Khát vọng khởi nghiệp

Nếu như khởi nghiệp đối với nam giới là chuyện không mấy dễ dàng thì ở phụ nữ điều này còn gặp khó khăn hơn nhiều. Tuy nhiên, với phẩm chất cần cù, vượt khó, các chị đã mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, biến những khó khăn, thử thách thành cơ hội để khẳng định vị trí của mình trong gia đình, xã hội. Với những khát vọng vươn lên đã chứng tỏ bản lĩnh dám nghĩ, dám làm của phụ nữ trong thời kỳ hội nhập.

Vượt khó tìm một hướng đi

Những ngày cuối năm, dù tất bật với bao công việc “đầu vào – đầu ra” nhưng chị Nguyễn Thị Nam Phương (ấp Mỹ Hội, xã Thới An Hội, Kế Sách) cũng tranh thủ thời gian trò chuyện với chúng tôi. Điều làm tôi thích thú ở chị là sự tự tin – khí chất cần ở một “doanh nhân” nhưng cũng rất gần gũi, chân tình với mọi người. Nhất là khi “chạm” vào nghề nghiệp, tôi cảm giác được rằng, trái tim chị như đang nóng dần lên và cứ thế câu chuyện ngày xuân luôn thêm phần rôm rả. Chị cười thật tươi nói rằng: “Gia đình tôi ngày xưa nằm ở cái mí khó khăn. Đặc biệt là khi ba mẹ lo cho ăn học xong thì “vốn liếng” cũng chẳng còn. Cầm tấm bằng kỹ sư chăn nuôi trong tay, tôi xem đó là một hành trang thật quý giá để mình bước vào đời”. Đi làm ở nhiều nơi, chị vừa tích lũy thu nhập, vừa học hỏi kinh nghiệm quản lý, nâng cao kiến thức thực tế. Vài năm sau đó, chị quyết định trở về quê thực hiện ước mơ và tự tin chọn mô hình nuôi ếch vì thấy nó phù hợp với điều kiện vườn ao sẵn có của gia đình mình.

Thương hiệu trà mãng cầu Ngọc Trân được công nhận sản phẩm OCOP. Ảnh: XUÂN HƯƠNG

Mặc dù cứ nghĩ đã gặp thiên thời – địa lợi nhưng khởi nghiệp của chị Nam Phương cũng đầy khó khăn, vất vả. Nhất là lúc đầu việc nuôi ếch trong bể lót bạt hay gặp thất bại, chị càng trăn trở nhiều hơn với mô hình này và cuối cùng chị thành công khi nuôi ếch vèo trong ao cá. Đặc biệt, với mô hình nuôi khép kín, ếch không sử dụng thuốc kháng sinh, chị đã thành công với thương hiệu “Ếch Phương Phi, sạch tươi ngon”. Hiện tại mỗi tháng đầu ra của ếch sạch Phương Phi đạt từ 2 - 3 tấn, với nhiều sản phẩm đa dạng phục vụ nhu cầu người tiêu dùng như: ếch giống, ếch sống nguyên con, ếch tươi làm sẵn và sản phẩm mới là ếch một nắng...

Chị Nam Phương bộc bạch: “Lúc đầu khởi nghiệp, lo lắng trăm bề nhưng khi có sự hỗ trợ của các chị ở hội LHPN, tôi như được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục đi trên chặng đường đầy cam go phía trước. Năm 2019, hội LHPN phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai Chương trình tài trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo. Nhờ sự động viên của các chị, tôi mạnh dạn đăng ký tham gia Cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp” dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với mô hình nuôi ếch của mình. Tôi đã vượt qua các vòng thi và nhận được giải thưởng với mức hỗ trợ là 200 triệu đồng”. Hiện tại, vừa tìm tòi nâng cao kỹ thuật nuôi ếch, dần hoàn thiện cơ sở và đầu tư mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, chị còn chia sẻ kiến thức nuôi ếch sạch cho khách hàng gần xa. Mong muốn của chị là mang thực phẩm sạch đến với cộng đồng. Bởi giống ếch của chị nuôi hạn chế thấp nhất việc sử dụng kháng sinh, nếu có “trái gió trở trời” thì chủ yếu là dùng những bài thuốc nam do chị học hỏi, đúc kết mà thôi.

Chia tay chị Nam Phương tôi qua quê hương năm ngã để tìm gặp chị Cao Thị Ngọc Mỹ (ấp Vĩnh Kiên, xã Vĩnh Quới, TX. Ngã Năm). Vừa gặp tôi, chị Mỹ vui mừng báo tin, năm nay, thương hiệu trà mãng cầu Ngọc Trân của chị được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao – đây là động lực rất lớn để chị quyết tâm hơn nữa trên con đường khởi nghiệp. Nhìn vóc dáng nhỏ nhắn của người phụ nữ chỉ ngoài ba mươi ấy mà khâm phục bản lĩnh, sự chịu khó mày mò, học hỏi để thành công. “Mấy năm trước, hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng em phải đi làm công. Thời gian qua, vùng đất Ngã Năm được đánh thức bởi nhiều sản phẩm đặc trưng, trong đó có trà mãng cầu nên em quyết tâm mình phải khởi nghiệp để vươn lên. Và bây giờ, trà mãng cầu Ngọc Trân đã được khách hàng gần xa biết đến, đơn đặt hàng ngày càng tăng, không chỉ ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mà còn cả các nơi ở miền Đông Nam bộ và trong cả nước” - chị Cao Thị Ngọc Mỹ hào hứng nói.
Trên đường về Sóc Trăng, tôi ghé qua Mỹ Xuyên, thăm cơ sở thắt lông mi giả của chị Nguyễn Thị Mỹ Linh (ấp Hòa Trung, xã Hòa Tú 1). Vừa xong cuộc điện thoại với khách hàng, chị Linh quay sang cho biết, năm nay do tình hình dịch bệnh nên các chị em ít tập trung tại cơ sở, mà chủ yếu là đem về gia công, chứ như bình thường thì cơ sở này đông vui lắm. Với xứ sở thuần nông, sau khi kết thúc mùa vụ thường có một khoảng thời gian trống nhất định, vì vậy chị Linh nghĩ ra việc đi học nghề thắt lông mi giả. Ban đầu, chị thành lập Tổ Phụ nữ thắt lông mi giả với 10 chị em tham gia. Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm, chị đăng ký hộ kinh doanh và trở thành cơ sở thắt lông mi giả, sản phẩm có thương hiệu và đạt chất lượng nên hàng bán nhiều hơn; số lượng các chị nhận hàng về gia công ngày càng tăng và đến nay đã giải quyết cho trên 150 lao động.

Đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp

Tôi đã từng nghe có câu nói ví von rằng: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng đồng đội” – điều đó thật đúng đối với những chị em phụ nữ khởi nghiệp. Cái hay của các chị bên cạnh sự vượt khó vươn lên, mỗi người còn biết nắm bắt cơ hội và tìm người đồng hành. Và người đồng hành đó, không ai khác chính là các tổ chức đoàn thể - mà gần gũi với các chị nhất chính là hội LHPN.

Cơ sở thắt lông mi giả của chị Nguyễn Thị Mỹ Linh giải quyết trên 150 lao động nữ ở địa phương. Ảnh: XUÂN HƯƠNG

Chị Nguyễn Thị Mỹ Linh chân tình: “Ban đầu vốn liếng cũng ít nhưng nhờ sự hướng dẫn của các cấp hội phụ nữ, chị đăng ký tham gia cuộc thi và đạt giải “Ý tưởng khởi nghiệp”. Có thêm nguồn vốn, cơ sở của chị có cơ hội phát triển kinh doanh. “Điều đáng mừng là thông qua cơ sở thắt lông mi giả này, chúng tôi đã giải quyết cho hàng trăm lao động nữ ở địa phương có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống” – chị Linh phấn khởi chia sẻ. Nhờ đạt giải sáng tạo, sản phẩm lông mi giả của Mỹ Linh được nhiều người biết đến và ưa chuộng vì sản phẩm làm cho đôi mắt đẹp, long lanh, giúp cho phụ nữ thêm đẹp và tự tin.

Đối với chị Ngọc Mỹ cũng vậy, với vai trò là chi hội trưởng chi hội phụ nữ ấp đã rèn luyện cho chị một bản lĩnh vững vàng. Chị khoe rằng, từ khi làm sản phẩm trà mãng cầu, được sự giới thiệu, kết nối của các cô, các chị ở các cấp hội LHPN chị đã mạnh dạn, tự tin hơn, biết nắm bắt cơ hội kinh doanh, tham gia nhiều đợt trưng bày, giới thiệu sản phẩm trong và ngoài tỉnh, từ đó tạo được sự liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm.

Bà Trần Thị Kim Phượng – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ, thời gian qua, thông qua các chương trình, dự án, đặc biệt là Đề án 939 - là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng, giúp các cấp hội trong tỉnh triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế một cách căn cơ. Từ đó, tạo cho chị em hội viên, phụ nữ có được kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp, tạo cơ hội việc làm cho bản thân và cộng đồng. Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành cùng phụ nữ khởi nghiệp, với hoạt động như: hỗ trợ vốn, hỗ trợ thủ tục pháp lý, tập huấn nâng cao kiến thức khởi sự kinh doanh, tổ chức “Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp”, tham quan học tập kinh nghiệm…

Ở phụ nữ có một sức mạnh phi thường ẩn sâu bên trong một trái tim ấm áp – những cánh hoa xuân ấy sẽ luôn theo đuổi hết mình và đi đến thành công với con đường mà họ đã lựa chọn. Đặc biệt hơn, trên con đường khởi nghiệp ấy sẽ luôn có mọi người đồng hành, tiếp sức để các chị thực hiện khát vọng vươn lên.

XUÂN HƯƠNG

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/xa-hoi/khat-vong-khoi-nghiep-44528.html