang trường tư thục;

Thứ ba, thu hút các nguồn kinh phí hỗ trợ nghiên cứu và thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu (đặc biệt là khối tư nhân);

Thứ tư, đưa hợp tác và kết nối với doanh nghiệp trở nên hiệu quả. Trước đây, đa phần việc kết nối với doanh nghiệp của các trường đại học liên quan đến học bổng, việc làm cho sinh viên, thường vẫn theo cơ chế xin – cho. Nhưng nếu có hệ thống đổi mới sáng tạo chất lượng, việc hợp tác với doanh nghiệp sẽ thực hiện theo hình thức đôi bên cùng có lợi;

Thứ năm, đón đầu các dự án lớn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo;

Thứ sáu, tạo các nguồn thu từ đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ tiếp tục hỗ trợ nghiên cứu và đào tạo;

Thứ bảy, góp phần tăng chỉ số trên bảng xếp hạng Đại học Quốc tế. Trong các bảng xếp hạng đại học uy tín hàng đầu thế giới, những chỉ số về đổi mới sáng tạo là vô cùng quan trọng;

Thứ tám, tạo ảnh hưởng xã hội và tăng uy tín của Nhà trường;

Cuối cùng, góp phần thực hiện sứ mạng và tầm nhìn chung.

Tiến sĩ Nguyễn Trung Dũng – Tổng giám đốc BK Holdings, Chủ tịch Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học và Cao đẳng Việt Nam (VNEI). Ảnh: KMC.

Ông Dũng cũng cho rằng, các trường cần coi phát triển đổi mới sáng tạo là chiến lược đúng đắn, lâu dài của nhà trường thay vì chỉ nghĩ mang tính phong trào. Đồng thời, cần lưu ý rằng đổi mới sáng tạo là một câu chuyện khó, phải được thực hiện bài bản, lâu dài. Do vậy, sẽ rất khó để đòi hỏi yếu tố lợi nhuận ngay từ vấn đề này.

Ngoài ra, vị Chủ tịch Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học và Cao đẳng Việt Nam (VNEI) cũng chia sẻ thêm một số yếu tố giúp đảm bảo thành công của việc đổi mới sáng tạo, cụ thể:

Thứ nhất, là yếu tố về số lượng và chất lượng nghiên cứu của nhà trường;

Thứ hai, là cần hệ sinh thái trong trường tương đối hoàn chỉnh;

Thứ ba, là sự cam kết dài hạn của lãnh đạo nhà trường trong việc thực hiện sứ mệnh thứ ba;

Thứ tư, nhà trường cần đầu tư vật chất cho trung tâm chuyển giao công nghệ trong giai đoạn ban đầu;

Thứ năm, đảm bảo hoạt động tự chủ cho trung tâm chuyển giao công nghệ: tự chủ tài chính và tự chủ hoạt động;

Thứ sáu, cung cấp cơ chế rõ ràng cho các nhà nghiên cứu thông qua phân bổ lợi nhuận.

Cuối cùng, có nhân sự đa nhiệm (có kinh nghiệm về hoạt động nghiên cứu, sở hữu trí tuệ và kinh doanh).

“Chuyển giao và thương mại hóa công nghệ từ trường đại học ra thị trường là một yếu tố quan trọng đối với sự đổi mới và phát triển của nền kinh tế. Chính sách hỗ trợ trong việc tạo điều kiện cho việc này là cực kỳ quan trọng.

Cần có các cơ chế và chính sách linh hoạt và hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Chính phủ để khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động chuyển giao công nghệ từ nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng thực tiễn trong sản xuất và kinh doanh” – Tiến sĩ Trung Dũng cho hay.

Việc tạo ra các quỹ hỗ trợ đầu tư cho các dự án chuyển giao công nghệ, cùng với việc xây dựng các cơ chế hỗ trợ cho các nhà nghiên cứu và sinh viên có ý tưởng sáng tạo là cần thiết. Đồng thời, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa trường đại học, doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu để tạo ra một môi trường hỗ trợ và khuyến khích sự chuyển giao công nghệ một cách hiệu quả nhất.

Mạng lưới đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Đại học và Cao đẳng Việt Nam (VNEI) ra đời dưới sự bảo trợ của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) với mục tiêu gắn kết, tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức có cùng chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong các trường đại học, cao đẳng để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo trong đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và phát triển năng lực toàn diện cho cơ sở giáo dục và đào tạo với ba giá trị cốt lõi của Mạng lưới bao gồm: Kết nối – Hợp tác – Cùng đổi mới sáng tạo (Connect – Cooperate – Co-innovate).

Kim Minh Châu

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/chu-tich-vnei-doi-moi-sang-tao-can-su-dau-tu-bai-ban-rat-kho-co-loi-nhuan-ngay-post242805.gd