Khép lại nỗi đau quá khứ, Noong Nhai vươn mình phát triển

Khép lại nỗi đau quá khứ, đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã cùng nhau phát triển trên chính mảnh đất chiến trường năm xưa.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), nhằm cắt đứt chi viện, hỗ trợ của hậu phương ngay tại cơ sở, cách ly dân chúng với bộ đội Việt Minh, thực dân Pháp đã dồn người dân trên địa bàn vào 4 trại tập trung, đặt dưới sự giám sát chặt chẽ của các đồn binh. Và khi bước vào đợt tấn công thứ 2 của quân ta, Pháp rơi vào thế bị bao vây, nguy cơ tiêu diệt cận kề nên đã cho máy bay ném bom tàn sát dân thường ở trại tập trung Noong Nhai (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên).

Bức tượng người phụ nữ Thái bế đứa con đã bị bom giặc giết chết trên tay như thể hiện nỗi đau tột cùng của người dân Noong Nhai.

66 năm đi qua, chỉ có câu chuyện lịch sử về sự tàn ác của đế quốc thực dân gây cho người dân Noong Nhai vẫn còn nguyên vẹn, còn bản làng, diện mạo của mảnh đất lịch sử ấy đã biết bao thay đổi, đời sống người dân ấm no hạnh phúc.

Nằm cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 5km theo Quốc lộ 279 về phía Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang, bản Noong Nhai (xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất của máu và nước mắt. Chính tại đây, ngày 25/4/1954, hơn 440 người dân vô tội đã vĩnh viễn ra đi trong vụ thảm sát tang tóc bằng bom Napal mà thực dân Pháp điên cuồng cho máy bay dội xuống. Cuộc thảm sát đẫm máu ấy thể hiện sự bất lực khi không thể ngăn nổi lòng yêu nước của người dân Noong Nhai, tìm mọi cách chi viện, tiếp tế lương thực cho bộ đội chủ lực tiến về giải phóng mảnh đất Mường Thanh.

Từ mảnh đất chịu vết thương chiến tranh nặng nề, bản Noong Nhai nói riêng, xã Thanh Xương nói chung nay đã thực sự thay da đổi thịt.

Trong ngôi nhà sàn khang trang, đường bê tông sạch đẹp đến tận cổng nhà, ông Lò Văn Hặc - một trong những người dân may mắn sống sót sau vụ thảm sát đẫm máu năm ấy vẫn trầm ngâm với ánh mắt buồn khi nhắc lại câu chuyện đau thương của cả một cộng đồng.

Bản làng tươi đẹp vốn đang bình yên thì “người Tây” tiến về đóng đồn bốt, nhảy dù xuống lấy ô tô kéo đổ nhà cửa lấy cột về làm hầm, cướp bóc của cải. Người dân bị tập trung lại thành khu, bắt làm nhà thành dãy để dễ bề quản lý, tách người dân với bộ đội giải phóng. Không khuất phục trước sự xâm chiếm, khao khát giải phóng đất Mường Then, giống như thế hệ cha ông các tướng Ngải, tướng Khanh và thủ lĩnh Hoàng Công Chất cũng trong tháng 5 lịch sử 200 năm về trước (1754) đánh tan giặc Phẻ, khi màn đêm buông xuống, trai tráng trong bản lại trốn đồn bốt, tìm cách chi viện cho bộ đội, tham gia vào kháng chiến.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn vẫn đang không ngừng nỗ lực để xây dựng bản làng ngày thêm ấm no, Thanh Xương đã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2018.

Vì không thể ngăn chặn được lòng yêu nước cháy bỏng của đồng bào nơi trời Tây Bắc, lâm vào thế bị động khi bị bao vây, nguy cơ tiêu diệt cận kề nên chúng đã ngang nhiên cho máy bay ném bom tàn sát dân thường ở khu trại tập trung Noong Nhai này.

Nhớ lại giây phút đau thương lịch sử ấy, ông Lò Văn Hặc cho biết: Khi ấy ông cùng các bạn thanh niên ở lứa tuổi 14, 15, đang chơi cù, đánh khăng với nhau trước hiên nhà thì những tiếng động cơ gầm rú, sau cùng là những tiếng nổ lớn cùng ánh sáng chói lòa làm nhòa đôi mắt. Sợ hãi, mọi người cùng nhau chạy trú vào đống củi dưới gầm nhà sàn. Sau trận dội bom, quang cảnh đổ nát, nhà cửa xung quanh bốc cháy, khói cuộn ngút trời. Người dân trong bản nằm chết la liệt, tiếng khóc của những người mẹ mất con thấu đến tận trời xanh, chấn động cả một vùng đất Mường khi ấy.

Người dân Noong Nhai tập trung phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Gần 7 thập kỷ trôi qua, khu tưởng niệm cuộc thảm sát đẫm máu ở Noong Nhai vẫn sừng sững nằm bên tuyến đường Quốc lộ 279, con đường xuyên Á sang nước bạn Lào. Bức tượng người phụ nữ Thái bế đứa con đã bị bom giặc giết chết trên tay như thể hiện nỗi đau tột cùng mất con của những người mẹ, nhưng vẫn kiên cường bất khuất đứng lên. Và nỗi đau thương ấy không ai có thể hiểu rõ hơn những nhân chứng lịch sử đã sống sót sau cuộc thảm sát đẫm máu của đế quốc thực dân.

Thế nhưng, dù chưa bao giờ hết nguôi ngoai về quá khứ đau thương mà giặc Pháp đã để lại, nhưng tất thảy người dân Noong Nhai đều có chung suy nghĩ cần khép lại mọi đau buồn để tiến về phía trước, làm cho cuộc sống tươi đẹp hơn. Nhờ sự chung sức đồng lòng, người Noong Nhai hôm nay đã nỗ lực vượt qua đau thương để xóa đi tàn tích của chiến trận, xây dựng quê hương no ấm, đủ đầy. Hơn ai hết, những nhân chứng lịch sử như ông Lò Văn Hặc cũng chính là người cảm nhận rõ nhất sự đổi thay từng ngày của mảnh đất một thời đau thương này.

Ông Lò Văn Hặc chia sẻ: Sau 1954, gắn bó với mảnh đất lịch sử, ông đã chứng kiến những bản làng trù phú mọc lên trên bãi chiến trường xưa. Sau giải phóng, cả bản làng đồng lòng chung tay xây dựng lại quê hương. Dù cuộc sống khó khăn, cái ăn thiếu thốn nhưng mọi người giúp nhau dựng nhà, làm kinh tế, xây dựng cuộc sống mới. Thấy bản làng, đất nước thay đổi, đó là điều cũng vô cùng phấn khởi. Bởi bây giờ bản làng đã thay đổi nhiều, trong bản nhà nào cũng đẹp, khang trang, đường xá được quan tâm đầu tư theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm nay đã đến tận ngõ, chạm cửa từng nhà.

Từ mảnh đất chịu vết thương chiến tranh nặng nề, bản Noong Nhai nói riêng, xã Thanh Xương nói chung nay đã thực sự thay da đổi thịt. Đến Thanh Xương hôm nay, trên con đường Quốc lộ 279 huyết mạch, một bên là cánh đồng Mường Thanh màu xanh ngút ngàn, một bên là khu đô thị mới Bom La ngày một sầm uất, phát triển. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn không ngừng nỗ lực để xây dựng bản làng ngày thêm ấm no.

Hiện nay, xã Thanh Xương có 26 thôn bản, hơn 2.000 hộ, với khoảng 8.000 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn dưới 3%. Do có tuyến đường Quốc lộ 279 đi qua nên tạo nhiều điều kiện thuận tiện cho người dân phát triển thông thương, kinh doanh, buôn bán.

Khu đô thị mới Bom La (Thanh Xương) với những ngôi nhà khang trang, tạo diện mạo mới cho mảnh đất đã nổi tiếng của máu và nước mắt.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: Cho đến nay, diện mạo của bản làng đã được thay đổi rất nhiều, đặc biệt là từ khi hoàn thành xong việc xây dựng chương trình nông thôn mới. Từ đó, đời sống của bà con được cải thiện qua từng năm, hiện bình quân thu nhập đầu người trên địa bàn xã là trên 27 triệu đồng/năm. Với truyền thống đoàn kết các dân tộc ở trên địa bàn từ xưa đến nay luôn được phát huy nên bà con các dân tộc nơi đây luôn đùm bọc chung sống hòa thuận giúp đỡ lẫn nhau, đột phá trong phát triển kinh tế. Cho nên cuộc sống bà con giờ đây cũng rất khấm khá.

Khép lại nỗi đau quá khứ, đồng bào các dân tộc trên địa bàn lại tay nắm chặt tay, gắn chặt tình đoàn kết, cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất chiến trường năm xưa./.

Vũ Lợi/VOV- Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/khep-lai-noi-dau-qua-khu-noong-nhai-vuon-minh-phat-trien-1045212.vov