Khi cán bộ công đoàn học viết báo

Ngày 8.4, LĐLĐ tỉnh Bạc Liêu và Báo Lao Động - Văn phòng Đại diện tại ĐBSCL đã phối hợp tổ chức lớp tập huấn (LTH) kỹ năng viết báo trong cán bộ CĐ (ảnh). Từ LTH, nhiều cán bộ CĐ tự tin cho rằng, họ hoàn toàn có thể sử dụng phương tiện báo chí để phục vụ cho công việc của mình, vì sự lớn mạnh của của tổ chức CĐ.

Phục vụ cho hoạt động công đoàn

Đến dự LTH có ông Đinh Nam Bộ - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Bạc Liêu - và gần 30 cán bộ CĐ thuộc LĐLĐ tỉnh, CĐ ngành và LĐLĐ các huyện, thị. Ông Đinh Nam Bộ cho biết, LTH nhằm thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TLĐ của Tổng LĐLĐVN về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí, xuất bản của tổ chức CĐ trong tình hình mới” và thực hiện Chương trình phối hợp giữa Báo Lao Động và LĐLĐ tỉnh Bạc Liêu về việc đẩy mạnh tuyên truyền phong trào CNVCLĐ, hoạt động CĐ và phát hành báo chí CĐ trong CNVCLĐ. Cũng theo ông Bộ, thời gian qua mặc dù các cấp CĐ tỉnh Bạc Liêu làm được rất nhiều việc, nhiều mô hình hay, phong trào nổi bật, nhiều gương điển hình…, nhưng lại ít khi được phản ánh trên báo chí của tổ chức CĐ. Kể cả trang thông tin điện tử của LĐLĐ tỉnh cũng ít có tin, bài phản ánh kịp thời các hoạt động nổi bật trong hệ thống CĐ. LTH nhằm bồi dưỡng cho đội ngũ cộng tác viên có kỹ năng viết tin, bài, chụp ảnh và truyền tải, cập nhật thông tin lên trang thông tin điện tử LĐLĐ tỉnh và sử dụng trên Báo Lao Động, nhằm phản ánh kịp thời hoạt động CĐ, điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt trong hệ thống CĐ.

Tại buổi tập huấn, nhà báo Nguyễn Phấn Đấu - Trưởng văn phòng Đại diện tại ĐBSCL - Báo Lao Động - đã trao đổi những kỹ năng, kinh nghiệm về cách viết tin, bài cho học viên (HV). Mục tiêu của LTH là mọi HV đều có thể viết tin và bài đơn giản về hoạt động CĐ và phong trào CNVCLĐ. Những HV có năng khiếu, sự đam mê, sẽ được tiếp tục hướng dẫn để có thể gắn bó nhiều hơn với nghề báo.

Tưởng khó, hóa dễ

Buổi sáng, các HV đã được đi thực tế tham quan triển lãm lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam - những bằng chứng lịch sử và pháp lý” (tại TP.Bạc Liêu, do Bộ TTTT và UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức). Sau khi đi thực tế, vận dụng kiến thức đã học, hầu hết HV đều viết được tin ngắn về sự kiện này. HV Lê Trường Hải (Ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh) còn “âm thầm” viết tin sâu về LTH và được Báo Lao Động điện tử sử dụng ngay sau đó. Nhiều HV cho biết, trước đây khi chứng kiến những sự kiện hay, những vấn đề thú vị, tự mình muốn viết tin, bài gửi báo, nhưng không biết bắt đầu bằng cách nào. Giờ thì họ tự tin để viết tin, bài gửi báo.

Anh Trần Hùng Cường (Quỹ Trợ vốn cho NLĐ nghèo tự tạo việc làm - Quỹ CEP Bạc Liêu) cho biết, trong thời gian qua, Quỹ CEP Bạc Liêu đã giúp rất nhiều gia đình NLĐ thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống. Anh ấp ủ ý tưởng viết bài về chuyện thú vị này, nhưng chưa biết bắt đầu ra sao. Anh Cường tự tin nói: “Giờ thì tôi hoàn toàn có thể viết bài báo đã dự định từ lâu”. Cùng tâm trạng đó, HV Phạm Phi Thuấn (LĐLĐ TP.Bạc Liêu) đăng ký viết đề tài về chuyện nhiều người giả danh cán bộ CĐ cấp trên để o ép các CĐCS, doanh nghiệp mua các ấn phẩm vô bổ với giá “cắt cổ”. Anh Thuấn nói: “Trước đây tôi thỉnh thoảng có viết tin gửi trang thông tin điện tử LĐLĐ tỉnh, còn bài thì chưa dám. Giờ thì tôi thấy mọi chuyện dễ dàng hơn nhiều”.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/dbscl/khi-can-bo-cong-doan-hoc-viet-bao-539859.bld