Khi các nhà báo tiết lộ 'sự thật trần trụi' của bóng đá Việt Nam

Những câu chuyện chưa được nói của bóng đá Việt Nam, những căn bệnh trầm kha về vấn nạn trọng tài, bạo lực sân cỏ, dàn xếp tỉ số cùng sự tồn tại của 'nhóm lợi ích' trong VFF và VPF… đã được ba nhà báo Nguyễn Nguyên, Đặng Hoàng, và Đinh Hiệp 'đưa ra ánh sáng' trong cuốn sách 'Trần trụi bóng đá Việt'

Xem video toàn bộ nội dung chia sẻ và giao lưu với khán giả của nhóm tác giả

Trước thềm Sea Games 29, ba nhà báo thể thao nổi tiếng của Việt Nam gồm Nguyễn Nguyên , Đặng Hoàng, Đinh Hiệp bất ngờ có buổi giao lưu ra mắt cuốn sách Trần trụi bóng đá Việt tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TP.HCM vào chiều ngày 11.8.

Ban đầu đây chỉ đơn thuần là buổi ra mắt sách về một giai đoạn bóng đá Việt Nam, nhưng dường như nội dung của cuốn sách đã chạm đúng vào những bức xúc của người hâm mộ nên buổi giao lưu sách bất ngờ nóng lên với nhiều câu chuyện "chưa từng biết" và những góc tối của bóng đá Việt Nam được các tác giả tiết lộ.

Ba nhà báo thể thao chia sẻ những câu chuyện liên quan đến bóng đá Việt Nam

Tại buổi giao lưu, những câu chuyện được cho là "thâm cung bí sử" của bóng đá Việt Nam cùng một phần bí mật tồn tại trong làng bóng đá Việt những căn bệnh trầm kha tồn tại nhiều từ nhiều năm nay trong bóng đá Việt Nam như trọng tài, bạo lực sân cỏ, dàn xếp tỉ số… đã được nhóm nhà báo này “đưa ra ánh sáng”.

Ngoài ba nhân vật chính là nhóm tác giả Nguyễn Nguyên, Đặng Hoàng, Đinh Hiệp, buổi giao lưu còn có sự xuất hiện của các cựu quan chức ngành thể thao Việt Nam như ông Lê Bửu, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, trọng tài Dương Mạnh Hùng, ông Nguyễn Văn Chương, nguyên quyền GĐ Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam, ông Dương Tiến Thành cựu trợ lý HLV ngôn ngữ các đội tuyển bóng đá Việt Nam...

Ông Vũ Tiến Thành cựu trợ lý HLV ngôn ngữ các đội tuyển bóng đá Việt Nam đang lắng nghe các tác giả chia sẻ

Câu chuyện về làng bóng Việt được ba cây viết thể thao cùng các khách mời trong buổi giao lưu đã làm cho người hâm mộ khá bất ngờ bởi thái độ thẳng thắn, không ngại va chạm khi “bắt bệnh” nền bóng đá Việt Nam.

Tuy nhiên khán giả cũng tỏ ra nghi ngờ về sự chân thật của những dữ liệu có trong cuốn sách. Các câu hỏi đặt ra cho nhóm tác giả và các vị khách mời rằng "phải chăng họ bị VFF "thất sủng" nên bây giờ "tiết lộ những bí mật" từ nội bộ của LĐBĐ Việt Nam với công chúng.

Từ câu hỏi này các tác giả đều khẳng định họ nói ra trên tinh thần muốn xây dựng nền bóng đá Việt Nam tốt hơn chứ không nhằm "đấu tố" các quan chức của liên đoàn.

"Trần trụi bóng đá Việt" ra đời không chỉ để vén màn sự thật đen tối tồn tại trong bóng đá nước nhà, mà đó còn là bài toán để các cơ quan chức năng làm trong sạch bóng đá Việt.

"Người hâm mộ đòi hỏi một nền bóng đá sạch. Chỉ có như vậy, bóng đá Việt Nam mới phát triển và cạnh tranh với các quốc gia khác", nhà báo Đinh Hiệp phát biểu.

Giải thích về tấm ảnh trong trang đầu của cuốn sách "Trần trụi bóng đá Việt", nhà báo Nguyễn Nguyên nói đại ý rằng anh chọn với hình ảnh Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân là hai người thường có mặt trên khán đài Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) cổ vũ mỗi khi đội tuyển Việt Nam thi đấu để nói rằng bóng đá Việt Nam được người dân cuồng nhiệt ủng hộ, lãnh đạo nhà nước rất quan tâm, nhưng tại sao nó vẫn mãi không phát triển?.

Biết bao nhiêu lần đội tuyển Việt Nam bước vào trận chung kết ở SEA Games, nhưng chưa bao giờ bước lên ngôi cao nhất, ngoại trừ một lần vô định AFF Cúp trên sân nhà, còn tất cả đều gục ngã trước cổng thiên đường.

“Lỗi này do đâu?”- Nhà báo Nguyễn Nguyên đặt câu hỏi và cũng tự trả lời rằng đó là do cách làm bóng đá thiếu chất xám, lười học hỏi, không coi trọng những người làm chuyên môn và thiếu bàn tay định hướng.

Một cơ quan điều hành bóng đá đang được triển khai theo mô hình “công ty trách nhiệm hữu hạn hai người”, tập hợp những người đến với bóng đá nhằm “vinh thân phì gia”, được vận hành theo các nguyên tắc tiền tệ, quan hệ, hậu duệ, đồ đệ…”

Ông Nguyễn Văn Chương, nguyên quyền GĐ Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam kể những câu chuyện về cách làm thể thao hiện nay

Buổi giao lưu càng nóng lên hơn khi cựu Còi Vàng Việt Nam- trọng tài Dương Mạnh Hùng có những ý kiến khá sốc: "Bóng đá Việt Nam nhiều góc khuất, VFF góc nào cũng khuất, chỉ người hâm mộ bóng đá là bất khuất, đây là điều thực lòng đối với tôi…”. Tiếp đó ông Nguyễn Văn Chương, nguyên quyền GĐ Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam cũng đã chia sẻ "những góc khuất" từ VFF...

Tác giả, nhà báo Đặng Hoàng tiết lộ rằng, anh tham gia viết cuốn sách này là muốn công khai về mối quan hệ rối rắm, lợi dụng, đe dọa, thách thức, răn đe, đội trên đạp dưới giữa con người với con người trong cách làm bóng đá của Việt Nam. Nói để xây dựng nền bóng đá Việt Nam tiến bộ hơn.

“Đơn giản như câu chuyện nhỏ như con ruồi ông Nguyễn Trọng Hỷ, Chủ tịch VFF hai nhiệm kỳ liên tiếp là 5 và 6, thế mà khi rời khỏi VFF, những người có tiếng nói quyết định trong VFF nhiệm kỳ 7 vì sao không có đến một buổi chia tay ông Hỷ?

Ông Dương Mạnh Hùng-cựu Còi vàng Việt Nam nói về bóng đá Việt

Ông Hỷ khi đương thời sống như thế nào để người ta đối xử tệ bạc như thế? Còn những người nắm quyền lực bóng đá hiện nay đã bỏ ngoài tai những lời nhắc nhở về việc tổ chức buổi chia tay này – do đâu?...

Lãnh đạo địa phương đưa trọng tài 500 triệu để thực hiện đúng kế hoạch. Nhưng trọng tài đã từ chối. Sau trận đấu, khi kết quả không như ý muốn, một trận đánh đổ máu sẽ xảy ra nếu như.... không xuất hiện kịp thời can thiệp. 500 triệu đồng hơn 10 năm trước cứ cho bây giờ là 5 tỷ đồng.

Họ là những ai? Đó la trận đấu nào? Tất cả được đều có trong cuốn sách…”, nhà báo Đặng Hoàng nói.

Nhà báo Đặng Hoàng kết luận: "Chúng tôi muốn bóng đá Việt phải thay đổi từ cơ quan điều hành đến hệ thống giải vô địch quốc gia, đội ngũ trọng tài... Rõ ràng với những gì diễn ra hiện nay, nền bóng đá Việt không thể tiến xa được".

Xem video toàn văn phát biểu của cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng:

Ngoài ra trong buổi giao lưu này các nhà báo Nguyễn Nguyên và Đinh Hiệp cũng đã trả lời nhiều câu hỏi liên quan đến những góc khuất của bóng đá Việt Nam từ phía khán giả.

Trần trụi bóng đá Việt gồm 8 chương. Trong 7 chương sách đầu, các tác giả dường như đang nỗ lực đi tìm những nguyên nhân khiến bóng đá Việt chậm tiến, với những sự thật đầy trần trụi được phơi bày.

Những trang sách cho thấy đồng tiền đã phủ một cái bóng quá lớn lên bóng đá Việt. Tiền khiến các cầu thủ chấp nhận bán độ. Tiền khiến các trọng tài có thể “đổi trắng thay đen” kết quả của một trận đấu nào đó. Tiền cũng là món quà mà các quan chức bóng đá trao tay nhau để đạt được mục đích…

Ông Lê Bửu, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT phát biểu chúc mừng tác phẩm của các tác giả

Các tác giả cũng đặt ra câu hỏi "Bóng đá Việt Nam đang được lãnh đạo quan tâm, người dân yêu thương, được dẫn dắt bởi những huấn luyện viên tài năng cả trong và ngoài nước; thế nhưng, bóng đá Việt Nam vẫn lẹt đờ lẹt đẹt, không chịu lớn, mãi vẫn không phát triển.

Vậy, ai đang “giết” bóng đá Việt Nam? Một câu hỏi đầy nhức nhối nhưng đã có câu trả lời, và chắc chắn là nhiều người cũng biết.

Đó là “cái áo cơ chế” cũ, là những “nhóm lợi ích”, là những kẻ lấy bóng đá để “vinh thân phì gia”. Các tác giả viết: “Tồn tại những thứ này thì không thể có trung thực, minh bạch, dân chủ, phản biện được.

Vấn nạn trọng tài, bạo lực sân cỏ, thi đấu tiêu cực, thiếu vắng khán giả… chỉ là bề nổi và hiệu quả của việc thiếu trung thực, minh bạch, dân chủ, phản biện mà thôi”.

Theo ba tác giả, ông Alfres Riedl với câu nói bất hủ “Bóng đá Việt Nam đang xây nhà từ nóc” khi được hỏi nó còn đúng trong bối cảnh hiện nay không, ông nói: “Tôi cho vẫn đúng, Liên đoàn không đủ kiên nhẫn và có kế hoạch dài hạn để phát triển bóng đá.

Tất cả đang tìm kiếm những kết quả tức thời từ AFF Cup, SEA Games, bởi những người có quyền luôn muốn “tỏa sáng” trước công chúng. Nếu không có sự thay đổi thì Bóng đá Việt Nam khó có thể đuổi kịp Thái Lan, mà đó chỉ là mục tiêu đầu tiên trước khi hướng đến nhóm đầu châu Á”.

Còn một nguyên nhân nữa khiến bóng đá Việt Nam “nhiễu loạn, sắp chạm tới đáy” mà theo ông Steve Darby - một chàng rể Việt hiểu về bóng đá nước ngoài và bóng đá Việt, lại gắn bó lâu năm với bóng đá Việt, người từng dẫn dắt đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đoạt huy chương vàng SEA Games đầu tiên năm 2001, đó chính là truyền thông.

Hơn 200 trang sách mà các tác giả tự nhận đây là những “bài báo dài” được trình bày dưới dạng một cuốn sách, những vấn nạn nhức nhối đang tồn tại trong “môn thể thao vua” của Việt Nam được đưa ra mổ xẻ dựa trên quan điểm và cách nhìn của các nhà báo lâu năm theo dõi bóng đá Việt Nam.

Qua đó những người viết sách cũng mong muốn đưa bóng đá Việt trở thành một nền “bóng đá sạch”, không bán độ, móc ngoặc, cầu thủ đá phải không bạo lực, cư xử có văn hóa, đội bóng phải xây dựng được sự lành mạnh trong tài chính, không phải làm bóng đá theo kiểu “tiền chọi tiền”.

Trang cuối cùng của cuốn sách, các tác giả trích đưa ra thông điệp: “Chúng ta không trách cứ nhau nữa, chúng ta đều có phần trách nhiệm đối với “môn thể thao vua” mà chũng ta cùng đang mê, khi nó chưa tốt thì đơn giản là vì chúng ta chỉ chơi thôi, mà chưa làm, như ông Trần Bẩy nói: “Hồi trước, người ta chơi bóng đá, bây giờ cũng vẫn chơi bóng đá. Nước ta từ xưa tới nay, tôi chưa thấy có ai làm bóng đá, họ toàn chơi bóng đá”.

Tiểu Vũ

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-thao-c-71/khi-cac-nha-bao-tiet-lo-su-that-tran-trui-cua-bong-da-viet-nam-69306.html